Nga và cuộc đua sản xuất vaccine Covid-19

Một quan chức hàng đầu của Nga cho biết, Moscow có thể tung ra vaccine phòng Covid-19 trong tháng 9 tới, đồng thời bác bỏ cáo buộc tin tặc làm việc cho cơ quan tình báo đất nước này đã cố gắng đánh cắp dữ liệu nhạy cảm từ các nhà nghiên cứu đối thủ ở Anh, Mỹ và Canada. Nếu tuyên bố trên thành hiện thực, Nga sẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới cho ra vaccine ngăn ngừa dịch bệnh đang hoành hành khắp thế giới.

Nga phủ nhận cáo buộc cố gắng đánh cắp thông tin nghiên cứu vaccine phòng Covid-19. Ảnh: Reuters

Nga phủ nhận cáo buộc cố gắng đánh cắp thông tin nghiên cứu vaccine phòng Covid-19. Ảnh: Reuters

Vaccine Covid-19 “đã sẵn sàng”

“Nga có lẽ sẽ là một trong những nước đầu tiên sản xuất vaccine, dù hàng tỷ USD đã được đầu tư vào Mỹ và tất cả Cty dược phẩm đang nhắm đến mục tiêu này. Chuyện sẽ gây sốc một chút”, Kirill Dmitriev, giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), tổ chức được chính phủ hậu thuẫn và đang tài trợ hoạt động nghiên cứu vaccine Covid-19, cho biết hôm 19-7.

Trước đó, Anh, Mỹ và Canada đều cáo buộc nhóm tin tặc APT29, vốn bị coi là một bộ phận của tình báo Nga, đang tấn công mạng những tổ chức nghiên cứu và phát triển vaccine phòng Covid-19 của họ. Giới chức tình báo Anh đánh giá đây là nỗ lực đánh cắp tài sản trí tuệ hơn là làm gián đoạn nghiên cứu. Tuy nhiên, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 17-7 đã “mạnh mẽ bác bỏ” những cáo buộc mà ông cho rằng vô căn cứ này.

Theo ông Dmitriev, Moscow không cần đánh cắp thông tin từ các đối thủ bởi Moscow đã thỏa thuận được với Cty dược AstraZeneca để chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 đang được tập đoàn dược phẩm hàng đầu của Anh này và Đại học Oxford phát triển. Đơn vị tiếp nhận tại Nga là hãng dược hàng đầu R-Pharm. AstraZeneca, Cty dược phẩm đa quốc gia trụ sở tại Anh, cũng tuyên bố, Nga sẽ trở thành một trong những trung tâm sản xuất và cung cấp vaccine cho thị trường quốc tế, với kế hoạch xuất khẩu tới hơn 30 nước ở Trung Đông, vùng Balkan và Cộng đồng Các quốc gia Độc lập (CIS), bao gồm những nước từng thuộc Liên Xô.

Ông Dmitriev cho biết, vaccine sẽ bắt đầu được thử nghiệm giai đoạn 3 trên hàng nghìn người vào ngày 3-8, tiến hành tại Nga cùng Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Ông nói thêm rằng Nga có thể sản xuất 30 triệu liều nội địa và 170 triệu liều cho nước ngoài trong năm 2020, với 5 quốc gia đang bày tỏ mong muốn sản xuất vaccine.

Hôm 20-7, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ruslan Tsalikov cũng cho biết kết quả thử nghiệm của các chuyên gia và nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia cho thấy, tất cả các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vaccine đều đã có miễn dịch chống lại Covid-19, và cảm thấy bình thường. “Vì vậy, loại vaccine chống Covid-19 nội địa đầu tiên đã sẵn sàng”, ông Tsalikov tuyên bố.

