'Ngấm đòn' Covid-19, SME tìm cách 'tăng sức đề kháng'

Dưới tác động của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) phải thu hẹp sản xuất hoặc tạm ngừng hoạt động. Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, các doanh nghiệp đang chủ động, nỗ lực tìm giải pháp khắc phục và tự nâng cao 'sức khỏe' trước đại dịch.

Cộng đồng SME bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch Covid-19. (Nguồn: ĐV)

Ngấm đòn Covid-19

Sự bùng phát của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 từ cuối năm 2019 đã khiến nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực, cộng đồng doanh nghiệp Việt chịu thiệt hại lớn. Dưới tác động của dịch, không ít doanh nghiệp thiếu hụt lao động tạm thời, gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên liệu, vật liệu đầu vào, gây đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp, chủ yếu là các SME (chiếm tới 98% số doanh nghiệp Việt Nam) phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động.

Thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, chỉ trong 2 tháng đầu năm nay đã có hơn 16.000 doanh nghiệp dừng kinh doanh có thời hạn, hơn 9.300 doanh nghiệp chờ hoàn thành thủ tục giải thể, hơn 5.600 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, hơn 2.800 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể.

Trả lời phỏng vấn TG&VN, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) TP. Hà Nội (Hanoisme) cho biết, cùng với những khó khăn do căng thẳng thương mại, dịch Covid-19 như một cú đánh rất mạnh đến cộng đồng SME bởi đây vốn là những doanh nghiệp bị hạn chế nhiều mặt về nguồn vốn, nhân lực và thị trường.

Khi dịch bệnh bùng phát, người dân thắt chặt chi tiêu, khiến doanh thu của các SME giảm sút, cả đối với thị trường xuất khẩu và trong nước. “Qua khảo sát, các SME bị ảnh hưởng bởi thị trường là hơn 30%, ảnh hưởng do nguồn nhân lực bị cắt giảm trên 40%. Hàng hóa sản xuất ra nhưng không bán được, thì việc đầu tiên là phải cắt giảm là nhân lực”, ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.

Theo vị Phó Chủ tịch Hanoisme, tại Hà Nội, nhiều SME thuộc các ngành cung cấp dịch vụ, vận tải, du lịch đã phải “co” lại rất nhiều về quy mô hoạt động, vốn và nhân lực. “Đó là tình trạng ứ đọng sản phẩm hàng hóa, tình trạng thiếu nguyên liệu, vật tư nhập khẩu từ Trung Quốc để bảo đảm đơn hàng cho các ngành công nghiệp chế biến chế tạo; thị trường vận tải, dịch vụ bị thu hẹp, khách du lịch thưa thớt, sản xuất kinh doanh đình đốn, người lao động phải nghỉ việc do thiếu việc làm... Các doanh nghiệp sản xuất thì loay hoay tìm hướng đi mới để không phụ thuộc quá vào một nơi cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào”, ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hanoisme. (Ảnh: NVCC)

Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, ngoài việc ảnh hưởng tới sản xuất và thị trường tiêu thụ, dịch bệnh còn làm gia tăng yêu cầu biện pháp bảo hộ thị trường phi thuế quan do lo ngại bùng nổ và tái phát dịch bệnh gắn với chất lượng hàng hóa, dịch vụ và yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm; khả năng tăng tranh chấp các hoạt động thực hiện hợp đồng kinh doanh trong nước và quốc tế gắn với nguyên nhân gián đoạn do dịch bệnh…

Trước bối cảnh đó, Hanoisme đã thay mặt các SME tổng hợp 12 đề xuất tới cơ quan quản lý nhà nước đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Cụ thể, các SME mong muốn Nhà nước hoãn, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT, thuế đất đến hết quý II/2020; Giảm giá xăng điện, nước, phí đường bộ; Giảm lãi suất vay của các ngân hàng từ 2 đến 3%; Giảm tiền thuê mặt bằng; Hỗ trợ tìm nguyên liệu sản xuất thay thế; Hạn chế, giảm tần suất, số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra liên quan đến các doanh nghiệp trừ các trường hợp vi phạm; Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại đẩy mạnh nhu cầu mua; Cung cấp thông tin thị trường, dự báo kịp thời; Giảm, giãn, hoãn đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động; Hỗ trợ người lao động thôi việc; Lùi thời gian nộp thuế VAT đối với hàng nhập khẩu lên từ 120 - 180 ngày thay vì nộp ngay như hiện nay; Tăng cường, hỗ trợ nhanh các thủ tục thông quan hàng hàng hóa đối với cả hàng xuất và nhập.

"Rèn luyện sức khỏe, tăng cường đề kháng”

Trước tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, ngày 4/3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Chỉ thị đưa ra 7 nhiệm vụ và các giải pháp cho từng nhiệm vụ cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử với doanh nghiệp. Các cơ quan Nhà nước cũng sẽ rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp; Tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu; Khẩn trương phục hồi và phát triển ngành du lịch, hàng không; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh; Tập trung xử lý vướng mắc về lao động; Đẩy mạnh thông tin truyền thông.

Bên cạnh đó, nhiều hành động thiết thực gỡ khó cho cộng đồng doanh nghiệp đang được triển khai, nổi bật là việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 1/2020 (có hiệu lực từ 13/3) về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ vay nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Bước đầu, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng với tổng dư nợ là 21.753 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho vay cho 34.350 khách hàng với dư nợ 185.000 tỷ đồng.

Mới đây nhất, ngày 16/3, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh các mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7,0%/năm xuống 6,5%/năm. Quyết định này có hiệu lực ngay từ ngày 17/3. Cùng với đó là các quyết định hạ lãi suất tiền gửi để khuyến khích đầu tư, kinh doanh.

Ở khía cạnh doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam cho rằng, các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đa dạng thị trường, khai thác tận dụng các thị trường mới mở ra từ các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…

Mặt khác, theo các chuyên gia kinh tế, với 16 hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các đối tác, doanh nghiệp Việt Nam mà đại đa số là SME đều có nhiều cơ hội để phát triển, nhưng vì nhiều lý do, các SME vẫn chưa tận dụng được các lợi thế. Do vậy, việc vượt qua thời điểm khó khăn cũng là cách để doanh nghiệp tăng cường “đề kháng”, rèn luyện sức khỏe".

Cộng đồng SME cần nỗ lực, chủ động tìm giải pháp tự tháo gỡ khó khăn như tăng tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu thị trường, coi trọng thị trường nội địa; đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào, nâng cao hàm lượng chế biến và giá trị tăng sản phẩm; đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn…

Bên cạnh hỗ trợ của Chính phủ, đại diện Hanoisme cho rằng, nhiều doanh nghiệp đã và đang tăng cường khai thác thị trường nội địa tiềm năng với gần 100 triệu dân. “Nếu khai thác một cách triệt để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”… cộng đồng doanh nghiệp sẽ ổn định hơn trong thời gian tới”, ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.

Dương Liễu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngam-don-covid-19-sme-tim-cach-tang-suc-de-khang-111711.html