Ngăn chặn các thủ đoạn buôn lậu mới qua đường biển

Tổng cục Hải quan nhận định, từ nay đến cuối năm, nhất là thời điểm giáp Tết tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua đường biển sẽ diễn biến phức tạp hơn, bởi gần đây đã phát sinh thêm nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Lực lượng chức năng cần tăng cường phối hợp, chủ động phương án ngăn chặn hiệu quả các đối tượng buôn lậu, bảo đảm ổn định thị trường hàng hóa.

Lực lượng nghiệp vụ Hải đội 1 phát hiện, bắt giữ tàu buôn lậu than tại vùng biển Quảng Ninh.

Lực lượng nghiệp vụ Hải đội 1 phát hiện, bắt giữ tàu buôn lậu than tại vùng biển Quảng Ninh.

Diễn biến phức tạp

Tuyến đường biển do Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh quản lý có khoảng 179 hãng tàu biển đang hoạt động, mỗi năm có khoảng 10 nghìn chuyến tàu biển xuất, nhập cảnh. Trước đây, các đối tượng lập thành đường dây, tổ chức buôn lậu, vận chuyển trái phép với số lượng lớn, nhưng nay đã chuyển qua tổ chức buôn lậu nhỏ lẻ, thủ đoạn tinh vi với rất nhiều mặt hàng.

Tại khu vực Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn, gồm: Bãi tập kết công-ten-nơ, kho tập kết hàng hóa xuất, nhập khẩu, kho thu gom hàng lẻ (CFS), kho ngoại quan, tàu thuyền neo đậu và xếp dỡ hàng hóa trên sông từ ICD Phước Long đến khu vực cảng Hiệp Phước - Nhà Bè, tuyến đường vận chuyển nội bộ từ Cát Lái về Tân Cảng, từ cảng Hiệp Phước đến các cảng đích; các đối tượng lợi dụng cơ chế chính sách thông quan qua việc phân luồng tự động để buôn lậu hàng hóa có giá trị cao, xuất, nhập khẩu hàng cấm, hàng có điều kiện. Ðối tượng còn dịch chuyển hàng hóa về các địa bàn lân cận, nơi có máy móc, trang thiết bị kiểm tra chưa đầy đủ, lạc hậu, nhằm thoát sự tầm soát của cơ quan hải quan.

Phó Trưởng phòng Chống buôn lậu và giám sát hàng hóa (Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh) Nguyễn Ánh Hồng cho biết, từ khi triển khai hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS, áp dụng quản lý rủi ro, một số doanh nghiệp (DN) lợi dụng sự thông thoáng làm cho tình hình buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp, phát sinh nhiều thủ đoạn mới, nguy cơ rủi ro cao trên nhiều lĩnh vực: ma túy, sở hữu trí tuệ, hàng giả, trị giá tính thuế, thuế suất và chuyển giá, tạm nhập tái xuất... DN có thể biết trước thông tin phân luồng cho lô hàng xuất, nhập khẩu, cho nên với hàng xuất khẩu khi nhận được thông tin phân luồng xanh, luồng vàng (miễn kiểm tra thực tế hàng hóa), sẽ đưa hàng hóa không đúng khai báo để xuất khẩu. Các lô hàng nhập khẩu, DN cố tình khai báo sai, trường hợp được miễn kiểm tra thực tế hàng hóa thì DN thực hiện trót lọt; trường hợp phải kiểm tra thực tế (luồng đỏ), DN đối phó bằng cách xin sửa chữa, khai bổ sung cho phù hợp bộ chứng từ thật hay xin hủy tờ khai, sau đó khai lại tờ khai khác.

