Ngắm tượng Phật cổ xưa và các bảo vật quốc gia đang trưng bày tại TPHCM
Tượng Phật Đồng Dương, chõ gốm văn hóa Đông Sơn, 3 tượng Phật gỗ cổ xưa nhất Đông Nam Á... là các bảo vật đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM.

17 bảo vật quốc gia thuộc các bảo tàng công lập và bộ sưu tập tư nhân ở TPHCM lần đầu cùng được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM, phác họa bức tranh tổng thể về lịch sử, văn hóa Việt Nam từ thời tiền sử đến hiện đại.
Sự kiện diễn ra từ ngày 29/6 đến 10/8, không chỉ mang ý nghĩa văn hóa mà còn góp phần kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai, giúp công chúng hiểu rõ hơn giá trị di sản dân tộc.

Điểm nhấn tại đây là tượng Phật Đồng Dương - bảo vật quốc gia được nhà khảo cổ người Pháp Henri Parmentier phát hiện năm 1911 tại Quảng Nam. Tác phẩm có niên đại thế kỷ VIII - IX, được đánh giá là một trong những tượng Phật cổ và đẹp nhất Đông Nam Á, tiêu biểu cho kỹ thuật đúc đồng tinh xảo và nghệ thuật tạo hình đặc trưng của văn hóa Chăm Pa.
Tượng từng được trưng bày ở nhiều nước. Trong triển lãm cổ vật Đông Nam Á ở Pháp, hiện vật được mua bảo hiểm 5 triệu USD. Đây là mức bảo hiểm cao nhất cho một pho tượng của Việt Nam trưng bày tại nước ngoài.


Tượng được chế tác bằng đồng, đứng trên bệ sen cách điệu, thể hiện đúng theo quý tướng của đồ tượng học Phật giáo: trên đỉnh đầu có nhục kế nhô cao biểu thị cho trí tuệ siêu việt, tóc xoắn ốc, thùy tai dài, khuôn mặt tròn, phúc hậu; giữa trán khắc nổi một vòng tròn, chân mày cong, mũi thon; cổ cao ba ngấn; thân khoác áo cà sa, để hở vai phải, hai cánh tay đưa ra phía trước, tay phải với thủ ấn giảng pháp, tay trái nắm phần vạt áo choàng.

Tượng bán thân nữ thần Devi cao 38,5cm, nặng 20kg, có niên đại thế kỷ X, được phát hiện năm 1911 tại một ngôi đền nhỏ ở Quảng Nam. Tượng bằng đá sa thạch, thể hiện chân dung hiếm gặp của nữ thần Ấn Độ được “Chăm Pa hóa”.
Tượng mang những đặc trưng điêu khắc Chăm như lông mày dài, cong và liền nhau, đôi mắt lớn, miệng khẽ cười và búi tóc cao hình tháp. Tác phẩm được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2012.

Tượng Bồ Tát Quan Thế Âm có niên đại thế kỷ VII, được phát hiện tại Trà Vinh năm 1937. Tượng cao 90cm, làm bằng đá sa thạch, có 4 tay và thuộc loại hình nguyên gốc, độc bản - đại diện tiêu biểu cho loại hình điêu khắc tượng Avalokitesvara của nền văn hóa Óc Eo.

Tượng thần Vishnu cao 23cm, được phát hiện năm 1936 tại Kiên Giang, có niên đại khoảng thế kỷ III - V. Tác phẩm thuộc văn hóa Óc Eo, được đúc bằng đồng với tạo hình cân đối, tinh xảo, mỗi tay cầm một pháp khí. Vishnu là thần bảo tồn trong Ấn Độ giáo, thường được cư dân Phù Nam thờ cúng để cầu sự bảo vệ và diệt trừ tà ác.


