Nga viện đến tiền ảo để giảm áp lực trừng phạt?

Các nhà lập pháp tại hạ viện của quốc hội, Duma Quốc gia Nga sẽ xem xét dự luật tiền điện tử trong 2 phiên họp ngày 30/7, cũng như luật điều chỉnh hoạt động khai thác tiền điện tử, theo Bloomberg.

Nga đang có động thái điều chỉnh việc sử dụng tiền ảo, trong bối cảnh các doanh nghiệp cố gắng vượt qua những thách thức gia tăng trong thanh toán nước ngoài dưới các lệnh trừng phạt của Mỹ liên quan đến chiến sự ở Ukraine.

Các nhà lập pháp tại hạ viện của quốc hội, Duma Quốc gia Nga sẽ xem xét dự luật tiền điện tử trong 2 phiên họp ngày 30/7, cũng như luật điều chỉnh hoạt động khai thác tiền điện tử, theo Bloomberg.

Ngân hàng Nga (Bank of Russia) sẽ chịu trách nhiệm quản lý các vấn đề về tiền điện tử. Ảnh: Bloomberg

Ngân hàng Nga (Bank of Russia) sẽ chịu trách nhiệm quản lý các vấn đề về tiền điện tử. Ảnh: Bloomberg

Theo Anatoly Aksakov, người đứng đầu ủy ban thị trường tài chính của Duma, các dự thảo luật dự kiến sẽ nhận được sự chấp thuận nhanh chóng từ các thượng nghị sĩ trong Hội đồng Liên bang Nga trước khi được Tổng thống Vladimir Putin ký thành luật để có hiệu lực vào ngày 1/9 tới.

Động thái này đánh dấu sự thay đổi nhanh chóng trong thái độ của Moscow đối với các công cụ kỹ thuật số và diễn ra vào thời điểm các doanh nghiệp Nga phải đối mặt với áp lực thanh toán ngày càng tăng do các lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ đối với các ngân hàng nước ngoài.

Trong tháng này, ông Putin đã kêu gọi chính phủ "không bỏ lỡ thời điểm" trong việc quản lý phương thức này trong nước cũng như trong các giao dịch nước ngoài.

Tiền điện tử "ngày càng được sử dụng trên thế giới như một phương tiện thanh toán trong các giao dịch quốc tế", ông Putin nói với các quan chức.

Hồi đầu năm 2022, Ngân hàng trung ương Nga từng đề xuất lệnh cấm hoàn toàn việc sử dụng và tạo ra tiền điện tử, với lý do rằng gây ra rủi ro lớn đối với sự ổn định tài chính và an ninh kinh tế.

Ngân hàng T.Ư Nga đã thay đổi lập trường vào cuối năm ngoái, ủng hộ việc sử dụng thử nghiệm tiền điện tử và khai thác trong các giao dịch xuyên biên giới. Tuy nhiên, nhà băng này vẫn kêu gọi các tổ chức tài chính ở Nga không công khai các dịch vụ liên quan đến tiền kỹ thuật số.

Phó Thống đốc thứ nhất Vladimir Chistyukhin vào tháng trước khẳng định, Moscow nên xem xét mọi khả năng để khắc phục những khó khăn trong thanh toán quốc tế.

Theo luật, tiền điện tử sẽ được quản lý tương tự như ngoại tệ ở Nga, ông Aksakov cho biết. Các doanh nghiệp tham gia vào tiền điện tử và khai thác đã vận động hành lang mạnh mẽ để luật được thông qua nhằm đảm bảo " chúng có thể hoạt động trong khuôn khổ pháp lý thông thường" và không sợ bị điều tra chính thức, ông cho biết.

Các nhà chức trách đang gấp rút thông qua luật với hy vọng rằng tiền điện tử sẽ cải thiện việc chuyển tiền xuyên biên giới, Ani Aslanyan, một nhà phân tích điều hành kênh Telegram dành riêng cho tiền điện tử, cho biết.

Tuy nhiên, Mỹ có khả năng sẽ giám sát các dịch vụ và công ty mà Nga sử dụng trong nỗ lực ngăn chặn, khả năng gây ra một cuộc chạy đua đón đầu trước các lệnh trừng phạt.

Theo Aslanyan, chỉ những nhà xuất khẩu lớn mới có khả năng đáp ứng các điều kiện được nêu trong các quy định, khiến thanh toán bằng tiền điện tử giống như một "câu lạc bộ khép kín" loại trừ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo luật, Ngân hàng Nga (Bank of Russia) sẽ là cơ quan quản lý các vấn đề về tiền điện tử, trong khi Cơ quan Giám sát Tài chính Liên bang, Cơ quan Thuế Liên bang, Cơ quan An ninh Liên bang và Cơ quan Quản lý Tài sản Liên bang sẽ có vai trò kiểm soát doanh thu tiền điện tử.

Liên Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nga-vien-den-tien-ao-de-giam-ap-luc-trung-phat.html