Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, người phụ nữ Việt Nam vẫn luôn là biểu tượng của cái đẹp, và dường như không có một mẫu số chung cho định nghĩa một cái đẹp. Vẻ đẹp người phụ nữ Việt của mấy mươi năm về trước rất đôn hậu và nền nã, một thiếu nữ có gương mặt mộc hài hòa, làn da trắng với mái tóc dài đen buông xõa được xem là đẹp. Đôi mắt to sáng lấp lánh, khuôn miệng nhỏ xinh lanh lợi và đôi má bầu bĩnh là nét đẹp đặc trưng của thiếu nữ đầu thế kỷ 20.
Thời xưa, quan niệm về vẻ đẹp bên ngoài cũng luôn được các bà, các cô chăm chút, bởi sức hút của người phụ nữ không chỉ dừng ở khuôn mặt thanh tú, làn da mịn, chiếc mũi cao, đôi mắt sáng, làn môi mọng…mà còn ở những đường cong thân thể, ở đôi gò bồng đào đầy đặn. Nhưng vào thời đó các chị em thường dùng những vật liệu từ thiên nhiên để làm đẹp.
Áo dài chính là trang phục truyền thống của phụ nữ thời bấy giờ. Chính vì lẽ đó mà những hình ảnh này cứ in hằn và trở thành biểu tượng đẹp cho đến tận ngày nay.
Ngày ấy, người con gái Tràng An với hàm răng nhuộm đen, với đôi guốc mộc, tà áo tứ thân kín đáo hay dải yếm đào trễ... đã trở thành những giá trị lịch sử bất biến trong dòng chảy văn hóa dân tộc. Trong bài ca dao Mười thương có đoạn: "Một thương tóc bỏ đuôi gà, Hai thương ăn nói mặn mà có duyên, Ba thương má lúm đồng tiền, Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua" như cách để nói về chuẩn mực vẻ đẹp từ hình thức đến nội tâm của phụ nữ Việt. Trong đó, răng hạt huyền chính là điểm nhấn đồng thời là nét cuốn hút không thể chối từ của phái đẹp thời xưa.
Tà áo dài theo chân người con gái gốc Gò Công bước vào kinh thành Huế và được tấn phong Nam Phương Hoàng hậu.
Kiểu tóc vấn cao cộng với bộ áo dài như càng tăng thêm vẻ quý phái cho phụ nữ ở thời kỳ này.
Theo Khỏe & Đẹp