Nga và Mỹ kêu gọi Armenia-Azerbaijan tuân thủ lệnh ngừng bắn
Căng thẳng Armenia-Azerbaijan nóng trở lại với việc Armenia cáo buộc quân đội Azerbaijan 'xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ'. Cả Mỹ và Nga đều đang theo dõi chặt chẽ diễn biến và kêu gọi hai bên tuân thủ lệnh ngừng bắn đạt được gần đây.
Bộ Quốc phòng Armenia cáo buộc quân đội Azerbaijan vượt biên giới hai nước, tìm cách chiếm lãnh thổ, dẫn đến việc Armenia quyết định tiến hành điều tra hình sự về tội "xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ". Azerbaijan phủ nhận cáo buộc, khẳng định quân đội chỉ bảo vệ phía biên giới nước này.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan ngay lập tức có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đồng thời đề nghị Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu, tổ chức những cuộc tham vấn về việc hỗ trợ quân sự cho Armenia.
Theo hiệp ước, 6 quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, trong đó Armenia là thành viên, coi hành động gây hấn với một thành viên trong khối là hành động gây hấn với cả khối. Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Putin nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên, đồng thời khẳng định Nga "sẵn sàng tiếp tục thực hiện các nỗ lực hòa giải tích cực nhằm đảm bảo sự ổn định trong khu vực. Quốc tế và Liên Hợp Quốc luôn khẳng định, tuân thủ lệnh ngừng bắn là điều kiện tiên quyết để tránh xung đột nghiêm trọng hơn giữa hai bên.
Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric nhấn mạnh: “Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guteres luôn kêu gọi các bên tuân thủ nghĩa vụ của mình theo luật nhân đạo quốc tế để bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng trong khu vực, kiềm chế mọi hành động có thể làm xấu đi tình hình. Armenia và Azerbaijan cũng cần thực hiện đầy đủ lệnh ngừng bắn và các cam kết khác đã đưa ra tại Nga”.
6 tháng sau cuộc giao tranh tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ giữa Azerbaijan và Armenia, sự cố biên giới trong tuần này cho thấy sự mong manh của một lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian để ngăn chặn xung đột.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jalina Porter hôm qua cho biết, Mỹ đang theo dõi diễn biến tình hình, kêu gọi Azerbaijan rút lại lực lượng ngay lập tức và "ngừng các hành động khiêu khích”. Mỹ cho rằng các vấn đề phân định biên giới nên được giải quyết thông qua đàm phán và thảo luận.
Trong một dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng, Phó Thủ tướng Armenia Tigran Avinyan xác nhận, các quan chức hai nước đang đàm phán nhằm làm dịu cuộc khủng hoảng mới nhất, song vẫn chưa đạt được kết quả. Hai bên đã dạt được thỏa thuận về việc lực lượng Azerbaijan cần rời khỏi lãnh thổ Armenia. Tuy nhiên phía Armenia cho biết Azerbaijan vẫn không thực hiện đầy đủ cam kết rút quân.
Ông Avinyan khẳng định, Armenia muốn giải quyết vấn đề một cách hòa bình, nhưng cũng sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ có chủ quyền của mình./.