Ngạc nhiên: Việt Nam có tới 6 khí tài săn diệt chiến đấu cơ tàng hình - 3 loại đẳng cấp TG

Việt Nam đang có tới 6 loại khí tài có khả năng phát hiện máy bay tàng hình cung cấp tham số mục tiêu cho tên lửa chuyển cấp sẵn sàng chiến đấu, kịp thời khai hỏa tiêu diệt.

Cuộc chiến chống máy bay tàng hình còn lắm gian nan

Công nghệ hàng không quân sự trong thời gian qua có những bước phát triển như vũ bão, nhất là trong lĩnh vực chế tạo máy bay chiến đấu và máy bay tàng hình thế hệ 5 và tới đây là thế hệ 6.

Nếu như trước đây chỉ có 3 quốc gia đi đầu là Nga với tiêm kích Su-57, Mỹ với tiêm kích F-22, F-35 và máy bay ném bom chiến lược B-2 hay Trung Quốc với 2 dòng tiêm kích tàng hình J-20, J-31 thì nay có thêm Hàn Quốc, Nhật Bản và một số quốc gia khác dấn thân vào cuộc đua này.

Hầu hết những loại máy bay tàng hình thế hệ 5 kể trên đều đã hoàn thành giai nghiên cứu chế tạo và đi vào sản xuất loạt lớn đưa vào trang bị ồ ạt cho quốc gia sở tại đồng thời xuất khẩu tới nhiều nước.

Trong 10-20 năm tới đây tiêm kích tàng hình sẽ bắt đầu đóng vai trò chủ đạo, là xương sống của Không quân nhiều quốc gia trên thế giới, điều đó đồng nghĩa với việc nếu xảy ra xung đột quân sự, bên phòng thủ sẽ phải tìm cách phát hiện và tiêu diệt mối đe dọa hết sức nguy hiểm này.

Tiêm kích tàng hình vượt trội hơn các dòng tiêm kích trước đó ở chỗ có khả năng ẩn mình trước các loại radar để đột kích sâu vào tung thâm của đối phương, lọt qua các lớp phòng thủ để ra đòn bất ngờ bằng vũ khí thông minh, có điều khiển chính xác, do vậy chúng rất khó đánh chặn nếu không bị phát hiện sớm, từ xa.

Cuộc đua giữa "mâu" (các loại tiêm kích và máy bay tàng hình) với "thuẫn" (các loại radar và tên lửa phòng không) đang ngày càng trở nên quyết liệt.

Radar trinh sát thụ động RTh (hình trụ màu xanh) do Việt Nam tự nghiên cứu, chế tạo. Ảnh: QĐND.

Radar trinh sát thụ động RTh (hình trụ màu xanh) do Việt Nam tự nghiên cứu, chế tạo. Ảnh: QĐND.

Ngạc nhiên về khí tài săn diệt tiêm kích tàng hình của Việt Nam

Để khắc chế được máy bay tàng hình là cả một vấn đề, cuộc chiến sẽ hết sức gian nan. Nhằm tăng cường khả năng phòng thủ, bảo vệ bầu trời, Quân chủng Phòng không - Không quân và một số quân binh chủng mũi ngọn khác gần đây được xác định tiến thẳng lên hiện đại và được đầu tư mua sắm nhiều vũ khí thế hệ mới.

Trong lĩnh vực phòng không, lĩnh vực chống máy bay tàng hình được quân đội ta ưu tiên đặc biệt. Để phát hiện sớm, từ xa những mục tiêu đặc biệt nguy hiểm này, nhiều loại radar và khí tài trinh sát điện tử thế hệ mới đã được mua sắm từ nước ngoài và công nghiệp quốc phòng trong nước cũng bắt đầu cho ra đời những sản phẩm quan trọng.

Theo giới thiệu trên báo Quân đội Nhân dân và đặc biệt là Báo PK-KQ, hiện nay Việt Nam đang có tới 6 loại radar có khả năng phát hiện máy bay tàng hình nhằm cảnh báo sớm, cung cấp tham số mục tiêu cho những đơn vị hỏa lực chuyển cấp sẵn sàng chiến đấu, kịp thời khai hỏa tiêu diệt.

Trong số những khí tài radar đặc biệt này có tới 3 loại thuộc đẳng cấp thế giới gồm hệ thống radar tầm trung sóng mét RV-02 (phát triển trên cơ sở radar RV-01) do CNQP Việt Nam chế tạo theo chuyển giao công nghệ từ nước ngoài và 2 loại radar thụ động nhập khẩu gồm Vera-NG (Cộng hòa Séc) và Kolchuga (Ukraine).

