Nga vén màn bí mật thảm kịch cháy tàu ngầm hạt nhân tuyệt mật ở Severomorsk

Bộ trưởng Quốc phòng Nga báo cáo với Tổng thống Putin rằng vụ cháy trên tàu ngầm nghiên cứu biển sâu khiến 14 thủy thủ thiệt mạng bắt đầu từ khoang ắc quy của tàu, song được ngăn chặn nhờ sự hi sinh của các quân nhân.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo nguyên nhân dẫn đến thảm kịch làm 14 quân nhân Nga thiệt mạng ngày 1/7 là do cháy trong khoang ắc quy, Sputnik ngày 4/7 đưa tin. "Đám cháy bùng phát trong khoang chứa ắc quy sau đó lan rộng", ông Shoigu báo cáo.

 Ông Shoigu báo cáo với Tổng thống Nga về thảm kịch. Ảnh: TASS

Ông Shoigu báo cáo với Tổng thống Nga về thảm kịch. Ảnh: TASS

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga, tàu gặp nạn chạy bằng nhiên liệu hạt nhân, song thủy thủ đoàn đã áp dụng biện pháp để ngăn rò rỉ phóng xạ. Con tàu sẽ sớm được sửa chữa và trở lại hoạt động sớm.

Trong thông báo trước đó, ông Shoigu nói rằng các thủy thủ đã hy sinh mạng sống để hoàn thành một nhiệm vụ khó khăn: dập tắt ngọn lửa, cứu sống đồng đội và cứu lấy tàu ngầm. "Các thủy thủ có hành động anh hùng. Họ sơ tán một chuyên gia dân sự khỏi khoang tàu khi ngọn lửa bùng lên rồi chốt cửa sau lưng để không cho ngọn lửa lan rộng", ông Shoigu khẳng định.

Các chi tiết về loại tàu ngầm và nguyên nhân cụ thể hơn của vụ cháy không được tiết lộ, song truyền thông Nga dẫn các nguồn tin riêng thì cho hay vụ cháy đã xảy ra trên tổ hợp tàu ngầm hạt nhân do thám tuyệt mật do nước này phát triển, gồm tàu ngầm con AS-12 "Losharik" và tàu ngầm mẹ BS-64 "Podmoskovye".

Mô hình tàu mẹ và tàu con Losharik. Ảnh: ITN

Mô hình tàu mẹ và tàu con Losharik. Ảnh: ITN

Các nguồn tin khẳng định lửa phát ra từ khoang tàu mẹ Podmoskovye và không ảnh hưởng tới tàu Losharik.

Losharik là tàu ngầm hạt nhân có kích thước tương đương tàu ngầm lớp Kilo, chuyên dùng để nghiên cứu biển sâu, được Nga chế tạo riêng phục vụ mục đích thu thập tin tức tình báo và phục vụ các chiến dịch đặc biệt, cũng như nghiên cứu khoa học và cứu hộ tàu ngầm.

Nga dường như bắt đầu tính đến việc sản xuất loại thiết bị này chỉ vài năm sau khi tàu ngầm hạt nhân Kursk gặp nạn và chìm năm 2000, khiến 118 thủy thủ thiệt mạng. Nga cho rằng việc có một tàu ngầm cỡ nhỏ có thể lặn sâu sẽ giúp cứu sống các thủy thủ trong trường hợp thảm kịch Kursk lặp lại.

Theo đồ đoán của chuyên gia phương Tây, Losharik áp dụng thiết kế hai lớp vỏ, trong đó vỏ chịu áp lực gồm 7 khoang hình cầu được nối với nhau, trong đó riêng 2 khoang dành cho động cơ và pin đặt ở cuối tàu. Các khoang còn lại cho thủy thủ và thiết bị. Điều này khiến tàu có rất ít không gian, nhưng lại có độ bền cấu trúc vượt xa tàu ngầm thông thường.

Các khoang bên trong tàu Losharik.

Các khoang bên trong tàu Losharik.

Losharik từng hoạt động ở độ sâu 2.000-2.500 m ở Bắc Băng Dương hồi năm 2012, sâu gấp nhiều lần giới hạn lặn của tàu ngầm Mỹ (tầm 300-600m), giúp chúng thu thập tin tức tình báo và tương tác với các vật thể dưới đáy biển. Trong trường hợp cần thiết, Losharik được cho là có thể lặn sâu 6.000 m.

Vì đặc tính kĩ thuật, Losharik không thể hoạt động độc lập nhiều ngày dưới đáy biển, nên Nga quyết định hoán cải tàu Podmoskovye để mang nó. Các chuyên gia Nga đã tháo bỏ 16 khoang chứa tên lửa đạn đạo RSM-54 Sineva để lấy chỗ chứa tàu ngầm con Losharik.

Theo một số nguồn tin, Losharik được trang bị một tay robot ở phần đầu, giúp nó lắp đặt thiết bị hoặc cắt cáp, phá đường ống dẫn nhiên liệu của địch dưới đáy biển.

Thái An

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/tin-tuc/nga-ven-man-bi-mat-tham-kich-chay-tau-ngam-hat-nhan-tuyet-mat-o-severomorsk-72417.html