Ngắm Siêu Trăng Giun thắp sáng trời đêm
Trong hai ngày 8 – 9/3, người dân trên thế giới có cơ hội quan sát hiện tượng Siêu Mặt Trăng Giun độc đáo. Đặc biệt, Mặt Trăng trở nên to và sáng nhất vào đêm 9/3.
Hãng CNN dẫn thông báo của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết kỳ trăng rằm cuối cùng của mùa Đông tỏa sáng rực rỡ nhất vào ngày 9/3 theo giờ Mỹ.
Hiện tượng Siêu Trăng xảy ra khi Mặt Trăng nằm trong phạm vi 90% của perigree hay cận điểm gần nhất với Trái Đất trên quỹ đạo. Siêu Trăng sẽ sáng hơn và lớn hơn trên bầu trời đêm.
Tên gọi độc đáo “Mặt Trăng Giun” (Worm Moom) bắt nguồn từ nền văn hóa truyền thống của người thổ dân Mỹ. Cách người thổ dân Mỹ đặt tên cho từng kỳ trăng rằm trong năm giúp họ theo dõi dấu hiệu chuyển mùa. Ví dụ, vào tháng 3, mặt đất trở nên mềm hơn tạo cơ hội cho loài giun xuất hiện, kéo theo nhiều con chim đến kiếm ăn. Trăng Giun được gắn với mùa xuân cũng vì lý do đó.
Năm nay, Xuân phân xảy ra vào ngày 19/3, sớm nhất trong hơn 100 năm qua. Bình thường mỗi năm sẽ có 12 lần trăng rằm. Tuy nhiên, tháng 10/2020 sẽ ghi nhận hai lần trăng rằm vào ngày 1/10 và 31/10. Mặt Trăng tròn 2 lần trong cùng một tháng được gọi là “Trăng Xanh”.
Năm 2020, người yêu thiên văn sẽ có cơ hội quan sát đến 4 Siêu Trăng. Siêu Trăng tiếp theo sẽ diễn ra ngày 7/4.