Nga và Trung Quốc với bất ổn ở Kazakhstan

Bất ổn ở biên giới phía Nam có thể là một rào cản chiến lược nghiêm trọng đối với Điện Kremlin, đặc biệt là khi Moscow đang tập trung giải quyết những vấn đề liên quan đến Belarus và Ukraine

Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev ngày 7-1 khẳng định trật tự "phần lớn đã được thiết lập" tại quốc gia này nhưng nhấn mạnh các chiến dịch "chống khủng bố" vẫn tiếp diễn.

Khẳng định những phần tử quá khích đang sử dụng vũ khí để phá hoại tài sản dân sự, Tổng thống Tokayev cho phép lực lượng an ninh nổ súng mà không cần cảnh báo.

Tuyên bố trên được đưa ra không lâu sau khi Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) Stanislav Zas cho biết CSTO sẽ triển khai khoảng 2.500 binh sĩ gìn giữ hòa bình đến Kazakhstan để hỗ trợ "dập tắt bất ổn".

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Sputnik hôm 6-1, Tổng Thư ký Zas cho biết CSTO có 2 mục tiêu chính tại Kazakhstan, gồm bảo vệ các "cơ sở chiến lược và có vai trò quan trọng đối với chính phủ", cũng như "hỗ trợ duy trì trật tự" và bảo đảm an toàn cho cư dân.

Ông Zas nhấn mạnh CSTO không có kế hoạch điều lực lượng gìn giữ hòa bình đến Kazakhstan để đối đầu trực tiếp với người biểu tình nhưng trong trường hợp các địa điểm do CSTO canh gác bị tấn công vũ trang, binh sĩ được phép đáp trả bằng vũ lực.

Khẳng định sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Kazakhstan được khởi động phù hợp với hiến chương CSTO sau khi Tổng thống Tokayev yêu cầu hỗ trợ, ông Zas tuyên bố các binh sĩ sẽ hiện diện tại Kazakhstan cho đến khi giới chức nước này đánh giá là không còn cần thiết.

Binh sĩ Nga lên máy bay quân sự đến Kazakhstan vào ngày 6-1Ảnh: REUTERS

Binh sĩ Nga lên máy bay quân sự đến Kazakhstan vào ngày 6-1Ảnh: REUTERS

Giới chuyên gia khẳng định những gì đang diễn ra ở Kazakhstan là "một cơn ác mộng" đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nga từ lâu xem Kazakhstan là đồng minh chiến lược quan trọng và đến giờ vẫn phụ thuộc vào sân bay vũ trụ Baikonur của quốc gia này để phục vụ các sứ mệnh không gian có người lái.

Bất ổn ở biên giới phía Nam có thể là một rào cản chiến lược nghiêm trọng đối với Điện Kremlin, đặc biệt là khi Moscow đang tập trung giải quyết những vấn đề liên quan đến Belarus và Ukraine.

Trong khi đó, một vài chuyên gia như Maxim Suchkov của Trường ĐH Quốc gia Quan hệ Quốc tế Moscow (Nga) cho rằng bất ổn Kazakhstan tạo ra một cuộc khủng hoảng có lợi cho Moscow.

Ông Suchkov ngợi ca quyết định của Điện Kremlin về việc điều quân hỗ trợ Kazakhstan vãn hồi an ninh, nói rằng sứ mệnh hòa bình chóng vánh này có thể giúp Moscow gia tăng vị thế trong khu vực.

Tuy nhiên, theo báo The Guardian, chiến dịch này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bị nhiều người xem là hành động can thiệp của Moscow, sứ mệnh hòa bình của CSTO gây bất bình cho nhiều cư dân ở Kazakhstan, nơi một trong những thành tựu lớn nhất của cựu Tổng thống Nursultan Nazarbayev là kiểm soát xung đột giữa người Kazakhstan và cộng đồng thiểu số Nga.

Làn sóng biểu tình bạo lực nêu trên cũng là một cơn đau đầu đối với giới chức Trung Quốc, quốc gia sử dụng Kazakhstan làm "bệ phóng" cho sáng kiến Vành đai và Con đường, đồng thời đã đầu tư hàng tỉ USD vào nền kinh tế lớn nhất khu vực Trung Á trong 10 năm trở lại đây.

Tọa lạc giữa Nga và Trung Quốc, Kazakhstan có vị trí chiến lược khi kết nối các nền thị trường lớn và tăng trưởng nhanh của Trung Quốc và Nam Á với Nga và châu Âu.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân mới đây khẳng định những sự kiện ở Kazakhstan là chuyện nội bộ và Bắc Kinh hy vọng tình hình sẽ sớm ổn định.

CAO LỰC

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/nga-va-trung-quoc-voi-bat-on-o-kazakhstan-20220107211618934.htm