Nga 'vô hiệu hóa' nhiều khí tài phương Tây, UAV cảm tử sẽ ngày càng thông minh?
Quân đội Nga đang triển khai nhiều đơn vị tác chiến điện tử (EW) cùng máy bay không người lái (UAV) cảm tử Lancet để chiếm ưu thế trên thực địa trước Ukraine.
Ngày 17/7, The Economist (Anh) cho biết các đơn vị tác chiến điện tử (EW) của Nga đang vô hiệu hóa thành công một số hệ thống vũ khí của phương Tây; nhiều hệ thống trước đó từng được coi là “bất khả xâm phạm”.
Cụ thể, các chuyên gia tác chiến điện tử Nga đã cho thấy khả năng chặn tín hiệu định vị của vũ khí dựa trên công nghệ GPS. Đáng chú ý là sự gián đoạn tín hiệu này ảnh hưởng đến cả những loại vũ khí được phát triển có tính đến khả năng gây nhiễu của đối thủ.
Theo The Economist, các nhà sản xuất vũ khí nhận định khả năng tín hiệu GPS có thể yếu do bị chế áp bằng cách sử dụng nhiễu vô tuyến. Do đó, họ trang bị cho sản phẩm của mình angten chuyên dụng hướng lên trên và sử dụng tín hiệu M-Code đặc biệt kết hợp với bộ lọc chống nhiễu.
Song các báo cáo của Lầu Năm Góc bị rò rỉ vừa qua cho thấy một số vũ khí của Mỹ được thiết kế để khắc phục tình trạng gây nhiễu đã không đạt mục tiêu ở Ukraine.
Điều này đã chứng minh hiệu quả của các hệ thống tác chiến điện tử Nga và đặt câu hỏi về độ tin cậy của các hệ thống do phương Tây cung cấp, ngay cả với các hệ thống tiên tiến nhất.
Cùng ngày, kênh truyền hình Rossiya-1 (Nga) đưa tin ông Alexander Zakharov, nhà thiết kế chính của ZALA, công ty Nga chế tạo máy bay không người lái (UAV), cho biết thế hệ UAV Lancet mới sẽ khiến cho các biện pháp đối phó với nó trên thực tế trở nên vô ích.
Ông giải thích: “Ưu điểm chính của UAV này là dễ sử dụng. Ngoài ra, nó có khả năng miễn nhiễm gần như hoàn toàn với mọi biện pháp đối phó. Các UAV của đối thủ sẽ không dễ dàng đối đầu với UAV Lancet”.
Theo chuyên gia này, người vận hành có thể khoanh vùng hoạt động và đặt mục tiêu ưu tiên cho UAV tấn công. Toàn bộ quá trình tìm kiếm và lựa chọn mục tiêu tập kích sẽ diễn ra hoàn toàn tự động. Chuyên gia này cho biết: “Đơn cử, người vận hành chỉ cần cài đặt ‘ưu tiên thiết giáp’. Khi đó, UAV sẽ tập trung tấn công các loại xe tăng, thiết giáp và pháo tự hành". Ngoài ra, UAV này cũng được lập trình để nhận diện ưu tiên là hệ thống phòng không và radar. Do đó, nếu xe tăng và radar cùng lọt vào tầm ngắm, nó sẽ ưu tiên tấn công radar.
Hơn nữa, phương tiện tác chiến điện tử (EW) sẽ không hiệu quả trước UAV Lancet, bởi mạch điện toán được tích hợp ngay trong UAV. Trường hợp rơi vào tay đối phương, đối thủ sẽ không thể làm gì do “số lượng cấp độ bảo vệ” của nó.
Các mục tiêu thông thường của UAV Lancet là hệ thống pháo binh, các hệ thống radar khác nhau, bệ phóng tên lửa phòng không, hê thống tên lửa phóng loạt (MLRS), trạm chỉ huy, quan sát và các điểm tập trung binh sĩ.
Đặc biệt, nhà thiết kế vũ khí Alexander Zakharov cũng nhận định sự phát triển của dòng UAV này là phù hợp với học thuyết tác chiến tác chiến kết nối. Cụ thể, hàng chục chiếc UAV được kết nối và hoạt động như một thực thể thống nhất, song có thể chia sẻ dữ liệu cho nhau, từ đó đưa ra quyết định tấn công phù hợp. Các cải tiến sắp tới của Lancet, dựa trên dữ liệu trên thực địa, sẽ khiến khí tài này ngày càng khó đối phó hơn.