Ngẫm lại màn đấu trí của 2 ông thầy
Ngồi chỉ đạo trận đấu trên sân Mỹ Đình nhưng cả ông A.Nishino lẫn Park Hang-seo lẫn đều cử trợ lý cập nhật thông tin trận đấu giữa Malaysia và Indonesia trên sân Bukit Jalil (Kuala Lumpur). Các phóng viên 2 nước đã liên tục theo dõi diễn biến ở 2 khu kỹ thuật của Việt Nam, Thái Lan.
Trong trận đấu sớm trước đó 15 phút, nếu chủ nhà Malaysia giành chiến thắng sẽ đẩy Thái Lan vào tình thế phải thắng Việt Nam, nếu không muốn bị đẩy xuống vị thứ 3 bảng G. Ông Park Hang-seo thì cần biết chính xác thời điểm các cầu thủ Thái Lan dâng lến tấn công để chơi đòn “hồi mã thương” vốn là sở trường của đội tuyển Việt Nam.
Rập rình và liên tục biến đổi
Sau khi Văn Lâm phá được cú sút phạt penalty của T. Bunmathan, các cầu thủ Việt Nam thi đấu hưng phấn thì ông A.Nishino đã chỉ đạo C. Songkrasin, S. Sarachart, Eakkanit chủ động cầm bóng, cố gắng đá chậm, giảm hưng phấn của các cầu thủ chủ nhà. Người ta thấy những cuộc vây ráp “Messi Thái Lan” và Quang Hải của cầu thủ 2 bên.
Cầu thủ 2 bên tập trung tranh cướp bóng ở khu vực giữa sân. Ảnh VF.
Số 18 Thái Lan liên tục có các tình huống đi bóng xuất sắc và đầy khó chịu. Cầu thủ sinh năm 1993 có mặt ở mọi điểm nóng bên phần sân của Việt Nam. So với trận lượt đi, Tuấn Anh -- cầu thủ được kì vọng sẽ tiếp tục “bắt chết” Chanathip ở trận này không có được màn trình diễn như ý.
Điều người Thái không muốn đã đến, khi ông trọng tài Ahmed Al Kaf chuẩn bị thổi còi hết hiệp 1 thì tin Safawi ghi bàn vào lưới Indonesia đến tai ông A.Nishino. Điều này khiến cho thầy trò ông A.Nishino bị dồn vào thế phải tấn công ghi bàn với lưới Việt Nam.
Đầu hiệp 2, T. Dangda được yêu cầu đá dạt sang cánh phải để lôi kéo hàng hậu vệ Việt Nam lên cao, tạo điều kiện cho C. Songkrasin, S. Sarachart dâng cao đá như tiền đạo. Ông Park chỉ đạo Trọng Hoàng theo sát, hai cầu thủ có thâm niên ăn cơm tuyển nhiều nhất của Việt Nam, chơi ăn miếng trả miếng và T. Dangda phải nhận thẻ vàng đầu tiên của trận đấu.
Văn Toàn thi đấu khá mờ nhạt trận đấu này. Ảnh VF.
Kẻ tám lạng, người nửa cân
Đây là thời điểm ông Park chủ động ra đòn trước, thay Văn Toàn một cầu thủ có tốc độ, kỹ thuật rê dắt nhưng quả tạt không chính xác bằng Hồng Duy chỉnh chu hơn. Phút 58 của trận đấu, trợ lý người Thái rỉ tai báo tiền vệ Malaysia Safawi đã nâng tỷ số lên 2-0.
Ông thầy người Nhật chỉ đạo cả tiền vệ S. Sarachart lẫn hậu vệ T. Bunmathan tập trung khoét cánh phải của chủ nhà. Ông A.Nishino nắm rõ Trọng Hoàng là 1 trong 4 cầu thủ Việt Nam đã dính 1 thẻ vàng, nếu đá rắn tiếp tục nhận thẻ thì phải ngồi ngoài trận gặp Malaysia. Nhưng người Thái đã lầm, Trọng Hoàng vẫn chơi như một chiến binh, chấp nhận bị thẻ phạt.
Để quyết ăn thua, HLV A.Nishino chuyển sang đội hình 4-4-2, áp lực tăng lên phần sân chủ nhà, trong bối cảnh Hùng Dũng chấn thương. Ông Park thay vì phương án đưa Đức Huy vào trám chỗ đã “mạo hiểm” tung Công Phượng vào sân, rút Quang Hải về đá tiền vệ trung tâm cùng với Tuấn Anh.
Lúc này, ý đồ của ông Park là dùng nhiều đường chuyền dài cho bộ ba Công Phượng, Hồng Duy và Tiến Linh phía trên. Ông A.Nishino đẩy tiền vệ trung tâm P. Sukjitthammakul cao hơn để chủ động đấy lùi cả Quang Hải lẫn Tuấn Anh về gần sát vòng 16,5m. Đội hình Thái Lan lúc này trở thành 4-1-4-1 với S. Yooyen đá tiền vệ mỏ neo.
Lúc này cả Trọng Hoàng lẫn Văn Hậu đều lùi sâu về phần sân nhà. Ông Park chuyển đội hình thi đấu thành 5-4-1, sân nhà thường xuyên có 6-7 chiếc áo màu đỏ để bảo vệ tỷ số 0-0. Ông Park muốn có chiến thắng, đó là điều có thật, bằng chứng là ông thay 3 cầu thủ hàng công Văn Toàn, Tiến Linh, Hùng Dũng, nhưng lại kéo dãn cự ly của hàng công và tuyến dưới thì đúng là quá khó cho Công Phượng, Anh Đức, Hồng Duy.
Công cùn, thủ sắc
Tuấn Anh - cầu thủ được kì vọng sẽ tiếp tục “bắt chết” Chanathip ở trận này không có được màn trình diễn như ý. Ảnh VF
Đây là trận đấu ông A.Nishino chơi trò “đèn cù”, các tiền vệ có lối đá đậm chất kỹ thuật liên tục di chuyển, hoán đổi vị trí tìm kẽ hở của hàng phòng ngự 3 người của đội khách để chọc khe. Đội tuyển Thái Lan chủ trương cầm bóng nhiều, không để chủ nhà có bóng để chơi.
Phải đến cuối trận đấu, Thái Lan mới thay S. Sarachart, Eakkanit bằng B. Phala và S. Tiatrakul, điều này khiến các trang báo thể thao đất nước chùa Vàng sau trận đấu cho rằng ông thầy Nhật Bản “nhát gan”.
Nhưng rõ ràng, với thế trận phòng ngự của đội tuyển Việt Nam đá nhiều trận với nhau, bọc lót tốt cho nhau thì những pha bóng như thế thì việc họ không có bàn thắng là điều dễ hiểu. Có điều suốt 90 phút mà các cầu thủ đội tuyển Việt Nam không có cú sút trúng khung thành Thái Lan là điều khó vui được.
Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/ngam-lai-man-dau-tri-cua-2-ong-thay-373363.html