Nga và Ukraine cải biên thiết giáp 70 tuổi MT-LB thành 'sát thủ' độc nhất vô nhị
Nga và Ukraine đã tìm ra những cách thức tinh vi để sử dụng xe thiết giáp MT-LB nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt xe bọc thép trong cuộc xung đột tiêu hao kéo dài hơn 1 năm qua.
Quân đội Nga được cho là đã lắp thêm pháo phòng không 2M-7, cỡ nòng 14,5mm thường chỉ dùng cho các tàu tuần tra của lực lượng hải quân, vào thiết giáp MT-LB.
MT-LB là xe bọc thép hỗ trợ kỹ thuật bánh xích đa dụng, được chế tạo từ thời Liên Xô có tuổi đời khoảng 70 năm. Nó có thể chuyên chở 11 binh sỹ cùng kíp lái 2 người. MT-LB có trọng lượng 11,9 tấn, chiều dài 6,45 m, chiều rộng 2,86 m, chiều cao 1,86 m.
Để bảo vệ các binh sĩ bên trong xe, MT-LB được trang bị một lớp thép dày tới 14mm, đủ sức chống lại hỏa lực hạng nhẹ từ đối phương. Xe sử dụng động cơ diesel YaMZ 238 công suất 240 mã lực cho phép đạt vận tốc tối đa 61 km/h trên địa hình bằng phẳng và lội nước với tốc độ 6km/h.
Đặc điểm nổi bật của MT-LB là có thiết kế khá đơn giản và cơ bản, khiến nó trở thành một phương tiện có khả năng thích ứng cao, có thể được điều chỉnh để đáp ứng hầu như tất cả yêu cầu về phương tiện hỗ trợ bọc thép.
Hình ảnh xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy những chiếc MT-LB của Nga được gắn pháo hải quân 2M-7. Đây là pháo nòng đôi cỡ nòng 14,5mm, được biên chế cho quân đội Liên Xô vào năm 1945. Những chiếc MT-LB đầu tiên được sửa đổi theo phương thức này xuất hiện tại Ukraine vào đầu tháng 2/2023. Trước đó hôm 3/2, các lực lượng Ukraine tại Vuledar cho biết đã thu giữ được một chiếc MT-LB gắn tháp pháo 2M-7.
Vào đầu tháng 3, mạng xã hội cũng lan truyền những hình ảnh về chiếc MT-LB được trang bị tháp pháo hải quân 2M-3. Loại pháo này có cỡ nòng 25mm, tốc độ 300 viên/phút trước đây thường chỉ được sử dụng cho tàu chiến cỡ nhỏ, tàu phá mìn và tàu đổ bộ. 2M-3 được biên chế cho quân đội Liên Xô vào năm 1953.
Không chỉ Nga, Ukraine cũng có những cách thức riêng để sửa đổi MT-LB, giúp phương tiện này trở nên lợi hại hơn. Ukraine muốn thu hẹp khoảng cách với Nga về số lượng pháo binh và bệ phóng, vì thế họ đã thu hồi những bệ phóng tên lửa BM-21 bị hư hỏng, thậm chí tận dụng các bệ phóng được thiết kế để treo dưới cánh trực thăng tấn công hoặc máy bay chiến đấu có trong kho dữ trữ. Sau đó họ gắn các bệ phóng này vào xe kéo, xe bán tải hoặc khung gầm xe bọc thép để tạo ra một tổ hợp phóng tên lửa tạm thời.
Để giải quyết vấn đề thiếu chính xác, các lực lượng Ukraine đã đưa ra giải pháp khác là trang bị súng chống tăng 100 mm MT-12 trên xe kéo bọc thép MT-LB, tạo ra một loại vũ khí hỗ trợ hỏa lực trực tiếp, nhờ đó họ có thể tấn công mục tiêu bằng cách sử dụng kính ngắm quang học thay vì phải tính toán quỹ đạo quả đạn.
Phương pháp nào hiệu quả hơn?
Một số chuyên gia phương Tây cho rằng, cách thức của Ukraine có vẻ hiệu quả hơn, đặc biệt là về tầm bắn. Nếu như chiếc MT-LB sửa đổi của Ukraine có tầm bắn xa tới 8,2km thì phiên bản của Nga chỉ có tầm bắn 2,46km. Vì thế để phát huy tác dụng, Nga phải điều khiển MT-LB được trang bị tháp pháo 2M-7/2M-3 đến gần đối phương hơn. Vấn đề ở chỗ, MT-LB có lớp giáp bảo vệ rất mỏng, vì thế có thể dễ dàng bị vô hiệu hóa. Thông thường, một xạ thủ súng máy có thể hạ gục phương tiện này ở khoảng cách 1,5km.
Các chuyên gia cho rằng, nếu như thiết giáp MT-LB/2M-3/7 của Nga được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ phòng không như bắn hạ máy bay tên lửa của đối phương thay vì tấn công các mục tiêu mặt đất thì điều này sẽ loại bỏ được vấn đề nêu trên.
Nhìn chung, việc cả Nga và Ukraine phải sửa đổi MT-LB là minh chứng cho thấy quân đội của họ đang rơi vào tình trạng thiếu vũ khí nghiêm trọng, trong bối cảnh xung đột vẫn tiếp diễn, kéo theo những tổn thất quy mô lớn.
EurAsian Times dẫn một số nguồn tin cho biết, Nga đã phải huy động một số lượng lớn xe bọc thép cũ như xe tăng T-62 có tuổi đời 50 năm, xe chiến đấu bộ binh BMP-1 có tuổi đời 60 năm và xe MT-LB ra chiến trường, vì không thể nhanh chóng thay thế các phương tiện bọc thép hiện đại bị tổn thất. Nga hiện chưa lên tiếng về thông tin này./.