Nga và Ukraine tìm thấy điểm chung sau vòng đầu đàm phán
Nga và Ukraine đã kết thúc vòng đàm phán thứ nhất ở Belarus vào đêm 28-2 (giờ Việt Nam).
Hai bên đã lắng nghe lẫn nhau và tìm thấy điểm chung sau vòng đàm phán đầu tiên này, các vấn đề về ngừng bắn và phi quân sự hóa cũng đã được thảo luận. Vòng đàm phán tiếp theo dự kiến sẽ sớm được tổ chức.
Chiều tối 28-2 (theo giờ Việt Nam), phái đoàn Nga và Ukraine đã bắt đầu đàm phán để tìm cách giải quyết xung đột. Cuộc đàm phán diễn ra khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở miền Đông Ukraine bước sang ngày thứ 5.
Theo hãng thông tấn Belta của Belarus, các cuộc đàm phán giữa phái đoàn hai nước diễn ra tại tỉnh Gomel ở biên giới Belarus và Ukraine, gần sông Pripyat. Vì lý do an ninh, địa điểm chính xác tổ chức đàm phán không được tiết lộ. Phái đoàn Nga do Trợ lý Tổng thống Nga Vladimir Medinsky làm trưởng đoàn. Phái đoàn Ukraine gồm có: Bộ trưởng Quốc phòng Oleksiy Reznikov, Thứ trưởng Ngoại giao Mykola Tochytskyi... Để có được cuộc đàm phán trực tiếp này, cả hai bên đã trải qua những “cuộc mặc cả” về địa điểm tổ chức.
RIA Novosti đưa tin, trước thềm đàm phán, Trưởng phái đoàn Nga Medinsky khẳng định, Nga quan tâm đến việc đạt được các thỏa thuận với phái đoàn Ukraine “càng sớm càng tốt”. Theo ông Medinsky, các thỏa thuận tại cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine phải vì lợi ích của tất cả các bên.
Về phía Ukraine, Văn phòng Tổng thống nước này nhấn mạnh, Kiev coi lệnh ngừng bắn ngay lập tức và Nga rút quân khỏi lãnh thổ nước này là những vấn đề then chốt trong cuộc đàm phán với Moscow. Trước đó, hãng tin Reuters dẫn tuyên bố của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định ông cần tận dụng mọi cơ hội để bảo đảm hòa bình cho Ukraine.
Việc Nga và Ukraine nhất trí cùng ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết xung đột được cộng đồng quốc tế hoan nghênh. Giới chức các nước dồn sự chú ý vào cuộc đàm phán giữa Moscow và Kiev với hy vọng giải pháp ngoại giao sẽ giúp hai bên thu hẹp bất đồng. Theo RIA Novosti, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres bày tỏ hy vọng cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine sẽ dẫn đến một lệnh ngừng bắn và một giải pháp ngoại giao.
Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell đã lên tiếng hoan nghênh động thái này của Nga và Ukraine, đồng thời coi đây là “bước đi đầu tiên”. Về phần mình, trong cuộc họp trực tuyến với người đồng cấp Hàn Quốc Chung Eui-yong, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hoan nghênh đàm phán giữa Nga và Ukraine. “Với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong việc giảm thiểu tình hình và thiết lập hòa bình”, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc dẫn lời ông Vương Nghị cho biết. Người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Hebestreit cũng nhấn mạnh, Berlin hoan nghênh cuộc đàm phán, đồng thời nhận định các giải pháp ngoại giao là giải pháp hợp lý duy nhất.
Trong khi đó, hãng thông tấn IRNA đưa tin, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi nói rằng Tehran ủng hộ bất kỳ nỗ lực ngoại giao nào dẫn đến giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở Ukraine. Trước đó, theo TASS, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho biết, Tehran hoan nghênh cuộc đàm phán và hy vọng việc đối thoại sẽ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng trong khu vực. Về phần mình, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, người nỗ lực thúc đẩy đối thoại giữa Moscow và Kiev hy vọng rằng tại cuộc hội đàm, hai bên có thể tìm ra cách giải quyết các vấn đề khủng hoảng.
Đến tối muộn (theo giờ Việt Nam), theo hãng thông tấn Belta, ông Mikhail Podolyak, Cố vấn của người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine xác nhận, phái đoàn hai nước đã hoàn thành vòng đàm phán đầu tiên tại Belarus. “Các bên đã xác định những chủ đề ưu tiên. Các giải pháp nhất định đã được vạch ra.
Để chúng được thực hiện, các bên sẽ tham vấn ở thủ đô của nước mình”, ông Podolyak nói. Ông Podolyak nói thêm rằng, phái đoàn hai nước cũng đã thảo luận về khả năng tổ chức vòng đàm phán thứ hai trong tương lai gần. Về phần mình, Trưởng phái đoàn Nga Medinsky thông báo, Nga và Ukraine đã tìm thấy điểm chung trong quá trình đàm phán. Cuộc gặp tiếp theo của phái đoàn Ukraine và Nga dự kiến diễn ra ở biên giới Belarus-Ba Lan.
Đánh giá về kết quả đàm phán, Chủ tịch Ủy ban Duma Quốc gia về các vấn đề quốc tế Leonid Slutsky, thành viên của phái đoàn Nga nhận định, Nga và Ukraine đã lắng nghe lẫn nhau tại cuộc đàm phán ở Belarus. Theo ông Slutsky, trong cuộc đàm phán, các vấn đề về ngừng bắn và phi quân sự hóa cũng đã được thảo luận.
Quan hệ Nga-Ukraine đã trở nên căng thẳng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21-2 tuyên bố công nhận nền độc lập của Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và Cộng hòa nhân dân Luhansk (LPR) tự xưng ở Donbass, miền Đông Ukraine. Tiếp sau đó, đáp lại yêu cầu của lãnh đạo DPR và LPR, ngày 24-2, ông Putin đã quyết định tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine nhằm phi quân sự hóa Ukraine. Ông Putin tuyên bố Nga không có kế hoạch xâm chiếm lãnh thổ Ukraine và mục đích tiến hành chiến dịch là nhằm bảo vệ người dân khu vực Donbass phải chịu nhiều thiệt hại do xung đột gây ra trong những năm qua.
Phản ứng trước động thái của Nga, Tổng thống Ukraine Zelensky ban hành lệnh thiết quân luật trên cả nước, đồng thời tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Moscow. Đến ngày 27-2, hai bên quyết định gặp nhau ở khu vực biên giới Ukraine-Belarus mà không có điều kiện tiên quyết nào. Do các vấn đề hậu cần mà phái đoàn Ukraine phải đối mặt, đàm phán đã bị hoãn lại sang ngày 28-2. Theo Điện Kremlin, không có kế hoạch đình chỉ hoạt động của chiến dịch quân sự trong thời gian đàm phán.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định lực lượng không quân của nước này đã kiểm soát được không phận của Ukraine, giành quyền kiểm soát các thành phố Energodar và Berdyansk. Theo RT, Bộ Quốc phòng Nga cũng thông báo người dân Ukraine có thể tự do rời khỏi thủ đô Kiev dọc theo đường cao tốc về hướng thành phố Vasilkov. “Đây là hướng đi thông thoáng và an toàn”, Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh. Trong những ngày qua, hàng nghìn người dân Ukraine đã rời khỏi đất nước. CNN dẫn thông tin mới nhất từ Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) cho biết, hơn 500.000 người đã rời Ukraine sang các nước láng giềng. Trước tình hình này, nhiều quốc gia tại châu Âu đã công bố kế hoạch đón người tị nạn từ Ukraine.