Hồi tháng 6, chính quyền Nga đã cấp phép thử nghiệm lâm sàng một loại vaccine đông - khô và một loại vaccine lỏng được phát triển bởi Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học - Vi sinh học Gamaleya và Viện Nghiên cứu số 48 Bộ Quốc phòng Nga. Vaccine lỏng đang được thử nghiệm trên 43 tình nguyện viên tại Bệnh viện Quân đội Burdenko, còn vaccine đông khô đang được thử nghiệm tại Đại học Y Sechenov, cũng trên 43 tình nguyện viên. Hôm 20-7, Bộ Quốc phòng Nga cho biết quá trình thử nghiệm lâm sàng ở Bệnh viện Quân đội Burdenko đã hoàn tất.

Nga có vội vàng?

Tuy nhiên, một số chuyên gia phương Tây tỏ ra nghi ngờ về tuyên bố Nga sẽ có được vaccine Covid-19 vào tháng 9 tới.

Ông Peter Shapiro, nhà phân tích thuộc Cty nghiên cứu GlobalData, nói thẳng: “Tôi không nghĩ chuyện đó có thể trở thành hiện thực”. Theo ông, Nga có thể phê chuẩn vaccine vì “các lý do chính trị” như các quốc gia khác. “Các tiêu chuẩn quản lý ở Nga khá thấp”, ông nói. Thậm chí theo ông, các rào cản về kỹ thuật ở Nga còn thấp nên kể cả khi Nga phê chuẩn vaccine thì cũng sẽ bị phương Tây xem xét lại. “Chúng ta chưa từng thấy có loại vaccine mới nào do Nga phát triển mà lại được phê chuẩn ở các thị trường lớn như Mỹ, Nhật và Châu Âu. Nga không phải là nhà sản xuất và xuất khẩu thuốc hay sản phẩm sinh học có chất lượng”, ông Shapiro cho biết. Nga đang đầu tư khá nhiều cho cuộc đua tìm kiếm vaccine phòng Covid-19. Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố đây là một trong các ưu tiên hàng đầu của nước này. Mỹ, Tây Âu và Trung Quốc cũng đang chạy đua thành lập các chương trình nghiên cứu phục vụ việc sản xuất vaccine phòng Covid-19.

Cách tiếp cận nhanh chóng của Nga, với chỉ 3 tháng thử nghiệm vaccine, rất khác so với Tây Âu và Mỹ, nơi các nhà nghiên cứu thường tiến hành giai đoạn thử nghiệm thứ ba suốt nhiều tháng để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Điều này khiến các nhà phân tích nghi ngờ sự vội vàng của Nga. “Trong tình hình hiện tại, việc tìm ra vaccine giống như một cuộc đua, với những thử nghiệm lâm sàng không được thực hiện đầy đủ”, Sergey Shulyak, giám đốc điều hành công ty tư vấn DSM Group ở Moscow, nhận xét.

AN BÌNH

Tỷ phú Bill Gates: Cần hàng tỷ vaccine để bảo vệ thế giới

Tỷ phú Bill Gates, nhà sáng lập tập đoàn phần mềm hàng đầu thế giới Microsoft, cho rằng, nhân loại có thể cần nhiều liều vaccine để miễn dịch trước virus SARS-CoV-2 và việc phát triển vaccine đòi hỏi nỗ lực chung toàn cầu.

Trả lời phỏng vấn chương trình truyền hình CBS Evening News ngày 22-7 (giờ địa phương), tỷ phú Bill Gates nhận định ở thời điểm này, dường như chưa có một loại vaccine nào phát huy tác dụng chỉ với một liều duy nhất. Ông cho rằng có thể phải cần tới hơn 7 tỷ liều vaccine mới đủ để cấp phát trên toàn thế giới. Nhà sáng lập Microsoft từng cảnh báo về mối đe dọa của một đại dịch toàn cầu kể từ năm 2015 và mới đây ông đã ủng hộ 300 triệu USD cho nỗ lực toàn cầu nhằm ứng phó với đại dịch.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_228485_nga-va-cuoc-dua-san-xuat-vaccine-covid-19.aspx