Ngắm tranh Hoàng A Sáng thấy năng lượng yêu thương

30 bức sơn dầu sáng tác trong hai năm trở lại đây của họa sĩ Hoàng A Sáng đang diễn ra tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài (Hà Nội), với tên gọi 'Miền A Sáng 2' mang lại nhiều thú vị.

Họa sĩ, nhà văn, nhà báo Hoàng A Sáng sinh năm 1976 ở Pác Thay, một bản đồng bào dân tộc Tày thuộc huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. Gia đình họa sĩ sinh sống ở mạn Hà Đông (Hà Nội)-nơi hiện đang tụ khá nhiều gương mặt của giới văn chương, hội họa với tên gọi: Nhóm nhân sĩ Hà Đông. Vì thế, khi có những tài năng hé lộ, nhóm sẵn sàng mở rộng nụ cười, cởi mở tấm lòng, ra tay hưởng ứng. Chẳng ngoại trừ khi A Sáng có ý định mở triển lãm, nhóm nhân sĩ Hà Đông mỗi người một việc, nhưng xúm vào tổ chức. Từ triển lãm “Miền A Sáng 1” năm 2016 cũng tại 29 Hàng Bài, bên cạnh “tư thế” một nhà báo năng động, một nhà văn có nhiều trang viết đặc sắc mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc Tày và non nước Cao Bằng, hình ảnh họa sĩ Hoàng A Sáng càng đậm nét hơn trong mắt người yêu hội họa và trong sự trân trọng của các văn nghệ sĩ đồng nghiệp. Nhiều người yêu mến đã có tranh họa sĩ A Sáng.

 Họa sĩ Hoàng A Sáng.

Họa sĩ Hoàng A Sáng.

Tình yêu của công chúng và ghi nhận từ giới nghề, cộng với sức làm việc dồi dào cùng những ý tưởng mới, càng thêm cảm hứng cho sáng tạo. Thời gian qua, A Sáng vẽ nhiều hơn, dành được không gian xưởng vẽ rộng rãi hơn và thường xuyên được hưởng niềm hạnh phúc chia sẻ tác phẩm với người yêu tranh. Triển lãm “Miền A Sáng 2” là một bước đi mới trên đường hội họa của A Sáng, công bố những sáng tạo mới của anh và cũng là lời tri ân đến công chúng, đồng nghiệp, bạn hữu, gia đình. Nhà văn Đỗ Bích Thúy nhận xét: Sáng vẽ tranh để chơi, cho đến thời điểm này, Sáng đã có một vị trí nhất định trong giới hội họa đương đại. Cái tên Hoàng A Sáng đã xuất hiện trong danh sách tìm kiếm, lựa chọn của nhiều người chơi tranh, cả trong nước cả quốc tế. Hơn bốn mươi tuổi, có một sự nghiệp và được ghi danh, không phải là chuyện dễ mà có được. A Sáng từ núi rừng về một đô thị lớn, chân vẫn quen nhấc cao đầu gối ngay cả khi đi giữa phố phường bằng phẳng, nên có cái liều của kẻ không biết, nên không thấy sợ, có cái tự tin của kẻ lạc lõng, đơn độc. Lạc lõng, đơn độc trong nghệ thuật đôi khi mang tới sự độc quyền, chẳng có ai tranh giành, xâm lấn vào cái mảnh đất mà mình đang lủi thủi cày xới gieo trồng. Và vì thế, cứ vui vẻ mà gặt hái những mùa màng ấy thôi.

 Tranh của họa sĩ Hoàng A Sáng trưng bày tại triển lãm.

Tranh của họa sĩ Hoàng A Sáng trưng bày tại triển lãm.

A Sáng chia sẻ: Với tôi việc được vẽ mỗi ngày là một ân huệ, sự may mắn của cuộc sống ban tặng! Việc sáng tác với hội họa không phải lúc nào cũng diễn ra êm đẹp, có những lúc rơi vào bế tắc, họa sĩ hoàn toàn bất lực trước bức tranh của chính mình. Cứ vẽ mãi, sửa mãi… nhưng bức tranh mình mong muốn không bao giờ hiện ra… Việc cần làm lúc này là phải biết kiên nhẫn và chờ đợi. Kiên nhẫn với bản thân mình, cũng có nghĩa biết cách để kiên nhẫn với hội họa. Tôi không chắc mỗi ngày mình vẽ đẹp hơn, nhưng tôi nghĩ mình có đủ năng lượng và khát vọng để hướng đến những điều đẹp nhất.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thì hào hứng: Từ “Miền A Sáng 1” đi tới “Miền A Sáng 2” là một thách thức rất lớn. Đoạn đường ấy có thể trở thành bất động, có thể dẫn người họa sĩ vào vô định và có thể làm biến mất Hoàng A Sáng. Nhưng anh đã tới được miền ấy trọn vẹn và ngập tràn một tinh thần mới. Những tác phẩm trong “Miền A Sáng 2” dựng lên ba vùng đặc trưng: Sen - phong cảnh - tĩnh vật. Cho dù trong sen, trong phong cảnh và trong cái gọi là tĩnh vật vẫn luôn luôn chứa đựng sự chuyển động mãnh liệt của cảm xúc, của ý tưởng và của màu sắc chủ đạo là màu nóng thì tinh thần Thiền vẫn trùm phủ cả ba vùng này. Bởi những bố cục, những đường nét, những màu sắc của Hoàng A Sáng luôn hướng tới một vẻ đẹp thuần khiết và sự thánh thiện.

Bài và ảnh: VƯƠNG HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/ngam-tranh-hoang-a-sang-thay-nang-luong-yeu-thuong-592555