Nga và vaccine Covid-19 đầu tiên trên thế giới: Vừa mừng vừa lo
Mừng khi thế giới có thêm hy vọng về sớm chấm dứt sự lây lan của đại dịch Covid-19, song lo là bởi hiệu quả của vaccine mới công bố này vẫn là một dấu hỏi lớn.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đích thân công bố loại vaccine mới của Nga (Nguồn: RFE/RL)
Ngày 11/8, Tổng thống Vladimir Putin đã khiến thế giới chấn động khi khẳng định Nga đã đăng ký vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới: “Tôi biết vaccine hoạt động đủ hiệu quả, tạo ra được miễn dịch ổn định, và xin lặp lại, đã vượt qua khâu kiểm định”. Thậm chí, nhằm chứng minh cho lời nói, ông Putin cho biết con gái của ông đã tiêm vaccine và sau ngày đầu sốt nhẹ, thân nhiệt của đã ổn định, với mức kháng thể trong máu cao.
Theo Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko, loại vaccine nêu trên do Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ và sinh vật học Gamaleya của Nga phát triển đã hoàn thành mọi giai đoạn nghiệm lâm sàng. Vaccine mới sẽ có tên chính thức trên thị trường quốc tế là Sputnik V, gợi nhớ về tên gọi của vệ tinh đầu tiên trên thế giới Sputnik được phóng lên vũ trụ năm 1957.
Tuyên bố của Nga đã khiến nhiều người sửng sốt, khi tiến trình phát triển vaccine của Trung tâm Gamaleya đã “vượt mặt” nhiều tập đoàn dược phẩm có nền tảng kinh nghiệm và kỹ thuật trong sản xuất vaccine như Pfizer, Biontech, Moderna, Oxford/Astrazeneca, Sinovac, Sinopharm…, hiện đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Thông báo của Moscow khiến nhiều người “vừa mừng vừa lo”.
Mừng đã rõ
Rõ ràng, công bố của Nga có thể là cứu cánh cho người dân trên toàn thế giới, trong bối cảnh nhiều quốc gia đang gặp khó khăn trong kiểm soát sự lây lan và hạn chế tác động của đại dịch Covid-19. Theo đó, 20 quốc gia, trong đó có Saudi Arabia, các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Brazil, Ấn Độ, Philippines đã đặt trước 1 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 của Nga. Lãnh đạo Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dimitriev cho biết khi phối hợp với đối tác nước ngoài, Nga có thể sản xuất tới 500 triệu liều vaccine/năm tại 5 quốc gia, với nhiều địa điểm được cân nhắc như Ấn Độ, Hàn Quốc, Brazil, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Cuba.
Trong số đó, Philippines tỏ ra đặc biệt hào hứng với công bố của Nga. Ngày 11/8, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết chấp nhận thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa Covid-19 của Nga, đồng thời tình nguyện tiêm thử để bày tỏ sự tin tưởng với Sputnik V. Ông cũng không giấu giếm sự ngưỡng mộ dành cho nước Nga, gọi ông Putin là “thần tượng” và khẳng định Manila có thể hỗ trợ Moscow trong thử nghiệm lâm sàng, thậm chí là tham gia vào quá trình sản xuất.
Tương tự, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic khẳng định “muốn trở thành người đầu tiên dùng vaccine sau khi các chuyên gia của Serbia đánh giá”, đồng thời cho rằng sự xuất hiện sớm của vaccine của Nga sẽ giúp bảo vệ nền kinh tế của Serbia.
Cận cảnh loại vaccine ngừa Covid-19 “Sputnik V” do Nga sản xuất. (Nguồn: AFP)
Lo có tường?
Tuy nhiên, thành tựu của Nga đã phải đối mặt với hoài nghi từ giới chuyên gia và giới chức phương Tây, khi cho rằng Nga đã “đốt cháy” giai đoạn để chiến thắng trong cuộc chạy đua vaccine, khi chỉ tiến hành thử nghiệm lâm sàng cho 38 người trước khi công bố.
