Ngại phê bình, góp ý - biểu hiện suy thoái

Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII của Đảng đã thẳng thắn chỉ rõ: Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tự phê bình và phê bình, công tác kiểm tra, giám sát của nhiều tổ chức đảng còn hạn chế. Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa thẳng thắn đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa'.

Với mục tiêu kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã xác định nhiệm vụ và giải pháp đầu tiên là: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình; trong đó nhấn mạnh: “Nâng cao chất lượng sinh hoạt của tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là cấp ủy, thường vụ cấp ủy, đề cao thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình từ Trung ương đến chi bộ, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm”, “dĩ hòa vi quý”. Kịp thời phát hiện và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, giải pháp quan trọng nhất theo người là: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” . Muốn thực hiện được điều này, Người chỉ rõ: “Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt chi bộ phải nghiêm túc”.

“Phê bình cho đúng để trị bệnh cứu người” là tư tưởng có tính nhân văn rất sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người chỉ rõ: Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình giống như uống thuốc. Nếu sợ phê bình thì khác nào có bệnh mà giấu bệnh, không giám uống thuốc. Như vậy thì bệnh tình lại càng nặng thêm. Do vậy, đối với đảng viên, cán bộ mà nể nang không phê bình, để cho đồng chí mình cứ sa vào lầm lỗi, đến nỗi hỏng việc thì khác nào thấy đồng chí mình ốm mà không chữa cho họ... Biết người ta sai mà không nói cho người ta sửa tức là hại người. Tự phê bình và phê bình phải xuất phát từ tình đồng chí, thương yêu lẫn nhau. Càng yêu thương thì càng phải thẳng thắn phê bình, có như vậy mới thực sự giúp nhau tiến bộ.

Có thể khẳng định rằng, việc chân thành, thẳng thắn phê bình, góp ý, không chỉ là yêu cầu có tính nguyên tắc trong sinh hoạt đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị mà còn thể hiện tình người sâu sắc, nhân văn. Việc biết đồng chí mình đang mắc khuyết điểm mà vẫn “mũ ni che tai” chính là làm hại tập thể và đồng chí mình. Điều này cần phải kiên quyết đấu tranh, phê phán cả trong công việc và trong cuộc sống đời thường.

Hoàng Bách

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-luan-vdkn/ngai-phe-binh-gop-y-bieu-hien-suy-thoai-159262.html