Ngắm nhà ga độc đáo nhất Việt Nam trước khi 'nhường đất' cho dự án cao tầng

Ga Nha Trang hoạt động từ năm 1936. Sau 85 năm, nhà ga sẽ được di dời ra ngoại thành, chỗ đất này dùng xây dựng dự án cao 35 tầng.

Ga Nha Trang được khánh thành ngày 2/9/1936, tại phường Phước Tân, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ga có với thiết kế đường vòng “bóng đèn” - tàu vào, ra cùng một lối. Đây là kiểu thiết kế nhà ga độc đáo duy nhất trên cả nước.

Bài liên quan

Hàng loạt dự án đường sắt đô thị đội vốn, chậm tiến độ, vì sao?

Hà Nội: Tiếp tục kiểm tra, thu hồi các dự án “bỏ hoang” chậm triển khai

Các dự án bất động sản chậm triển khai tại Hà Nội sẽ bị "bêu tên" 6 tháng/lần

Lâm Đồng: Doanh nghiệp “một tháng tuổi” xin tài trợ lập quy hoạch dự án 180 ha

Ga có vị trí đắc địa khi nằm trong trung tâm thành phố. Cách đó không xa là sân bay Nha Trang cũ với quỹ đất đang thu hút nhà đầu tư. Tổng diện tích đất khu vực đường vòng “bóng đèn” là 14,8 ha.

Từ nơi này di chuyển dễ dàng đến tuyến đường ve biển Trần Phú nổi tiếng nhất của thành phố du lịch Nha Trang. Hệ thống giao thông quanh ga cũng thuận tiện với nhiều tuyến đường lớn.

Ga Nha Trang hỗn hợp hành khách và hàng hóa, mỗi ngày có 34 chuyến tàu ra vào ga Nha Trang thời điểm trước dịch Covid-19.

Dịp lễ, Tết có 46 đến 50 chuyến tàu qua ga mỗi ngày nên áp lực giao thông giữa đường bộ với đường tàu là khá lớn.

Nhà ga chính được xây dựng theo kiến trúc châu Âu, từng được đánh giá là đẹp thứ nhì Đông Dương sau ga Đà Lạt.

Sau 85 năm hoạt động, tòa nhà ga vẫn còn rất chắc chắn, trở thành một điểm nhấn du lịch của thành phố Nha Trang.

Nơi đây còn là di tích lịch sử cấp tỉnh Khánh Hòa. Ga là chứng tích việc người dân Khánh Hòa đứng lên đấu tranh, nổ súng chống thực dân Pháp vào ngày 23/10/1945.

Bên trong nhà ga vẫn còn nhiều công trình mang kiến trúc nhuốm màu thời gian nhưng kiên cố, vẫn còn sử dụng tốt.

Quanh đường tàu “bóng đèn” hiện nay có khoảng 1.000 hộ dân sinh sống.

Tháng 9/2021, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết lãnh đạo tỉnh đã thống nhất chủ trương di dời ga Nha Trang ra khỏi nội đô để thực hiện việc quy hoạch và xây dựng phương án bảo tồn, sử dụng ga sau khi di dời bảo đảm hợp lý và phát huy hiệu quả.

Hai phương án di dời ga Nha Trang

Công ty Tuấn Dung - doanh nghiệp đã được Bộ Giao thông Vận tải đồng ý chủ trương, cho phép lập các phương án đề xuất cải tạo, dời ga Nha Trang với hình thứ BT. Sau khi hoàn thành, doanh nghiệp này sẽ được đối ứng bằng chính quỹ đất của ga Nha Trang.

Để di dời ga Nha Trang, Công ty Tuấn Dung nêu ra 2 phương án.

Phương án 1: Cải tạo ga Nha Trang thành ga khách, bỏ công năng hàng hóa, xây dựng mới cầu quay máy để bỏ đường bóng đèn. Ga hàng hóa sẽ được di dời ra ngoại thành, xây dựng đường vòng trạm tại khu vực nút giao thông Ngọc Hội, tránh tàu hàng đi vào trung tâm thành phố.

Doanh nghiệp sẽ được sử dụng đất hơn 3,6 ha khu vực ga Nha Trang xây chung cư cao 30 tầng, công trình hỗn hợp 35 tầng, nhà ở thương mại, cây xanh công viên, đường giao thông.

Phương án 2: Di dời toàn bộ ga Nha Trang ra khỏi ngoại thành, cải tạo nhà ga Nha Trang hiện hữu thành bảo tàng du lịch. Ga mới sẽ nằm ở địa bàn xã Vĩnh Trung (TP. Nha Trang) gồm ga kỹ thuật hỗn hợp hành khách, hàng hóa và khu chỉnh bị sửa chữa đầu máy, toa xe.

Sau khi di dời ga, Công ty Tuấn Dung sẽ được sử dụng gần 12 ha để xây dựng bảo tàng ga, chung cư 30 tầng, công trình hỗn hợp 35 tầng, nhà ở xã hội, nhà liền kề, nhà ở kết hợp thương mại, cây xanh công viên, đường giao thông nội bộ.

Hà Linh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ngam-nha-ga-doc-dao-nhat-viet-nam-truoc-khi-nhuong-dat-cho-du-an-cao-tang-post163048.html