Ngại học lý luận chính trị
Tiếng là bạn thân nhưng do bận công việc nên gần đây chúng tôi ít gặp nhau. Lần gặp gần đây nhất anh bảo sắp kết thúc lớp trung cấp lý luận chính trị. Tôi mừng cho anh vì biết anh rất ngại học môn này, hồi học đại học, các môn khác toàn điểm khá, giỏi, riêng môn lý luận chính trị anh phải thi lại, có môn thi hai lần mới qua.
- Anh bảo, học môn lý luận chính trị ở đại học, lúc làm việc là học nghị quyết, nó vừa trừu tượng, khó hiểu, vừa khô nên chữ thầy trả thầy. Tôi không biết học môn này để làm gì? Đã nhiều lần tìm kế hoãn binh, năm ngoái cơ quan bắt tôi phải đi học, nếu không thì không đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm chức vụ phó phòng nên đành phải đi cho xong việc. Nhưng, học được vài môn tôi cũng thấy hay, vỡ vạc ra nhiều điều. Không như ngày học lý luận chính trị ở trường đại học ông ạ. Vì vậy, tôi phải tập trung học tập nghiêm túc. Học cho mình cơ mà ông nhỉ. Xong lớp trung cấp, tôi sẽ đăng ký học lớp cao cấp lý luận chính trị.
- Úi Chà! Thế là ông tiến bộ đấy! Tôi thấy có một số người học cốt có chứng chỉ để làm đẹp lý lịch, học cốt để thăng quan tiến chức. Học như thế chỉ tổ tốn tiền của, mất thời gian, phỏng có ích gì cho công việc.
Sau buổi nói chuyện với anh, tôi cứ băn khoăn suy nghĩ. Học tập lý luận chính trị là một việc làm cần thiết, có vai trò quan trọng trong phát triển tư duy lý luận của con người. Học tập lý luận chính trị không chỉ là nhiệm vụ mà còn là nghĩa vụ và biện pháp nhằm nâng cao năng lực, đạo đức, phẩm chất cán bộ. Lênin từng nói: “Không có lý luận cách mạng thì không thể có phong trào cách mạng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu cũng chỉ ra rằng: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế”, “Không có lý luận thì lúng túng, như người nhắm mắt mà đi”. Bác Hồ cũng chỉ ra rằng: “Kém về lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông, nhiều cán bộ, đảng viên của ta mắc phải bệnh chủ quan, gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí cho khéo. Không biết nhận rõ điều kiện, hoàn cảnh khách quan, ý mình nghĩ thế nào làm thế ấy. Kết quả thường thất bại”. “Nếu chỉ có công tác thực tế mà không có lý tưởng cách mạng, thì cũng không phải là người đảng viên tốt”. Người khẳng định: “Đảng phải chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận. Vì không học tập lý luận thì chí khí kém kiên quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là mù chính trị, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng”.
Hiện đang có tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức không đúng về động cơ, mục đích học tập lý luận chính trị, nhận thức sai lệch về ý nghĩa và tầm quan trọng của lý luận và việc học lý luận chính trị. Họ chỉ chăm lo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; xem nhẹ học lý luận chính trị. Việc học lý luận chính trị không phải là nhu cầu tự thân, học với mục tiêu chính nhằm đáp ứng tiêu chuẩn bằng cấp, đề bạt, bổ nhiệm. Trong quá trình học có thái độ không nghiêm túc, học chống đối, không cầu thị, sao nhãng, không chủ động tiếp nhận thông tin, không tự trau dồi kiến thức lý luận chính trị, tiếp thu nội dung nghị quyết, học tập một cách thụ động, lười suy nghĩ. Mỗi khi có hội nghị nghiên cứu, quán triệt nghị quyết của Đảng thì tìm đủ lý do cáo vắng, một số có mặt thì làm việc riêng, như xem điện thoại, ipad, lướt facebook, đọc báo...
Lười học tập Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là một trong các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị đã được chỉ ra trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cần sớm được khắc phục.