Ngoài ra, trong biên chế trang bị hiện phòng không Việt Nam còn có 3 loại radar có khả năng bắt máy bay tàng hình gồm Nebo-UE, Nebo-SV và radar thụ động RTh do Việt Nam tự chế tạo.

Xin giới thiệu tính năng cơ bản nhất của một số loại radar này:

Radar tầm trung sóng mét RV-02 Made in Vietnam: Theo Truyền hình QPVN, tổ hợp radar RV-02 ra đời với sự chủ động hoàn toàn về công nghệ thiết kế, chế tạo, gia công ở tất cả các khâu. Nhờ ứng dụng nhiều công nghệ mới nhất, RV-02 không những khắc phục triệt để các hạn chế của RV-01 mà còn tạo ra nhiều đột phá về tính năng kỹ chiến thuật.

RV-02 không những có khả năng cơ động nhanh trên mọi địa hình mà còn rút ngắn đáng kể thời gian triển khai, thu hồi xuống còn 10 - 15 phút, giúp tăng khả năng sống sót, phù hợp với nghệ thuật "phòng tránh, đánh trả" của Bộ đội PK-KQ Việt Nam khi phải tác chiến phi đối xứng với những lực lượng mạnh gấp nhiều lần.

Xe điều khiển được tích hợp như một sở chỉ huy thu nhỏ với các màn hiện sóng tiên tiến, hiển thị toàn bộ bức tranh tình huống trên không.

Cùng với khả năng phát hiện mục tiêu từ xa hàng trăm km kể cả các phương tiện bay tàng hình hoặc có diện tích phản xạ radar cực nhỏ, hệ thống kết nối dữ liệu đồng bộ cho phép truyền tham số mục tiêu ngay lập tức trong thời gian thực để các đơn vị hỏa lực chuyển cấp sẵn sàng phóng đạn tiêu diệt kịp thời.

Radar thụ động Kolchuga: Theo phóng sự "Làm chủ hệ thống radar Kolchuga" của Truyền hình QPVN, Bộ đội PK-KQ đã làm chủ khí tài hiện đại và thật bất ngờ, đây là bản Kolchuga-M nâng cấp cực hiện đại được phát triển bởi Công ty Topaz (Ukraine), chuyên dùng để phát hiện các mục tiêu bay từ khoảng cách 800km (500 dặm) ở mọi độ cao.

Mỗi hệ thống gồm 1 đài điều khiển và xử lý tín hiệu trung tâm và 3 đài kế bên có nhiệm vụ thu tín hiệu sóng điện từ, có thể bố trí cách nhau 10km.

Mỗi tổ hợp radar thụ động Kolchuga có thể cùng lúc bám sát tín hiệu của 32 mục tiêu với đủ 3 tham số (cự ly, góc tà và phương vị). Các đài thu và trạm điều khiển trung tâm đều được đặt trên khung gầm xe vận tải việt dã 3 cầu chủ động Kraz 6x6.

Người ta cũng có thể gọi Kolchuga là hệ thống radar nhưng trên thực tế nó không hẳn là radar mà là một hệ thống trinh sát điện tử thụ động, hoạt động theo nguyên lý âm thầm lặng lẽ.

Nó chặn thu và giao hội các tín hiệu sóng điện từ thu được từ các đài kế bên để phát hiện, xác định vị trí, theo dõi, bám sát các loại phương tiện bay, kể cả loại tàng hình.

Đại tá Cao Trung Tuyến - Trung đoàn trưởng Trung đoàn radar 295, Sư đoàn PK 363 khẳng định đơn vị đã làm chủ radar Kolchuga. Ảnh: Truyền hình QPVN.

Đại tá Cao Trung Tuyến - Trung đoàn trưởng Trung đoàn radar 295, Sư đoàn PK 363 khẳng định đơn vị đã làm chủ radar Kolchuga. Ảnh: Truyền hình QPVN.

Radar thụ động Vera-NG: Là hệ thống radar mảng pha thụ động hoạt động theo phương pháp TDOA (Time Difference Of Arrival). Đây là phương pháp đo đạc chênh lệch thời gian, phát hiện và bám sát nguồn bức xạ vô tuyến, dựa trên vi sai thời gian lan truyền của sóng điện từ, từ nguồn bức xạ đến các đài thu.

