Du khách đến An Giang có thể ghé tham quan, tìm hiểu về rừng tràm Trà Sư và cùng hòa mình vào thiên nhiên xanh mát.
Rừng tràm Trà Sư cách Châu Đốc khoảng 30 km, cách khu vực biên giới Việt Nam và Campuchia chỉ khoảng 10 km. Khu rừng này được trồng theo mô hình hệ sinh thái điển hình vùng ngập nước phía Tây sông Hậu. Khi đến đây, du khách không chỉ bị thu hút bởi không gian thiên nhiên xanh mát với rừng tràm rợp bóng hai bên, mà còn được nhìn thấy nhiều loài chim nước, động vật hoang dã quý hiếm nằm trong sách đỏ.
Năm 2003, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đồng ý với đề xuất của UBND tỉnh An Giang xây dựng rừng tràm Trà Sư trở thành “Khu bảo tồn thiên nhiên”.
Rừng tràm Trà Sư được mệnh danh là điểm đến lý thú và đặc sắc nhất tại mảnh đất An Giang. Hiện nay, rừng tràm Trà Sư có 70 loài chim, 11 loài thú, 25 loài bò sát và 10 loài cá. Ngoài ra, đây còn là nơi tụ họp của 140 loài thực vật thuộc 52 họ và 102 chi, trong đó có 22 loài cây gỗ và nhiều loại cây khác.
Trước khi tham quan tại rừng tràm Trà Sư, du khách sẽ mua vé vào cổng với giá 100.000 đồng/người.
Để tham quan toàn bộ rừng tràm, du khách sẽ phải mua vé tham quan bằng tắc ráng (thuyền máy) hoặc xuồng ba lá với giá 50.000 đồng/người.
Rừng tràm ở gần khu vực núi Trà Sư của vùng đất Tịnh Biên (An Giang), được hình thành vào năm 1983 từ một vùng trũng hoang hóa bị nhiễm phèn nặng và trở thành khu du lịch sinh thái nổi tiếng. Rừng tràm Trà Sư có diện tích lên tới 850 ha, là cánh rừng có hệ động thực vật phong phú tại vùng Tây Nam Bộ.
Du khách chụp ảnh với thảm thực vật xanh mướt ở rừng tràm Trà Sư.
Bèo cái có khá nhiều ở rừng tràm Trà Sư và nhiều nhất là mùa nước nổi. Đây cũng là mùa du khách tham quan rừng tràm đẹp nhất.
Du khách đến từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thích thú tham quan rừng tràm Trà Sư trong mùa nước nổi.
Nơi đây đang thu hút khá nhiều giới trẻ vì có nhiều góc chụp ảnh "sống ảo".
Cây cầu tre tại rừng tràm Trà Sư với tổng chiều dài trên 10 km đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Cầu tre trong rừng tràm dài nhất Việt Nam” từ ngày 10/1/2020.
Nơi đây còn có một cây cầu gỗ nối hai bờ sông, được chọn làm bối cảnh phục dựng khu chợ nổi miền Tây trong bộ phim chiếu rạp "Đất rừng phương Nam".
Rời rừng tràm Trà Sư, du khách vẫn nghĩ về khung cảnh bình yên, thơ mộng ở nơi đây.
Chùm ảnh, clip: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức