Ngại đi chúc tết vì sợ phải... lì xì

Lì xì (mừng tuổi) cho con con trẻ dịp tết là một phong tục có từ lâu đời của người Việt, nhưng giờ đây đang trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người nếu túi tiền không được đầy đặn.

Anh Trần Thanh Sơn lì xì cho con trai vào dịp tết

Anh Trần Thanh Sơn lì xì cho con trai vào dịp tết

Nói đến chuyện lì xì, giờ đây việc này đôi lúc chỉ là cái cớ để người lớn lấy lòng nhau. Có những đứa con nhà "gia thế" nhận được tiền triệu, thậm chí hàng chục triệu tiền lì xì vào dịp tết.

Đầu năm tết nhất, con trẻ chạy ra mừng tuổi, khách không thể nào "trơ mặt" cười trừ. Không lì xì nhiều thì cũng ít, từ lâu đã trở thành quy luật bất thành văn. Chính điều đó đã trở thành áp lực với nhiều người khi đến nhà người khác chúc tết, nhất là nhà có đông con trẻ.

Anh Trần Thanh Sơn, gốc ở Quảng Nam, hiện sống tại Sài Gòn cho biết: "Ở miền Trung, tôi thấy lì xì cho con nít chỉ tượng trưng thôi. Trong Nam thì khác... Tui vào đây sinh sống, tết lì xì cho con những người bạn, ít quá coi cũng không được. Bao lì xì 100 ngàn đồng đã kỳ lắm. Gặp nhà đông con nít, lì xì chừng 5 bao là thấy mệt rồi".

Bé Quyên và bé Quân, hai con nhỏ của anh Sơn rất vui khi được ba lì xì

Chung cảnh bị áp lực lì xì là chàng trai trẻ P.H.Q. Tết này, Q. phải về Bến Tre, ra mắt nhà vợ tương lai. Ngoài chúc tết, Q. còn phải làm đủ lễ nghĩa, nhất là chuyện lì xì cho con cháu của cô dì cậu mợ bên nhà vợ.

Anh dự định lấy tiền "thưởng tết nửa tháng lương thứ 13 " để nạp vào những bao lì xì, làm đẹp mặt nàng. Anh chàng yên tâm chờ điện thoại rung "tít tít", báo tiền thưởng tết vào tài khoản cá nhân... Đến phút chót, tận chiều 29 tết, Q. vẫn chưa thấy tín hiệu nào, ngoài cuộc điện thoại thông báo của phòng kế toán, nội dung chưa có tiền.

Gặp tôi trước Tết, Q. nhăn nhó: "Chết rồi. Kiểu này không biết làm sao về Bến Tre chúc tết, lì xì cho mấy đứa nhỏ bên nhà vợ được. Tui vội đi mượn tiền. Cuối năm rồi, mượn ai cũng khó, không biết làm sao. Chắc phải đòi nợ bạn bè nữa. Mấy bữa nay ỷ vào tiền thưởng, không đòi tiền bạn bè mượn trong năm. Căng quá!".

Anh Trịnh Hữu Luân, quê ở Tiền Giang, quanh năm sống và làm việc ở Sài Gòn, dịp tết chỉ có mấy ngày về quê để sum họp cùng gia đình. Mỗi lần anh về quê, con nít trong dòng họ xúm lại mừng. Vui thì có vui nhưng lại là nỗi lo của anh chàng trong lần về quê, khi nghĩ đến chuyện lì xì tết.

Anh Luân chia sẻ: "Lâu lâu về quê, là con cháu trong nhà, tui phải đi thăm, chúc tết các dì, chú, bác... nhà nào cũng đông trẻ nhỏ. Tụi nhỏ ùa ra mừng tuổi, không lì xì lấy hên thì kỳ cục lắm. Mỗi nhà chừng 3 đứa con nít, lì xì mỗi đứa ít nhất cũng phải 50 ngàn. Đi chúc tết hết dăm nhà thì cũng đứt hết gần triệu bạc, trong khi lương nhân viên văn phòng của tui chỉ có 5 triệu/tháng, tính ra thì số tiền lì xì cũng không nhỏ".

"Ở miền Tây, nhiều khi đến mình nhà chúc tết, phụ nữ còn bồng con ra, kêu "Mừng tuổi chú đi con, chú lì xì cho", mình cũng kẹt cứng nếu trong túi không có tiền. Người lớn không thể nào trơ mặt, làm ngơ trước hành động khoanh tay, bập bẹ chúc tết của đứa nhỏ được", anh Luân cười hóm hỉnh mà mặt méo xẹo.

Anh Lê Hữu Giáp lì xì cho hai đứa con ngay tại quán cà phê ở quận 7, TP.HCM vào sáng mùng 4 tết

Anh Lê Hữu Giáp làm ở một công ty xuất nhập khẩu nói: "Tết đi đến nhà bà con thì còn đỡ, đi đến nhà bạn bè thì phải xem trong nhà có bao nhiêu trẻ, đếm đủ số bao lì xì. Vậy mà còn có khi phát sinh thêm số trẻ con, không đủ bao lì xì. Không thể lì xì cho đứa này, không lì xì cho đứa khác được. Con nít mà, nhạy cảm và hay phân bì lắm".

"Nếu trong nhà có ít trẻ, bao lì xì nhiều tiền một chút, còn nếu đông quá thì tui phải bớt lại, chia ra đều. Tui nghĩ, nhiều lúc chuyện lì xì cho con nít nhưng cũng là tạo mối quan hệ với người lớn, chứ không phải đơn giản chỉ là lì xì lấy hên. Vì vậy, số tiền trong bao lì xì coi cũng phải được. Tết mà đi chúc tết 5-6 nhà là cũng bộn tiền lì xì chứ chẳng phải chơi", anh Giáp nói thêm.

Ngồi kế bên Giáp, anh Nguyễn Thanh Tuấn kể chuyện hài hước: "Năm trước tui có quen cô bạn gái ở Vĩnh Long. Dịp tết, tui về đó, lì xì cho 5 đứa nhỏ, mỗi bao lì xì có 20 ngàn. Tui nghĩ lì xì mừng tuổi cho vui. Vậy mà có đứa mở bao ra ngay, chê ít tiền, rồi trả lại luôn. Tui sượng muốn chết. Thời buổi này mà lì xì chỉ 5 ngàn, 10 ngàn thì con nít không còn hồ hởi nữa đâu. Nếu Tết lỡ bị kẹt tiền, nhiều người cũng ngại đến nhà người khác bởi chuyện lì xì".

Nếu đúng ý nghĩa, trong những ngày tết, trẻ nhỏ sẽ khoanh tay mừng người lớn thêm tuổi. "Thiên tăng tuế nguyệt, nhân tăng thọ/Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường" (Trời tăng ngày tháng, người thêm tuổi/Xuân tràn trời đất, phúc đầy nhà), lì xì là để chúc mừng, người lớn sẽ trao cho trẻ bao lì xì bên trong có ít tiền lẻ tượng trưng, gọi chút "lộc" lấy hên, cầu chúc cho trẻ mau lớn, khỏe mạnh. Chỉ tiếc rằng, theo thời gian, chuyện lì xì đã bị biến tướng. Nó trở thành nỗi ám ảnh cho nhiều người, khiến họ ngại đến nhà người khác vào dịp tết khi túi tiền không rủng rỉnh.

Bài, ảnh: Dương Cầm

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/ngai-di-chuc-tet-vi-so-phai-li-xi-55332.html