Nhiều đối tượng còn lợi dụng cơ chế thông thoáng về chính sách hàng quá cảnh, hàng tạm nhập - tái xuất. DN chỉ khai báo tên hàng đại diện khi làm thủ tục hải quan, không khai những mặt hàng khác có trong lô hàng (như hàng cấm nhập khẩu, hàng nhập khẩu có điều kiện, hàng có thuế suất cao). Ban đầu, khai tên người nhận hàng tại Việt Nam, nhưng khi phát hiện cơ quan chức năng nghi vấn kiểm tra thì DN điều chỉnh bản khai hàng hóa với người nhận hàng ở Cam-pu-chia và làm thủ tục hải quan theo loại hình hàng quá cảnh. Trong quá trình vận chuyển, DN rút hàng ra tiêu thụ tại Việt Nam, hoặc thẩm lậu ngược về Việt Nam qua đường mòn biên giới. Cách đây chưa lâu, qua phối hợp khám xét hai công-ten-nơ quá cảnh đi Cam-pu-chia, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã phát hiện hơn 863,4 kg ngà voi được giấu trong các lóng gỗ khoét rỗng ruột, được đóng kín, chèn thạch cao đặc bên trong, dán keo phủ đất bên ngoài để che giấu các mối nối...

Ở loại hình phi mậu dịch, các thủ đoạn khai báo không đúng số lượng thực tế, khai báo sai xuất xứ để gian lận về giá, tránh né nộp giấy phép; thành lập khống công ty, ghi địa chỉ sai, hoặc không có địa chỉ đúng, không có bảng hiệu, thường xuyên thay đổi trụ sở nhằm mục đích buôn lậu. Nhiều hành khách xuất, nhập cảnh, thuyền viên cũng lợi dụng sự thông thoáng để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng có giá trị cao như vàng, ngoại tệ và hàng cấm như ma túy, chất gây nghiện... Từ đầu năm 2017 đến ngày 31-8, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh bắt giữ 565 vụ buôn lậu đường biển, trị giá hàng vi phạm 93 tỷ đồng, số tiền xử phạt 17,6 tỷ đồng.

Tại tuyến đường biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh do Hải đội 1 (Cục Ðiều tra Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) phụ trách, xăng dầu là mặt hàng nhập lậu trọng điểm, tình hình luôn diễn biến phức tạp bởi hoạt động buôn lậu tổ chức chuyên nghiệp, quy mô, giá trị hàng lậu lớn.

Về phương thức, khi chở hàng lậu từ nước ngoài đến vùng biển Việt Nam, đối tượng thông báo cho chủ tàu từ bờ ra vị trí quy ước, địa điểm thường là ranh giới giữa hai nước để sang chiết và dễ tẩu thoát sang nước kia mà không bị lực lượng chức năng nước này truy đuổi. Tàu trong bờ ra biển lấy hàng, thường chuẩn bị hóa đơn, chứng từ khống để hợp thức hóa hàng lậu, đối phó khi bị kiểm tra. Lợi dụng đêm tối, đối tượng cải hoán thành tàu đánh bắt hải sản với nhiều hầm chứa, nhằm khi biển sóng gió to để sang chiết xăng dầu cho các tàu khác.

Ðối với hàng xăng dầu tạm nhập tái xuất, đối tượng lợi dụng hàng hóa sau khi hoàn thành thủ tục tái xuất và xuất ra khỏi khu vực giám sát hải quan, quá trình di chuyển, đối tượng thường xuyên thay đổi tên và số phương tiện, đường đi của phương tiện, chạy lòng vòng tránh kiểm soát, sau đó tìm cách thẩm lậu vào thị trường trong nước. Từ đầu năm 2017 đến nay, Hải đội 1 đã phát hiện, bắt giữ bảy vụ vi phạm, trị giá hàng vi phạm hơn 23 tỷ đồng, thu nộp ngân sách hơn 3,7 tỷ đồng.

Phó Ðội trưởng Hải đội 1 Vũ Ðức Lưu cho biết, tàu buôn lậu luôn sử dụng phương tiện công suất lớn, trang, thiết bị hàng hải hiện đại, trong khi các phương tiện của lực lượng hải quan nói chung tốc độ chậm, sức chịu sóng gió thấp, cho nên rất khó truy đuổi.

