Nga và Trung Quốc thiết lập kỷ nguyên hợp tác mới về không gian

Cơ quan vũ trụ của Nga sẽ kết hợp tàu vũ trụ có người lái sản xuất nội địa của nước này với tên lửa đẩy siêu trọng của Trung Quốc để thực hiện các nhiệm vụ khám phá Mặt Trăng trong tương lai, một quan chức cấp cao của Nga cho biết.

Chia sẻ các trang thiết bị không gian

Giám đốc điều hành phụ trách các chương trình phát triển và khoa học tại Cơ quan Vũ trụ Liên bang Roscosmos, ông Alexander Bloshenko cho biết, trong tương lai Trung Quốc và Nga sẽ thiết kế các quy trình kỹ thuật cho tàu vũ trụ của hai nước để cho phép chúng kết hợp với nhau khi thực hiện các sứ mệnh không gian.

Tên lửa đẩy Proton-M ở sân bay vũ trụ Baikonur, Nga. Ảnh: Sputnik

Tên lửa đẩy Proton-M ở sân bay vũ trụ Baikonur, Nga. Ảnh: Sputnik

Sputnik dẫn lời ông Alexander Bloshenko ngày 26/5 tuyên bố: “Các bên đã nhất trí kết hợp tên lửa đẩy siêu trọng của Nga với các chuyến bay vũ trụ có người lái của Trung Quốc, hoặc kết hợp tên lửa đẩy siêu trọng của Trung Quốc với tàu vũ trụ có người lái của Nga”.

Hiện, Trung Quốc vẫn chưa đưa ra bình luận về kế hoạch hợp tác trong không gian với Nga. Mặc dù ông Alexander Bloshenko không nêu rõ loại phương tiện nào sẽ tham gia chương trình hợp tác này nhưng báo cáo của Roscosmos đề cập tên lửa đẩy siêu trọng Yenisei và tàu vũ trụ có người lái Oryol đang được Nga phát triển. Ngoài ra còn có tên lửa đẩy siêu trọng Trường Chinh 9 (Long Mach 9) và phương tiện đưa phi hành đoàn vào không gian thế hệ mới của Trung Quốc đang trong quá trình chế tạo.

Theo thông báo trước đó của chính phủ hai nước, đợt triển khai đầu tiên của Yenisei và Oyrol dự kiến diễn ra vào năm 2028, còn hoạt động thử nghiệm Long March 9 dự kiến diễn ra vào năm 2030.

Hiện, Nga đang có kế hoạch đưa tàu vũ trụ chạy bằng năng lượng hạt nhân lên Mặt Trăng, tiếp đến là sao Kim và sao Mộc. Trong thông báo cuối tuần qua, cơ quan vũ trụ liên bang Nga Roscosmos cho biết “tàu kéo không gian” - thuật ngữ chỉ tàu vũ trụ vận chuyển phi hành gia hoặc trang thiết bị từ quỹ đạo này sang quỹ đạo khác, dự kiến sẽ được phóng vào không gian để thực hiện sứ mệnh liên hành tinh vào năm 2030. Nó hoạt động nhờ mô-đun năng lượng có tên gọi Zeus. Về cơ bản Zeus giống như một nhà máy điện hạt nhân di động, có thể tạo ra đủ năng lượng để tàu vũ trụ vận chuyển thiết bị, hàng hóa trong không gian.

Lĩnh vực hợp tác đầy triển vọng

Thăm dò không gian và các công nghệ liên quan được xác định là lĩnh vực hợp tác chính giữa Bắc Kinh và Moscow trong bối cảnh hai bên đang nỗ lực thúc đẩy quan hệ song phương nhằm đối phó với áp lực ngày càng gia tăng từ phía Mỹ. Hợp tác không gian cũng nằm trong chương trình nghị sự của cuộc hội đàm giữa Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì và Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev nhân chuyến thăm của ông Dương Khiết Trì đến Moscow trong tuần này.

Trước đó, trong thông cáo chung sau cuộc họp ngoại trưởng vào tháng 3/2021, Nga và Trung Quốc cho biết hai bên sẽ mở rộng hợp tác trong lĩnh vực thám hiểm Mặt Trăng và không gian, công nghệ vệ tinh thông tin, sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ và chương trình chế tạo vệ tinh khoa học Spektr-M do Nga đề xuất, cũng như hợp tác lâu dài về hệ thống định vị vệ tinh, tăng cường khả năng tương thích giữa vệ tinh BeiDou của Trung Quốc và vệ tinh Glonass của Nga.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Song Zhongping nhận định rằng, với một loạt thỏa thuận hợp tác trong sứ mệnh không gian và thám hiểm Mặt Trăng, sự tin tưởng giữa Nga và Trung Quốc đã gia tăng đến mức hai bên có thể điều khiển tàu vũ trụ có người lái của nhau.

“Nếu các dự án có thể thực hiện được, thì đây sẽ là một minh chứng tuyệt vời về việc áp dụng một tiêu chuẩn chung, tương đối phù hợp, trong các chương trình hợp tác không gian giữa Nga và Trung Quốc. Điều đó thể hiện sự hợp tác và tin tưởng mạnh mẽ giữa hai nước, đồng thời cũng đặt nền tảng và tiêu chuẩn cho các lĩnh vực hợp tác không gian vũ trụ khác, chẳng hạn như trạm quan sát trên mặt trăng”, ông Song Zhongping nói.

Chương trình không gian của Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng kể từ khi nước này trở thành quốc gia thứ 3 đưa phi hành gia lên quỹ đạo vào năm 2003. Bắc Kinh có kế hoạch xây dựng một trạm vũ trụ vào năm 2022 và một trạm Mặt Trăng vào năm 2045. Trước đó vào năm 2020, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trong 4 thập kỷ đưa đá từ Mặt Trăng về Trái Đất và là quốc gia thứ 3 đạt được kỳ tích như vậy, sau Mỹ và Liên Xô.

Mặc dù Trung Quốc khẳng định chương trình không gian của nước này được phát triển vì mục đích hòa bình, song những bước tiến mạnh mẽ và nhanh chóng của Bắc Kinh đã làm dấy lên nhiều hoài nghi, đặc biệt là từ phía Mỹ.

Vào tháng 6/2020, Lầu Năm Góc đã công bố chiến lược không gian mới, coi Trung Quốc và Nga là những mối đe dọa chiến lược “đã vũ khí hóa không gian như một cách thức làm giảm vị thế quân sự của Mỹ và đồng minh đồng thời thách thức quyền tự do hoạt động trong không gian”.

Hồi đầu tháng 5, NASA đã chỉ trích Trung Quốc, cho rằng nước này thiếu trách nhiệm trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn về du hành vũ trụ, sau khi tàn tích tên lửa Trường Chinh 5B (Long March 5B) của Trung Quốc, rơi xuống Ấn Độ Dương gần Maldives./.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo SCMP

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nga-va-trung-quoc-thiet-lap-ky-nguyen-hop-tac-moi-ve-khong-gian-860869.vov