Tượng nữ thần Durga được tạc vào thế kỷ VII, phát hiện năm 1902 tại Trà Vinh. Tượng cao 75cm, nặng 75kg, bằng đá sa thạch, thể hiện hình ảnh nữ thần đứng trên đầu một con trâu - biểu tượng cho việc khuất phục quỷ trâu, giải thoát con người khỏi tai ương.
Bên phải là tượng thần mặt trời Surya, niên đại khoảng 1.500 năm, được tìm thấy năm 1928 tại An Giang. Tượng nặng 80kg, khắc họa vị thần trong tư thế đứng trang nghiêm.
Cả 2 hiện vật đều tiêu biểu cho kỹ thuật điêu khắc tinh xảo của nền văn hóa Óc Eo.

Tượng Phật Sơn Thọ được phát hiện tại chùa Sơn Thọ (Trà Vinh), do cư dân Phù Nam chế tác vào thế kỷ VI - VII. Tượng cao 59cm, nặng 80kg, bằng đá sa thạch, thể hiện hình ảnh Đức Phật ngồi trên ngai, 2 chân buông thõng - tư thế đặc trưng trong nghệ thuật Phật giáo cổ. Tác phẩm được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2018.


Tượng Avalokitesvara Hoài Nhơn thuộc văn hóa Chăm Pa, niên đại thế kỷ VIII - IX, được làm bằng đồng, nặng khoảng 40kg. Tượng thể hiện Bồ Tát 4 tay, dáng đứng thanh thoát, đội tượng Phật A Di Đà trên đầu.
Ảnh bên là tượng đồng Avalokitesvara khác, được chế tác khoảng thế kỷ X, nặng 35kg, với tóc búi cao mang miện chạm hình Phật ngồi và nhiều trang sức. Tượng có 4 tay, trong đó 2 tay trước cầm nụ sen và bình nước cam lồ. Hai pho tượng phản ánh trình độ đúc đồng tinh xảo, thể hiện sự phát triển rực rỡ của Phật giáo dưới thời Chăm Pa.

Góc trái là tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, phát hiện tại Đồng Tháp năm 1937. Tượng cao 2m, nặng 100kg, được chạm khắc từ cây gỗ trai nguyên khối, có niên đại khoảng 1.500 năm, phản ánh nghệ thuật điêu khắc văn hóa Óc Eo.
Chính giữa là tượng Phật bằng gỗ bằng lăng, được phát hiện ở Long An năm 1947, niên đại thế kỷ III - IV. Tượng cao 1,13m, nặng 73kg, dáng đứng thanh mảnh, mặc áo choàng hở vai. Bên phải là tượng Phật đứng trên tòa sen, làm bằng gỗ sao, niên đại thế kỷ 4, được tìm thấy ở Đồng Tháp năm 1943, cao 2,68m, nặng 100kg.
Đây là 3 tượng Phật gỗ cổ xưa nhất Đông Nam Á, hiện được trưng bày tại trung tâm khu triển lãm, thuộc sở hữu của Bảo tàng Lịch sử TPHCM.

Chõ gốm văn hóa Đông Sơn, có niên đại khoảng 2.000-2.500 năm trước, là hiện vật thuộc bộ sưu tập tư nhân của diễn viên Chi Bảo. Đây là hiện vật gốc, độc bản, được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2024. Chõ gốm mang giá trị thực tiễn cao, phản ánh đời sống thời đại các Vua Hùng dựng nước.


Khuôn in tín phiếu mệnh giá 5 đồng, có niên đại năm 1947, là hiện vật thuộc Bảo tàng TPHCM, được công nhận bảo vật quốc gia năm 2018.

Ấn Lương Tài Hầu chi ấn, có niên đại năm 1833. Hiện vật thuộc Bảo tàng TPHCM, được công nhận bảo vật quốc gia năm 2020.


Bức tranh “Thanh niên thành đồng” của họa sĩ Nguyễn Sáng được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2017.
Bên phải là tác phẩm sơn mài “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, được công nhận bảo vật quốc gia năm 2013. Đây là tác phẩm ông sáng tác trong gần 20 năm (1969-1989) với kích thước lớn 200x540cm.
Cả 2 hiện vật đều được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM và được số hóa trưng bày tại triển lãm này.