Xây dựng phương án đấu tranh cụ thể

Dịp cuối năm nay, tại các địa bàn trọng điểm đường biển, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trong cả nước đang gấp rút xây dựng phương án cụ thể đấu tranh ngăn chặn với từng thủ đoạn buôn lậu. Trong đó, xác định các mặt hàng cần chú ý là hàng tiêu dùng; ô-tô các loại gồm xe, phụ tùng mới và đã qua sử dụng; hàng điện tử cao cấp, ngoại tệ, tiền giả, thẻ tín dụng giả, phôi thẻ tín dụng, thiết bị in thẻ tín dụng; vàng, đá quý; gia súc, gia cầm đông lạnh kém chất lượng; mỹ phẩm, tân dược, đông dược, thuốc thú y có chất gây nghiện, hướng thần; đồ chơi nguy hiểm; vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo, chất nổ; ma túy tổng hợp; sản phẩm ngà voi, sừng tê giác, than, xăng dầu, rượu ngoại, thuốc lá điếu ngoại. Các đối tượng buôn lậu trên biển ngày càng manh động, liều lĩnh và rất hiểu biết về luồng lạch, cho nên thường hành động rất nhanh. Thậm chí, chúng lợi dụng ngay cả khi thời tiết mưa to, biển động, bão... để triển khai các hoạt động buôn lậu.

Nhiều giải pháp đã được tính đến, nhất là tăng cường trinh sát thu thập thông tin nghiệp vụ về các DN xuất, nhập khẩu, đối tượng buôn lậu nổi cộm, các đường dây, ổ nhóm, phát hiện các đối tượng mới phát sinh tại địa bàn để bổ sung vào danh sách trọng điểm. Xây dựng mạng lưới cộng tác viên, cơ sở bí mật, phối hợp tốt các lực lượng chức năng trên địa bàn. Tiếp tục đấu tranh mạnh với hiện tượng giả mạo hồ sơ, chứng từ để làm thủ tục hải quan; giả hồ sơ chứng từ để đưa hàng ra khỏi khu vực giám sát hải quan. Ngăn chặn kịp thời hàng hóa chuyển khẩu, chuyển cảng, quá cảnh không có giấy phép; sai khai báo, chú trọng kiểm tra sau thông quan đối với các DN trọng điểm, mặt hàng trọng điểm.

Ðồng chí Nguyễn Ánh Hồng cho biết, với loại hình hàng hóa tạm nhập - tái xuất, hàng quá cảnh, chúng tôi đã xây dựng những chuyên đề, kế hoạch chống buôn lậu và gian lận thương mại cụ thể và phù hợp tình hình vi phạm phát sinh hiện nay. Phối hợp kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi đánh tháo hàng, thẩm lậu hàng quá cảnh vào thị trường trong nước trên đường vận chuyển. Ðể đấu tranh hiệu quả hơn thì cần hoàn thiện các chính sách, quy định quản lý chặt chẽ đối với loại hình vận chuyển này.

Tàu buôn lậu thường sử dụng thủ đoạn hành trình đi qua nhiều vùng biển của các tỉnh, sau đó mới xuất hoặc nhập lậu hàng. Nhưng các tàu của ngành hải quan phần lớn cũ, tốc độ chậm, công suất nhỏ, với điều kiện thời tiết, khí hậu thuận lợi cũng không đủ tiêu chuẩn tuần tra, giám sát dài ngày mà chỉ hoạt động khu vực ven bờ. Những khó khăn này ảnh hưởng lớn đến công tác theo dõi, giám sát, truy bắt các tàu buôn lậu. Ðối với ngành hải quan, trang bị phương tiện, thiết bị đủ tiêu chuẩn là điều kiện rất quan trọng để công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu hiệu quả hơn.

Bài và ảnh: MẠNH DƯƠNG, KHÁNH AN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/thoi-su-phap-luat/item/34222002-ngan-chan-cac-thu-doan-buon-lau-moi-qua-duong-bien.html