Quan sát nguyệt thực một phần bằng thiết bị chuyên dụng Người yêu thiên văn học ở Hà Nội tổ chức đón xem hiện tượng nguyệt thực một phần tại Đài quan sát lớn nhất miền Bắc rạng sáng 17/7.
Rạng sáng 17/7, tại Đài thiên văn Hòa Lạc, hơn 100 thành viên đến từ Hội Thiên văn nghiệp dư Hà Nội tổ chức ra bãi cỏ cùng quan sát hiện tượng nguyệt thực một phần.
Trước đó tại đây có tổ chức chương trình chiếu phim khoa học trong nhà hình vũ trụ. Người tham dự được hướng dẫn cách quan sát các chòm sao, hành tinh trên bầu trời thực tế.
Ngay từ nửa đêm, những người yêu thiên văn học đã chuẩn bị sẵn sàng những thiết bị chuyên dụng để quan sát.
Anh Phan Thanh Hiền (nghiên cứu viên thuộc Khoa Vũ trụ và Hàng không - Đại học Việt Pháp) lắp đặt chiếc kính thiên văn đặc biệt của mình. "Thiết bị này hiệu Celestron Nexstar Evolution 9.25, tiêu cự 2.350 mm, có điểm đặc biệt là chỉ cần cài đặt một lần kính sẽ tự động bám mục tiêu, giúp ta quan sát các hiện tượng thiên văn học dễ dàng hơn", anh Hiền chia sẻ.
Chiếc kính có giá hơn 100 triệu đồng, thu hút sự quan tâm của mọi người bởi khả năng bám đuổi mục tiêu tự động hiện đại, độ sắc nét của hình ảnh rất cao.
Phạm Phương Anh (18 tuổi, học sinh trường THPT Đan Phượng) chia sẻ cảm giác phấn khích khi lần đầu tiên được nhìn thấy Mặt Trăng lớn như vậy.
Một số bạn trẻ sử dụng máy ảnh có ngàm chuyên dụng gắn vào kính thiên văn để ghi hình.
Khoảng 3h sáng 17/7, nguyệt thực nửa tối bắt đầu xuất hiện rõ ràng hơn. Lúc này mặt trăng mới chỉ chớm bị đen đi một phần. Hiện tượng đạt cực đại lúc 4h30, sau đó Mặt Trăng lặn lúc 5h28, trước khi kết thúc.
Nguyệt thực một phần là hiện tượng xảy ra khi Mặt Trăng, Trái Đất và Mặt Trời lần lượt nằm trên một đường thẳng (hoặc gần thẳng) và Mặt Trăng đi qua bóng của Trái Đất. Khi đó, Mặt Trăng nằm đối diện với Mặt Trời qua Trái Đất. Chính vì vậy, nguyệt thực chỉ xảy ra vào ngày trăng tròn. Nguyệt thực hoàn toàn vô hại và có thể quan sát bằng mắt thường mà không cần dụng cụ hỗ trợ.
Việt Linh - Phạm Thắng