Ông Jonathan Ball, giáo sư về virus phân tử thuộc Đại học Nottingham (Anh) cho rằng, các ứng viên phải trải qua hàng loạt bài thử nghiệm nhằm đảm bảo rằng vaccine an toàn và có công dụng. Theo ông, thách thức đối với bất kỳ một vaccine Covid-19 nào là bảo vệ nhóm người dễ chịu ảnh hưởng nhất của virus – những người già, sức đề kháng kém với bệnh nền. Vaccine nào không đạt tiêu chuẩn này sẽ phải hướng tới giảm khả năng lây nhiễm giữa người với người thông qua tăng cường kháng thể, hoặc đảm bảo rằng người mắc SARS-CoV-2 không thể lây cho người khác. Cả hai cách này đều cần được kiểm chứng thông qua thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.
Theo ông Ball, thông tin về vaccine ngừa Covid-19 Nga là không nhiều, song có lẽ đã trải qua thử nghiệm ban đầu nên ít nhiều cũng đảm bảo an toàn về sinh học. Tuy nhiên, tác dụng thực sự của vaccine chưa được kiểm chứng và sản xuất hàng loạt có thể là quyết định vội vàng.
Tương tự, ngày 11/8, ông Jarbas Barbosa, Trợ lý Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết WHO chưa nhận được đầy đủ thông tin về vaccine ngừa Covid-19 của Nga để đánh giá. Theo quan chức này, tất cả nhà sản xuất vaccine đều phải tuân thủ theo thủ tục này để đảm bảo vaccine an toàn và có được sự đề xuất sử dụng của WHO.
Bộ Y tế Đức cho rằng chưa có nhiều dữ liệu về chất lượng, hiệu quả và độ an toàn của vaccine ngừa Covid-19 của Nga, nhận định vaccine này vẫn chưa vượt qua nghiên cứu giai đoạn 3 và do đó, Berlin sẽ không đàm phán “cùng phát triển vaccine” với Moscow. Các quan chức và giới truyền thông Mỹ cũng hoài nghi về vaccine Nga. Cố vấn Tổng thống Mỹ Kellyanne Conway nhận định vaccine ngừa Covid-19 của Nga “tụt hậu” so với Mỹ và mới được thử nghiệm cho số ít người.
Theo Der Spiegel, việc Nga công bố vaccine có thể phả hơi nóng vào cuộc “chạy đua” phát triển vaccine, dấy lên nguy cơ đốt cháy giai đoạn để đẩy nhanh tốc độ của Trung Quốc và Ấn Độ, thể hiện ưu thế về trình độ khoa học - công nghệ và giành lấy ưu thế về mặt chiến lược.
Do đó, sẽ hợp lý hơn cả khi Nga cùng các quốc gia mở rộng thử nghiệm lâm sàng trên người đối với vaccine ngừa Covid-19, trước khi tiến hành sản xuất và phổ cập đại trà. Thận trọng không bao giờ thừa, nhất là với thứ có ảnh hưởng sinh mạng hàng tỷ người trên thế giới.
Việt Nam “chưa tính chuyện nhập khẩu vaccine ngừa Covid-19 của Nga”
Ngày 11/8, trả lời câu hỏi về khả năng nhập khẩu vaccine ngừa Covid-19 của Nga, Tiến sỹ, Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) thuộc Bộ Y tế cho rằng: “Vaccine Covid-19 đầu tiên trên thế giới được Nga tự công bố và lưu hành nhưng kết quả nghiên cứu khoa học chưa được công bố rộng rãi, nên chưa có tham khảo và đánh giá. Do đó, khó có thể khẳng định được vaccine Covid-19 của Nga có an toàn hay không cho đến khi các số liệu được công bố…
Khi nào nghiên cứu vaccine của họ được công bố rộng rãi trên thế giới, kết quả tốt thì chúng tôi mới tính đến các bước tiếp theo trong nhập khẩu và đăng ký lưu hành tại Việt Nam.”