'Ngâm Kiều toàn truyện' và tâm huyết của những người yêu giá trị truyền thống
Mới đây, nhạc sỹ - nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cùng nhiều nghệ sỹ tên tuổi đã cùng nhau thực hiện một dự án mang tên 'Ngâm Kiều toàn truyện' với nhiều tâm huyết được gửi gắm trong đó.
Đại thi hào, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du là nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam, tác giả của nhiều tác phẩm bất hủ được viết bằng cả chữ Hán và chữ Nôm, trong đó đặc biệt phải kể đến tác phẩm Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) - kiệt tác của nền văn học dân tộc. Sức sống của Truyện Kiều trong tâm thức người Việt nói chung, trong dòng chảy văn hóa dân tộc nói riêng vô cùng mãnh liệt.
Trải qua bao biến động lịch sử, Truyện Kiều in sâu vào tâm thức người Việt như một áng văn chương giàu tính nhân bản, nuôi dưỡng những nỗi niềm nhân thế. Không thể thống kê một cách chính xác đã có bao nhiêu hội thảo, bao nhiêu bài viết nghiên cứu về Truyện Kiều của Nguyễn Du. Chỉ biết rằng, người Việt không bao giờ hết ngâm Kiều, vịnh Kiều, viết về Truyện Kiều, kiếm tìm những vỉa tầng ý nghĩa đằng sau kiệt tác bất hủ này.
Hòa chung vào dòng chảy ấy, nhạc sỹ - nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long và các nghệ sỹ tên tuổi đã cùng nhau thực hiện một dự án mang tên “Ngâm Kiều toàn truyện”, với nhiều tâm huyết được gửi gắm.
Phóng viên VOV đã có cuộc trò chuyện với nhạc sỹ - nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long về dự án này:
PV: Thưa nhạc sỹ Nguyễn Quang Long, anh có thể cho biết bắt nguồn từ đâu mà anh và các nghệ sỹ đã quyết định thực hiện dự án này?
Nhạc sỹ Nguyễn Quang Long: Thực ra đấy là mong muốn của tôi từ rất là lâu rồi, từ ngày mà tôi bắt đầu theo học nghiên cứu âm nhạc tại Học Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam chuyên ngành Lý luận. Tuy nhiên, tôi cũng không nghĩ rằng sẽ có một ngày mình làm được bởi vì nó quá là lớn. Trong cái rủi cũng có cái may là đại dịch Covid thì hầu như tất cả các hoạt động về văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là văn hóa nghệ thuật truyền thống đã đình trệ, các nghệ sỹ thì cũng rất rảnh rỗi thời gian, thế nên tôi quyết tâm phải nghĩ ra một việc gì đó để anh chị em cùng làm với nhau và rồi hình thành dự án Kiều này. Tôi trao đổi với một vài thành viên của nhóm Xẩm Hà Thành, như nghệ sỹ Phạm Đình Dũng, thì rất là may tất cả các nghệ sỹ đều rất hào hứng nhận lời tham gia cùng với cả chúng tôi trong dự án này.
PV: Truyện Kiều là một di sản vĩ đại, là kiệt tác của nền văn học dân tộc, vì vậy khi thực hiện dự án này thì chắc chắn anh và các nghệ sỹ cũng đã gặp phải không ít những khó khăn, thách thức?
Nhạc sỹ Nguyễn Quang Long: Gần như trong tiềm thức của bất cứ người Việt nào, truyện Kiều cũng rất là gần gũi. Chính vì gần gũi như vậy nên đây cũng lại là một trở ngại, bởi vì mọi người đã tiếp cận với truyện Kiều bằng rất nhiều hình thức khác nhau. Để có những sáng tạo mới cho Kiều thì chúng tôi trở về với quá khứ tức là đưa một nghệ thuật đã có từ rất xa xưa, thậm chí là nó ra sau thời điểm mà truyện Kiều được phổ biến, tức là sau văn học thì nó đã đến cái âm nhạc đó rồi. Với tính chất ngâm ngợi như vậy mà với 3.254 câu thì toàn bộ khối lượng âm thanh là khoảng 10 tiếng đồng hồ và chỉ có ngâm ngợi như vậy thôi. Chúng tôi suy nghĩ rằng xong rồi các bạn khán giả sẽ tiếp cận nó như thế nào? Thế nhưng mà khó vẫn phải làm bởi vì đó không chỉ là di sản về văn học mà đây là di sản về âm nhạc. Chúng tôi muốn tôn vinh, tiếp nối với phần sáng tạo văn học của cụ Nguyễn Du, nên quyết tâm bằng mọi giá để hoàn thành dự án này.
