Nga xác nhận khả năng đạt thỏa thuận ngũ cốc mới với Thổ Nhĩ Kỳ
Mặc dù rút khỏi thỏa thuận hôm 17/7, Nga vẫn đang xem xét các lựa chọn tiềm năng để tiếp tục cung cấp ngũ cốc cho thị trường thế giới.
Triển vọng một thỏa thuận ngũ cốc mới
Hôm 21/7, truyền thông Nga dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao nước này, Sergei Vershinin cho biết trong một cuộc họp báo, nói, bất kỳ lựa chọn nào để tiếp tục cung cấp ngũ cốc cho thị trường thế giới đều có thể được xem xét.
“Chúng tôi sẵn sàng xem xét các lựa chọn khác nhau để tiếp tục cung cấp ngũ cốc cho thị trường thế giới, cả ngũ cốc và phân bón. Chúng tôi hợp tác rất chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ và đang trao đổi về những việc cần làm trong tình hình hiện tại.”, ông Vershinin nói, trước câu hỏi về khả năng một thỏa thuận ngũ cốc mới sẽ được ký kết giữa Moscow và Ankara.
“Chúng tôi hiểu những lo ngại mà những người bạn châu Phi của chúng tôi có thể có, nhưng tôi muốn nói rằng những lo ngại này không chỉ có thể hiểu được mà còn được tính đến đầy đủ.”, ông Vershinin nói, cho biết, các nỗ lực đang được thực hiện để các nước châu Phi không cảm thấy bất kỳ hậu quả tiêu cực nào.
Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được ký kết tháng 7/2022 giữa Nga và Ukraine do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, chủ yếu nhằm giảm bớt cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, bằng cách cho phép xuất khẩu ngũ cốc Ukraine qua Biển Đen, vốn bị chặn bởi cuộc xung đột, một cách an toàn.
Một thỏa thuận riêng biệt đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển thực phẩm và phân bón của Nga trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Nga Putin chỉ ra rằng, phương Tây xuất khẩu phần lớn ngũ cốc của Ukraine sang các quốc gia của họ chứ không phải các nước nghèo ở châu Phi. Từ ngày 18/5, Nga đã gia hạn thỏa thuận thêm 60 ngày, cho đến ngày 17/7.
Sáng kiến ngũ cốc là phần không thể tách rời của một thỏa thuận trọn gói. Phần thứ hai là bản ghi nhớ được ký kết giữa Nga và LHQ dự kiến cho ba năm, quy định việc bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga, khôi phục kết nối SWIFT của Ngân hàng Nông nghiệp Nga Rosselkhozbank, nối lại việc cung cấp máy móc nông nghiệp, phụ tùng và dịch vụ, khôi phục đường ống dẫn amoniac Togliatti-Odessa, cũng như một số biện pháp khác. Theo ghi nhận tại Moscow, phần nội dung này của thỏa thuận trọn gói vẫn chưa được thực hiện.
Đây là lý do hôm 17/7, Nga đã rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen đúng vào ngày thỏa thuận này hết hạn.
Ngay sau khi Điện Kremlin thông báo thỏa thuận ngũ cốc kết thúc, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan, cho biết, ông tin rằng người đồng cấp Nga Putin vẫn muốn duy trì thỏa thuận quan trọng ở Biển Đen.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nói, ông sẽ hội đàm với nhà lãnh đạo Nga trước chuyến thăm dự kiến của ông Putin tới Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 8.
“Tôi cho rằng, bất chấp tuyên bố ngày hôm nay, bạn tôi Vladimir Putin vẫn muốn tiếp tục thỏa thuận”, ông Erdogan nói với các phóng viên trước khi lên đường tới Ả Rập Saudi trong khuôn khổ chuyến công du vùng Vịnh kéo dài ba ngày.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ lưu ý, một thỏa thuận cho phép sáng kiến ngũ cốc Biển Đen không bị gián đoạn vẫn có thể xảy ra trước chuyến thăm của ông Putin, đồng thời cho biết, các cuộc đàm phán đang được tiến hành để đạt được mục tiêu này.
Cần ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lượng thực
Hôm 21/7, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, trước đó cùng ngày, Tổng thống nước này Erdogan đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine Zelensky về việc gia hạn thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen.
Ông Erdogan cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nỗ lực không ngừng để hóa giải vấn đề.
Cũng hôm 21/7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói, Washington trông đợi Thổ Nhĩ Kỳ đóng một “vai trò dẫn dắt” trong việc đưa sáng kiến ngũ cốc Biển Đen trở lại đúng quỹ đạo, đảm bảo rằng người nghèo trên khắp thế giới có thể nhận được thực phẩm họ cần với giá cả hợp lý.
Ngày 21/7, Nga đã không kích các cơ sở xuất khẩu lương thực của Ukraine trong ngày thứ tư liên tiếp.
Trước đó hôm 20/7, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết, ngoài thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng, các cuộc không kích của Nga đã đánh trúng nhà kho chứa khoảng 1 triệu tấn thực phẩm tại cảng Odesa, theo kế hoạch sẽ được chuyển tới châu Phi và châu Á, ngoài ra có 60.000 tấn nông sản dự định chuyển sang Trung Quốc.
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp, Martin Griffiths cảnh báo, hàng triệu người ở các nước nghèo trên thế giới có nguy lâm vào nạn đói, trong đó một số thậm chí có thể chết đói do tác động dây chuyền của giá lương thực.
Ông Zelensky lưu ý, khoảng 400 triệu người ở nhiều nước châu Phi và châu Á có nguy cơ lâm vào nạn đói; kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực hết sức để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.