Ngăn bệnh truyền nhiễm vào trường học

Thời điểm này, ngoài phòng chống dịch Covid-19, các trường học trong tỉnh còn thực hiện các biện pháp phòng bệnh tay chân miệng và các bệnh truyền nhiễm khác.

Học sinh Trường Tiểu học Cộng Hòa rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn trưa

Học sinh Trường Tiểu học Cộng Hòa rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn trưa

Tại Trường Tiểu học Cộng Hòa (Nam Sách), công tác vệ sinh khử khuẩn lớp học, bếp ăn tập thể, môi trường và vệ sinh cá nhân được thực hiện triệt để. Hệ thống bồn rửa tay tại khu vực nhà đa năng, bếp ăn bán trú được bố trí đầy đủ xà phòng diệt khuẩn, nước sát khuẩn tay nhanh. Cô giáo Đinh Thị Hòa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nắm bắt được tình hình dịch bệnh có những diễn biến bất thường, Ban Giám hiệu nhà trường chỉ đạo toàn bộ cán bộ, giáo viên đề cao cảnh giác, chủ động thực hiện các biện pháp phòng các bệnh truyền nhiễm mùa hè nói chung và bệnh tay chân miệng (TCM) nói riêng. Cán bộ phụ trách y tế tuyên truyền tới giáo viên chủ nhiệm các lớp thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Giáo viên hướng dẫn học sinh giữ gìn vệ sinh môi trường, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Khi phát hiện những trường hợp mắc bệnh sẽ phối hợp với Trạm Y tế xã cách ly, điều trị, xử lý môi trường tránh bệnh lây lan ra diện rộng.

Đối với bậc học mầm non thì hoạt động phòng chống bệnh TCM cùng các bệnh truyền nhiễm khác càng phải được siết chặt hơn vì đây là nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao. Ở bậc học này trẻ nhỏ chưa thể tự thực hiện các biện pháp phòng dịch cho bản thân nên phụ thuộc nhiều vào các cô giáo. Cô giáo Bùi Thị Thanh Vui, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Điền (Nam Sách) cho biết: “Nhà trường thường xuyên vệ sinh các lớp học, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Các cô dạy trẻ 6 bước rửa tay bằng xà phòng vào các thời điểm trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và khi tay bẩn. Hướng dẫn trẻ các thao tác rửa mặt, từ đó hình thành cho trẻ ý thức tự vệ sinh cá nhân. Khi tổ chức cho trẻ ăn, chúng tôi chú ý vệ sinh sạch sẽ bàn ăn, cốc chén, bát thìa... giữ khoảng cách giữa các trẻ".

Giáo viên Trường Mầm non Phú Điền còn viết các bài, biên soạn tài liệu tuyên truyền về cách phòng bệnh TCM, thủy đậu dán tại các bảng tuyên truyền và điểm đón trẻ để các bậc phụ huynh có thể quan sát, nắm được thông tin và cùng nhà trường phối hợp thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho trẻ. Trường chỉ đạo các giáo viên tăng cường giám sát từng học sinh, cùng phối hợp với phụ huynh thường xuyên theo dõi trẻ nếu có các biểu hiện mắc bệnh thì thông tin sớm với cơ quan y tế.

Cũng như các điểm trường nói trên, các cơ sở giáo dục trong tỉnh đều thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là dịch Covid-19 và TCM. Nhân viên y tế trường học tổng hợp những học sinh nghỉ vì bệnh truyền nhiễm vào sổ quản lý. Cô Nguyễn Thị Nhạn, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Dân Chủ (Tứ Kỳ) cho biết ngoài theo dõi thân nhiệt, sát khuẩn tay, thăm hỏi phụ huynh sức khỏe của trẻ, giáo viên còn sát khuẩn các đồ chơi, vật dụng sinh hoạt của trẻ hằng ngày; hạn chế tập trung nhiều trẻ...

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài thời gian giãn cách xã hội nên các dịch bệnh truyền nhiễm khác năm nay mới xuất hiện rải rác chưa gây dịch lớn. Thời điểm này năm trước, trong tỉnh xuất hiện nhiều bệnh truyền nhiễm như cúm (2.526 ca), tiêu chảy (829 ca), bệnh do Adeno virus (56 ca), thủy đậu (43 ca), TCM (12 ca)… Tuy nhiên, đang là thời điểm giao mùa, thời tiết ấm, ẩm thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn, virus, côn trùng truyền bệnh như ruồi, muỗi, chuột, gián… sinh sôi, làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh. Các trường học cần chủ động tuyên truyền cho học sinh và phụ huynh nhóm trẻ nhỏ các biện pháp phòng các bệnh lây qua đường hô hấp bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch; súc miệng, họng bằng nước muối loãng hoặc các dung dịch sát khuẩn; vệ sinh, giữ lớp học thông thoáng; thường xuyên khử khuẩn các vật dụng, đồ chơi.

ĐỨC THÀNH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/giao-duc---tuyen-sinh/ngan-benh-truyen-nhiem-vao-truong-hoc-165213