Ngầm Cà Roòng- nơi tôi đã qua mà chưa biết

Bài viết nhân khánh thành Đài tưởng niệm Thanh niên xung phong và chiến sĩ hy sinh trên trọng điểm ác liệt nhất là Ngầm Cà Roòng, thuộc con đường anh hùng là 'đường 20 Quyết thắng', thuộc tỉnh Quảng Bình. Lễ tưởng niệm diễn ra lúc 12h ngày 23/7/2022 tại Nghĩa trang và đài tưởng niệm Cà Roòng.

Ngầm Cà Roòng (hay Kà Roòng) tại km 52 đường 20 Quyết thắng là vùng trọng điểm hiểm yếu, vô cùng ác liệt, là một khu vực biểu tượng cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng của TNXP và bộ đội thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước những năm 1966 -1974 không thể lãng quên. Ngầm Cà Roòng là ngầm qua một nhánh sông Cà Roòng, mà hai bên là núi, con đường mở ra chạy quanh quanh nhiều cua cánh tay. Địch tìm cách đánh phá con đường và cái ngầm “Thép” ấy đã làm san phẳng bao ngọn đồi. Trong những năm 1966 đến 1968, địch đánh phá khu vực Cà Roòng vô cùng ác liệt, số trận đánh nhiều hơn hẳn các trọng điểm khác (có hơn 50 người hy sinh, có trận 28 chiến sĩ hy sinh, chưa kể 8 người bị thương ở nơi này).

Đường 20 ngày nay. Ảnh Internet

Trước Tết Quý Hợi năm 1971 có hơn 10 ngày, tôi bắt đầu rời ga Thường Tín lên đường Trường Sơn vào chiến trường Nam Bộ. Tôi còn nhớ, một đêm trăng đẹp, chúng tôi ngồi thuyền máy ngược dòng sông Lam lên Trạm giao liên Đức Lạc - Đức Thọ - Hà Tĩnh. Đêm ấy gần như chúng tôi không ngủ, vì trăng đẹp quá, lại bồng bềnh trên dòng sông Lam cũng quá đẹp nên không ai nỡ ngủ.

Sáng sớm tới Đức Lạc - Đức Thọ, mắc võng nằm trong những khu vườn đầy mít và chè lá, một cảm giác thật sự yên bình đến với mỗi người chúng tôi, dù đang chiến tranh. Đức Lạc là vùng bán sơn địa, có món nhút mít nổi tiếng. Buổi trưa, chúng tôi ăn cơm của Trạm, nhưng chủ nhà cho chúng tôi một bát nhút mít ăn với cơm ngon ơi là ngon.

Chiều tối lên xe ô tô tải nhập vào đường 20 "Quyết thắng", cung đường ác liệt nhất khi Mỹ tăng cường ném bom trên chính cung đường này, mục đích chỉ nhằm ngăn những đoàn quân vào Nam, ngăn những đoàn xe tải chở vũ khí và thiết bị chiến đấu cho chiến trường.

Xe tải khởi hành vào buổi chiều, lên đường 20 khi trời còn sáng rõ. Có một kỷ niệm khiến tôi nhớ mãi, đó là khi đoàn xe chạy qua một đoạn ngầm nào đó mà tôi không biết tên, có một đội nữ TNXP đang vá đường. Khi xe chúng tôi qua, các em TNXP mừng vẫy tay và cười thật dòn, thật tươi. Khi tới chiến trường Nam Bộ, vào “Mùa hè đỏ lửa” năm 1972, trước khi xuống chiến trường đồng bằng Mỹ Tho, tôi viết được bài thơ khá dài, nhan đề “Thử nói về hạnh phúc”. Trong bài thơ ấy có đoạn tôi viết về các em TNXP trên đường 20 Quyết thắng khi các em vẫy tay chào xe chúng tôi ra chiến trường.

Bây giờ nhớ lại, tôi biết đó là đoạn thơ duy nhất tôi viết về TNXP trên con đường 20 Quyết thắng mà chúng tôi đã qua bằng xe tải Molotova, trước Tết năm 1971.