Do hoạt động theo nguyên lý thu động, nên radar Vera-NG gần như vô hình với các thiết bị chống radar thông thường; hệ thống có thể phát hiện bức xạ điện từ của các vật thể bay, để trinh sát, theo dõi mục tiêu và điều khiển hỏa lực cho các tổ hợp đánh chặn (pháo, tên lửa).

Hệ thống Vera-NG gồm ba đài thu tín hiệu vô tuyến có thể bao quát không phận 360 độ và trạm xử lý trung tâm đóng vai trò là đài vô tuyến điện thứ hai.

Radar thụ động Vera-NG được giới thiệu tại Triển lãm thành tựu kinh tế – xã hội ở trung tâm Giảng Võ (Hà Nội)

Radar thụ động Vera-NG được giới thiệu tại Triển lãm thành tựu kinh tế – xã hội ở trung tâm Giảng Võ (Hà Nội)

Máy tính trung tâm tiến hành kết nối và đồng bộ hóa các tín hiệu, tính toán và xác định sớm tọa độ của mục tiêu, bao gồm khoảng cách, góc phương vị...

Vera-NG có phạm vi theo dõi lên đến 400 km đối với vật thể bay thông thường có diện tích phản xạ radar (RSC) khoảng 1m2, các máy bay chiến đấu tàng hình mới như F-22, F-35 và J-20 đều sẽ hiện hình toàn bộ trên hệ thống radar này. Còn đối với máy bay ném bom tàng hình B-2, phạm vi phát hiện của Vera-NG là 250 km.

Dải tần làm việc của radar nằm trong phạm vi tần số 50 MHz và tần số tối đa là 18 GHz. Hệ thống có thể theo dõi 200 mục tiêu cùng lúc trong thời gian cập nhật tham số từ 1-5 giây, sai số khoảng 20 m.

Ngoài khả năng phát hiện mục tiêu tàng hình ở khoảng cách xa, bản thân Vera-NG cũng có khả năng tàng hình tương đối tốt, có thể tránh được các cuộc oanh tạc bằng tên lửa dò bức xạ của đối phương, đây là loại tên lửa được phát triển để tìm kiếm và tiêu diệt các trung tâm phát ra sóng phát xạ vô tuyến.

Radar này cũng được trang bị khả năng gây nhiễu điện tử mạnh mẽ, các hệ thống của tổ hợp radar này được lắp đặt trên khung xe dã chiến bánh lốp 6x36 có khả năng cơ động tác chiến nhanh trên đại đa số các địa hình, điều này cũng làm tăng đáng kể khả năng sống sót của radar này.

Đáng chú ý, hệ thống Vera-NG được triển khai cùng với hệ thống tên lửa phòng không SPYDER nhập khẩu từ Israel, sự kết hợp này làm cho radar Vera-NG có thể tránh được các cuộc tấn công "phủ đầu" của đối phương.

Radar trinh sát thụ động RTh "Made in Vietnam": Tại Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X (2015-2020), BQP giới thiệu các vũ khí do Việt Nam chế tạo, trong đó có radar thu động chuyên săn máy bay tàng hình RTh chế tạo trong nước.

"Nội thất" có thiết kế rất hiện đại, bố trí khoa học không kém các tổ hợp radar trinh sát thụ động hàng đầu thế giới. Ảnh: Truyền hình QPVN.

"Nội thất" có thiết kế rất hiện đại, bố trí khoa học không kém các tổ hợp radar trinh sát thụ động hàng đầu thế giới. Ảnh: Truyền hình QPVN.

Đây là sản phẩm thuộc Dự án "Nghiên cứu thiết kế, chế thử mẫu trạm radar thụ động định vị mục tiêu theo phương pháp TDOA" của Viện Radar (Viện KH&CN Quân sự - Bộ Quốc phòng) do TS. Trần Văn Hùng làm chủ nhiệm.

Được biết, Dự án này còn có sự tham gia tích cực của một số đơn vị thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ và đã được nghiệm thu từ trung tuần tháng 11/2014, sau gần 4 năm triển khai.

Việc nghiên cứu chế tạo radar RTh đã góp phần quan trọng trong việc phát hiện sớm, cảnh báo và cung cấp chính xác tọa độ mục tiêu cho các đơn vị hỏa lực phòng tránh, đánh trả có hiệu quả những cuộc tiến công của kẻ địch, đặc biệt là các loại phương tiện bay tàng hình.

Bình Nguyên

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/ngac-nhien-viet-nam-co-toi-6-khi-tai-san-diet-chien-dau-co-tang-hinh-3-loai-dang-cap-tg-8202027114818108.htm