Một trích đoạn do NSND Thanh Hoài thể hiện:
PV: Quá trình thu âm dự án này chắc hẳn là có nhiều điều thú vị, thưa nhạc sỹ?
Nhạc sỹ Nguyễn Quang Long: Khi chúng tôi triển khai dự án này thì cũng có một thuận lợi là bản thân tôi, nghệ sỹ Mai Tuyết Hoa rồi nghệ sỹ Phạm Đình Dũng là những người đã thành lập và vận hành nhóm Xẩm Hà Thành trong rất nhiều năm và vận hành hoàn toàn theo tình yêu âm nhạc. Do vậy nên đã tập hợp được nhiều nghệ sỹ nghệ thuật truyền thống cùng chí hướng để mà tham gia dự án Kiều này. Bình thường chúng ta thấy một câu ngâm, một câu hát ru, kể cả một bài âm nhạc dân tộc nào đó thì nó chỉ khoảng 8, 10, 12, 16 câu nhưng mà cái này, ví dụ có cái khoảng 20 trang A4 thì mọi người rất là choáng và không biết khi mà lên nó sẽ như thế nào? Dài thế này thì làm sao mà hát được? Nhưng khi vào phòng thu và đã lên được hiệu quả rồi thì mọi người lại thấy nó rất là thú vị. Tất nhiên để được một sản phẩm ưng ý thì nhóm phải thu đi thu lại rất nhiều lần và cuối cùng, khi đã vào được phom rồi thì mọi người làm rất là nhanh.
Thu âm trích đoạn "Chị em Thúy Kiều" với giọng ngâm của NSND Thúy Ngần (Video do nhạc sỹ Nguyễn Quang Long cung cấp).
PV: Ở thời điểm này, đâu là những điều khiến anh hài lòng hoặc còn trăn trở khi mà dự án chuẩn bị được ra mắt công chúng?
Nhạc sỹ Nguyễn Quang Long:Thực ra cái băn khoăn lớn nhất là nhóm làm theo sự tự nguyện của các nghệ sỹ. Nếu chúng tôi có điều kiện về kinh phí tốt hơn thì chúng tôi sẽ có thời gian đầu tư hơn và có một nguồn để cảm ơn các nghệ sỹ tốt hơn. Tôi nghĩ rằng nó giống như một giấc mơ đã trở thành hiện thực, đấy là cái tâm đắc nhất của tôi khi mà nhìn toàn bộ tổng thể của nó. Tôi thấy mình hạnh phúc và quá may mắn. Chúng tôi không có điều kiện để thực hiện phần hình mà phần hình chúng tôi làm hoàn toàn là những hình ảnh 2D với một ít hiệu ứng, nó rất là đơn giản nhưng mà cũng hướng tới những yêu cầu nó phải rất là thuần Việt.
Khi thực hiện dự án này chúng tôi chấp nhận rằng lối ngâm ngợi như thế này cũng có thể sẽ không phù hợp với các bạn trẻ. Chúng tôi nhắm tới là việc phải hồi sinh lại lối hát Kiều này để mọi người hình dung ra được cái sự độc đáo của cha ông ta ngày xưa. Chỉ với một tác phẩm văn học thôi nhưng mà đã sáng tạo ra một lối hát, một thể loại âm nhạc riêng dành cho nghệ thuật hát Kiều này, vì câu Kiều có giá trị hun đúc, làm đẹp đời sống tinh thần của người Việt chúng ta và góp phần hình thành nên nhân cách, tính cách của một con người trưởng thành trong tương lai.
PV: Xin cảm ơn nhạc sỹ về cuộc trao đổi này./.