Những năm cuối ở chiến trường Nam Bộ, tôi đã gửi được bài thơ “Thử nói về hạnh phúc” ra Hà Nội, và bạn tôi, nhà phê bình Định Nguyễn đã mang nó tới cho nhà thơ Chế Lan Viên đọc. Sau này tôi không ngờ là bài thơ ấy được những người lính chép tay, vào lại chiến trường Quảng Trị, ra cả nơi tù ngục Côn Đảo, và được một số người lính, người tù đọc và thuộc lòng. Tôi coi đó là niềm vinh dự lớn nhất mà tôi có được từ thơ mình.

Xin dâng đoạn thơ này lên anh hồn những liệt sĩ TNXP đã hy sinh ngay trên đoạn ngầm mà ngày xe qua tôi không biết tên đoạn ngầm đó:

“tôi đã gặp những người con gái

mở đường cho chúng tôi ra trận

qua bóng hòn Vọng Phu

có nhiều em chưa tìm được người yêu

đã giáp mặt hàng trăm lần cái chết

hòn núi cô đơn đứng ngàn năm chất ngất

mà hạnh phúc bình thường vẫn quá tầm tay

các em mấy năm bám trụ nơi đây

gánh đá phá bom tải hàng dựng lán

đào sẵn huyệt cho mình khi ngã xuống

mà tình yêu không hóa đá bao giờ

xe chúng tôi qua các em mừng vẫy tay

chắc sau giòn giã tiếng cười

nước mắt sẽ thầm rơi

trên những gương mặt lành màu nắng gió”

(Thử nói về hạnh phúc)

Và tôi nhớ. Vào buổi chiều 30 Tết. Đầu năm 1971. Làng Cự Nẫm. Bầu trời đầy mây xám. Đó là bệ phóng cuối cùng đưa chúng tôi lên Trường Sơn. Bao nhiêu năm sau, tôi vẫn nghĩ đó là một cơ may cho đời tôi. Được gắn bó số phận mình với số phận nhân dân, đó là một cơ may mà không phải ai cũng có.

Cự Nẫm, cái tên đã vang lên trong bài hát vượt thời gian của Nguyễn Văn Thương "Bình Trị Thiên khói lửa", là tên của một ngôi làng nhỏ, chắc sẽ rất dễ bị lãng quên nếu nó không nằm trên trục đường giao liên, nếu nó không từng là "bệ phóng" cho biết bao nhiêu đoàn quân lên Trường Sơn. Làng ấy, như bàn tay của người mẹ vuốt lên tóc con ngày con ra trận, như cái vẫy tay cuối cùng của đất Quảng Bình tiễn những đoàn quân lên đường 559.

Cái làng ấy, cũng là nơi lính ta đã đặt ra biết bao chuyện tiếu lâm mà nhân vật chính là "bọ", với vô số những đối thoại cười ra nước mắt của "bọ" và các con lính. Ai đi qua Trường Sơn mà chẳng đã ngủ một đêm cuối cùng trên đất Bắc, đêm cuối ở hậu phương tại ngôi làng ấy. Và những người lính với những ba-lô nặng trĩu lương thực, đã san sẻ bớt cho bà con trong làng những gạo, sữa, bột ngọt, lương khô... một phần vì tình cảm quân dân, một phần để cho ba-lô bớt... nặng, trước khi vào cuộc đi bộ leo núi dài ngày.

Chiều ba mươi Tết năm ấy, chúng tôi đã có cuộc "liên hoan" cuối cùng với các bọ các mẹ trong làng, gọi là "ăn Tết trước", kịp để 6 giờ chiều là lên đường. Thực đơn bữa liên hoan gồm có bánh kẹo, lương khô 701, chè Ba Đình, thuốc lá Điện Biên, được coi là một "thực đơn" vào hạng sang lúc bấy giờ. Tôi nhớ cái màu trời chiều 30 Tết, nhớ những mái nhà lợp lá gồi, lợp tranh nhỏ thấp, nhớ những mẹ già cũng thấp nhỏ dưới khung trời xám, nhớ cái không khí cuối cùng của đất Bắc mà chúng tôi sẽ không còn được thấy nữa vào đúng sáu giờ tối 30 Tết.

