Ngăn cán bộ suy thoái đạo đức, lối sống

Việc bổ sung chức năng chống tiêu cực cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) được xác định là một trong giải pháp quan trọng trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, nhằm ngăn chặn nguy cơ suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, dẫn đến tham nhũng. Tuy nhiên, những hành vi nào được xác định là tiêu cực để Ban Chỉ đạo T.Ư tập trung phòng, chống là vấn đề cần được cụ thể hóa.

Dẫn giải ông Đinh La Thăng vào Tòa án nhân dân TP Hà Nội xét xử ngày 22/1/2021

“Tham vọng quyền lực” là hành vi tiêu cực

Đề án "Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng" để chỉ đạo phòng, chống cả tham nhũng và tiêu cực theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra tại phiên họp của Thường trực Ban Chỉ đạo (ngày 18/3/2021) đang được các cơ quan chức năng nghiên cứu, triển khai.

Từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống tiêu cực và qua tổng hợp báo cáo của các cấp ủy, tổ chức đảng, Ban Nội chính T.Ư cho biết, những biểu hiện, hành vi tiêu cực phổ biến nghiêm trọng, phức tạp trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hiện nay chủ yếu là vi phạm liên quan đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Những biểu hiện, hành vi này nếu không được quan tâm chỉ đạo phòng, chống sẽ gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, hiệu lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, làm giảm sút niềm tin của nhân dân.

Trên cơ sở đó, Ban Nội chính T.Ư và Hội đồng lý luận T.Ư nghiên cứu, đề xuất gợi mở 12 hành vi biểu hiện tiêu cực để Ban Chỉ đạo tập trung phòng, chống. Trong đó có những hành vi như, không gương mẫu thực hiện quy định về nêu gương, nói không đi đôi với làm; “tư duy nhiệm kỳ”, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý; quan liêu, xa rời quần chúng, cũng như thiếu kiểm tra, đôn đốc, thờ ơ, vô cảm; vi phạm quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm; chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, cơ hội, vụ lợi.

Cùng với đó là những vi phạm trong việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; vi phạm các quy định về quản lý tài chính, tài sản công, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên; lợi dụng, lạm dụng chức quyền hạn và sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc người dân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi… Ngoài ra, các hành vi như cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, thao túng trong công tác cán bộ; vận động, tác động, tranh thủ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm cho cá nhân một cách không lành mạnh; “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy chỗ”, “chạy luân chuyển” là những hành vi tiêu cực cũng được đề xuất tập trung phòng, chống…

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính T.Ư cho biết, thực tiễn đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) cho thấy, có những hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng về mặt bản chất có dấu hiệu tham nhũng song lại không đủ cơ sở để kết luận.

Bây giờ nếu như PCTN gắn với tiêu cực thì các hành vi tiêu cực sẽ được quy định vào các văn bản, quy định của Đảng, của pháp luật để xử lý. “Chống tham nhũng đã tạo được sự tin tưởng của người dân đối với Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, nhân dân mong muốn làm trong sạch hơn nữa đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ giữ cương vị quản lý. Vì thế cần thiết phải bổ sung chức năng phòng, chống tiêu cực dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN”, ông Học, nói.

Nên tập trung vào 27 biểu hiện suy thoái

Đồng tình với việc bổ sung chức năng phòng, chống tiêu cực cho Ban Chỉ đạo, ông Đặng Bá Cường, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Hải Phòng cho rằng, phòng chống tiêu cực có phạm vi rất rộng và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Chính vì thế, giao việc này cho một bộ, ngành trung ương thì rất khó khăn. Vì thế, việc bổ sung chức năng phòng chống tiêu cực cho Ban Chỉ đạo là rất cần thiết để có thể chỉ đạo, giải quyết căn cơ và đồng bộ.

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm UBKT T.Ư chia sẻ rằng, tiêu cực rất gắn với tham nhũng, nó có thể là nguyên nhân của tham nhũng. Vì thế chống tham nhũng và tiêu cực là rất cần thiết. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng, đã là con người thì kiểu gì cũng có tồn tại, tiêu cực nhưng tiêu cực ở mức độ nào cần phải chống thì phải nghiên cứu. Từng là Phó Trưởng Ban Nội chính T.Ư, ông Phạm Anh Tuấn cho rằng, việc giao cho Ban Nội chính T.Ư thêm chức năng chống tiêu cực là phù hợp. Tuy nhiên, ông cho rằng nên tập trung vào 27 biểu hiện suy thoái đã được nêu trong Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII và được cụ thể hóa thành 75 hành vi.

Theo nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ, tiêu cực cần xử lý là hành vi chứ không phải là tư tưởng, suy nghĩ trong mỗi con người. Đồng thời phải giới hạn, khoanh vùng những hành vi tiêu cực nào cần phải có chỉ đạo, đôn đốc xử lý, khắc phục. “Mỗi người chúng ta không phải là thánh. Ai cũng có lúc này, lúc khác, có hành vi tiêu cực và luôn hướng thiện, tự khắc phục. Cho nên ở cấp độ Ban Chỉ đạo cần nhận diện những hành vi tiêu cực phổ biến nhất, nguy hiểm nhất, gắn với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhận diện rõ thì mới chỉ đạo trúng, xử lý mới đạt”, ông Độ nói.

Phát biểu kết luận cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 18/3/2021, Tổng Bí thư nêu rõ, cần thiết nghiên cứu, đề xuất, báo cáo với Bộ Chính trị cho phép bổ sung thêm chức năng phòng, chống tiêu cực trong hoạt động của Ban Chỉ đạo. Nội hàm tiêu cực là gì, sẽ nghiên cứu kỹ, quy định thành quy chế để bảo đảm giữ gìn được phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ.

Văn Kiên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ngan-can-bo-suy-thoai-dao-duc-loi-song-post1353882.tpo