Nga yêu cầu thanh toán LNG qua ngân hàng Moscow
Hãng đầu tư năng lượng Sakhalin của Nga đang yêu cầu người mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng của họ thanh toán thông qua chi nhánh ngân hàng quốc tế ở Moscow, Reuters dẫn nguồn tin giấu tên cho biết.
Nguồn tin nói thêm rằng, công ty Nga cũng đang đàm phán để thay đổi tiền tệ, trong đó các khoản thanh toán cho LNG được thực hiện từ USD. Một số khách mua LNG của Sakhalin đã thực hiện thanh toán qua ngân hàng được chỉ định, nhưng là bằng USD, các nguồn tin cho hay.
Động thái này là một phần nỗ lực lớn hơn để chuyển các khoản thanh toán cho hydrocacbon của Nga từ đồng USD sang các loại tiền tệ khác, bao gồm cả đồng ruble.
Trước đó, Nga đã yêu cầu thanh toán bằng đồng ruble cho lượng khí đốt mà họ xuất khẩu sang các nước châu Âu.
Hiện tại, có hai công ty Nhật Bản mua LNG từ Sakhalin Energy Investments Co., mà Moscow đã chuyển sang quốc hữu hóa vào đầu năm nay. Điều này xảy ra bằng cách thành lập một công ty mới để nắm giữ tất cả tài sản và nghĩa vụ của Sakhalin Energy Investment, công ty vận hành dự án dầu khí Sakhalin-2.
Gazprom là cổ đông lớn của dự án. Phần còn lại được chia cho Shell, Mitsui & Co., và Mitsubishi Corp.
Bất chấp động thái của Moscow nhằm quốc hữu hóa nhà điều hành Sakhalin-2, các hợp đồng dài hạn mà Sakhalin Energy Investment có với hai khách hàng Nhật Bản vẫn còn hiệu lực.
Các hợp đồng này chiếm hơn một nửa công suất của Sakhalin-2, đạt 9,6 triệu tấn hàng năm. Các khách hàng mua LNG của Sakhalin-2 còn bao gồm các công ty Trung Quốc, Đài Loan, Singapore và Hàn Quốc.
Trước đó, Shell tuyên bố sẽ rời dự án và kể từ đó đang tìm kiếm người mua cổ phần của mình tại Sakhalin-2. Theo các báo cáo, một thương vụ mua bán có thể được thực hiện với một nhóm các công ty Ấn Độ.
Về phần mình, các công ty Nhật Bản vẫn chưa công bố ý định rời khỏi dự án. Trên thực tế, vào đầu năm nay, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, Koichi Hagiuda, nói rằng các dự án Sakhalin-1 và Sakhalin-2 "về cơ bản là quan trọng đối với an ninh năng lượng vì các dự án cho phép Nhật Bản mua nguồn cung thấp hơn giá thị trường, đặc biệt trong bối cảnh giá năng lượng cao như hiện nay".