Bây giờ, sau 51 năm, tôi vẫn chưa có dịp nào quay trở lại Cự Nẫm, càng khó hơn nếu quay lại đúng chiều 30 Tết. Hàng triệu người lính đã qua ngôi làng, đã ngủ một đêm cuối cùng ở đó trước khi vượt Trường Sơn, mấy ai trong số họ quay trở lại nơi ấy được một lần ? Và những mái nhà tranh thấp nhỏ đã từng đón hàng chục vạn người lính qua đêm, võng mắc chéo hai tầng, những ngôi nhà lợp lá gồi có còn thấp bé như ngày xưa ấy?

Mỗi người lính đã đi qua Trường Sơn đều có một Trường Sơn của riêng mình. Với những người đã nằm xuống thì đành một nhẽ. Nhưng với những người còn sống tới bây giờ, thì thỉnh thoảng, Trường Sơn lại sừng sững hiện lên trước họ như một thách thức. Lại phải leo dốc. Lại chinh phục những đỉnh cao của riêng mình. Lại khóc và lại cười. Đôi khi, lại nghe thoang thoảng hương hoa phong lan. Và có lúc nào, trong giấc mơ, được trở lại con đường mòn ấy, thấy hiện trước mắt, không phải một con gấu ngựa, mà rực rỡ cả một đàn công bay lên với đủ bảy màu…

Còn đây là bài thơ tôi viết trên đường Trường Sơn tháng 3 năm 1971, bài thơ viết về những bà mẹ làng Cự Nẫm mà chúng tôi đã ghé qua, đã ngủ lại, và đã đi tiếp lên Trạm 5 đường giao liên 559 vào đúng đêm 30 Tết:

Thanh Thảo

MẸ QUẢNG BÌNH

Mai cắt ngang Trường Sơn

Đêm nay nằm nhà mẹ

Võng mắc chéo hai tầng

Mà ngủ say đến thế

Từ mai sống giữa rừng

Tư mai là chiến sĩ

Dêm cuối đất Quảng Bình

Chúng con là con mẹ

Những đứa mới xa nhà

Nằm võng còn nói mớ

Hành quân ngang bờ tre

Đêm cồn lên nỗi nhớ

Mẹ mang ấm nước chè

Rót vào ca từng đứa

Ngôi nhà vừa dựng lại

Tóc mẹ bạc nhiều rồi

Mấy năm ở hầm sâu

Đến cột nhà còn mục

Pháo bom cào mặt đất

Sống mần răng, mẹ ơi?

Hết gạo thì đến khoai

Kể gì, thời có giặc

Sắn khô mẹ xắt lát

Ăn hoài, cũng quen thôi

Nhà trước lợp lá gồi

Nhà sau thì lợp đất

Nhà trước rộng ba gian

Nhà sau là hầm chật

Sau, trước vẫn nhà mình

Còn tình làng, nghĩa nước

Còn các con qua dây

Còn Trường Sơn trước mặt

Bom hắn thả đêm ngày

Mẹ yên lòng răng được…

Mẹ ơi, đến mai này

Là chúng con vượt dốc

Đỉnh một ngàn linh một

Đầu tưởng chạm mặt trời

Vực thẳm ầm tiếng thác

Ngỡ đi vào ruột đất

Người ta bảo Trường Sơn

Cao nhất và sâu nhất

Đừng lo nhiều mẹ ơi

Chúng con rồi qua tất!

Từ nhà mẹ đêm nay

Mái gồi và hầm đất

Rá khoai khô xắt lát

Một ấm nước chè tươi

Chúng con đi đánh giặc

Ngày tóc mẹ bạc rồi

Ngủ lại một đêm thôi

Nơi một đời mẹ sống

Nơi gió lào cát bỏng

Chịu hết phần túi bom

Xé ngực mở con đường

Với những người ra trận

Từ lòng mẹ Quảng Bình

Trường Sơn thành nhỏ lắm

Đường Trường Sơn tháng 3 năm 1971

Thanh Thảo

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2028/202207/ngam-ca-roong-noi-toi-da-qua-ma-chua-biet-3127334/