Ngăn chặn chiêu trò của những kẻ núp bóng 'tự ứng cử' để phá hoại bầu cử

Tự ứng cử là một trong những yếu tố thể hiện sự đảm bảo dân chủ trong hoạt động bầu cử. Đó cũng là phương thức giúp lựa chọn những người hội tụ đủ phẩm chất, tiêu chuẩn để trở thành đại biểu của dân và đóng góp cho đất nước. Tuy nhiên, với các thế lực chống phá, tự ứng cử là chiêu trò mà chúng thường lợi dụng để phá hoại bầu cử.

Cử tri luôn sáng suốt ngăn chặn những kẻ lợi dụng quyền ứng cử để chống phá

Cử tri luôn sáng suốt ngăn chặn những kẻ lợi dụng quyền ứng cử để chống phá

Bộ mặt thật của những kẻ núp bóng “tự ứng cử”

Núp bóng cái gọi là “tự ứng cử” để chống phá không phải là thủ đoạn mới với những đối tượng phản động, cơ hội chính trị. Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, chúng ta đã từng chứng kiến “làn sóng” tự ứng cử của những người tự xưng là các “nhà dân chủ”. Khi không đủ điều kiện và bị loại qua các vòng hiệp thương, các đối tượng này lên mạng xã hội rêu rao những luận điệu hết sức sai trái, như: chỉ có những người “theo phe” Đảng Cộng sản mới có cơ hội ứng cử đại biểu Quốc hội; Đảng Cộng sản cố tình “cản trở” người ngoài Đảng tự ứng cử vào đại biểu Quốc hội; phải để các ứng cử viên tự do tranh cử, dựa trên chữ ký của cử tri mà không cần phải trải qua hiệp thương…

Đến cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, trong khi cả hệ thống chính trị đang làm tốt công tác chuẩn bị, thì các thế lực này cũng tích cực đẩy mạnh hoạt động chống phá. Lợi dụng quyền tự do, dân chủ trong bầu cử, một số người nhân danh “nhà dân chủ”, “đấu tranh cho dân chủ” đã tuyên bố tự ứng cử. Vẫn bằng các thủ đoạn cũ như hô hào phát động các chiến dịch truyền thông trên Internet, kêu gọi ký tên ảo, bỏ phiếu online…, họ tung hô, ủng hộ cho các đối tượng lợi dụng tự do dân chủ, chống phá Nhà nước; xuyên tạc, vu cáo chính quyền phân biệt đối xử với những người tự ứng cử; tổ chức bầu cử không dân chủ, thiếu minh bạch…

Có thể thấy mục đích cơ bản nhất của chiêu trò “tự ứng cử” mà các thế lực chống đối và những người tự xưng là các “nhà dân chủ” thực hiện là nhằm phá hoại bầu cử. Họ hy vọng hão huyền rằng nếu trúng cử sẽ biến Quốc hội, HĐND trở thành diễn đàn cho họ thực hiện các hoạt động chống phá Đảng, chống phá Nhà nước, gây rối hoạt động của cơ quan dân cử nói riêng và của Nhà nước nói chung, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” ngay trong cơ quan dân cử.

Khi không thực hiện được mục tiêu của mình, họ lập tức quay ra bịa đặt, xuyên tạc, tung ra nhiều luận điệu sai trái để bôi bẩn hoạt động bầu cử ở Việt Nam, như: “Đảng, Nhà nước gây khó dễ cho những người tham gia ứng cử”, “Cuộc bầu cử Quốc hội do Đảng Cộng sản lãnh đạo không thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân”, “Bầu cử tại Việt Nam không có tự do, dân chủ”, “Bầu cử không có nghĩa lý gì”… Những thông tin được các đối tượng xấu đưa ra sẽ trở thành cái cớ cho các thế lực thù địch bên ngoài xuyên tạc, nói xấu Việt Nam.

Từ đây, các lực lượng này chuyển sang giai đoạn hai trong chiến dịch chống phá bầu cử là tẩy chay bầu cử. Họ bắt đầu tung ra những luận điệu đòi phải thay đổi những quy định mà họ chỉ trích là “khắt khe” về đề cử, ứng cử, lập danh sách ứng viên; yêu cầu bãi bỏ việc hiệp thương, xóa bỏ quan điểm “Đảng cử dân bầu”. Phương cách hoạt động như trên của các lực lượng chống đối mang tính quy luật, được tái diễn qua nhiều kỳ bầu cử, với chủ đích chống phá rõ ràng. Vì thế, chúng ta cần nhận diện rõ âm mưu này để lên án và ngăn chặn.

Bức tường ngăn chặn mưu đồ nguy hiểm của những kẻ chống phá

Pháp luật Việt Nam quy định công dân đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp. Quyền ứng cử là quyền được hiến định, không ai có quyền cản trở việc công dân thực hiện quyền này. Với mỗi kỳ bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, ngoài đại biểu được cơ quan, đoàn thể giới thiệu ứng cử thì công dân có quyền tự ứng cử đại biểu quốc hội nếu đáp ứng đủ các điều kiện.

Thực tế đã có nhiều người tự ứng cử được cử tri nơi cư trú tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Trong cuộc bầu cử Quốc hội sẽ diễn ra vào ngày 23-5-2021, theo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong tổng số 1.084 người ứng cử, có 76 người tự ứng cử. Danh sách cụ thể những người tự ứng cử đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và danh sách những người tự ứng cử được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các nhiệm kỳ đều có thể tìm thấy trên mạng internet.

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Chính vì vậy, những người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp phải là những người xứng đáng nhất, hết lòng vì nước vì dân. Chúng ta không thể để những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, những kẻ chống phá tham gia ứng cử vào những cơ quan quan trọng này.

Tất nhiên, những phần tử chống đối, phá hoại bầu cử biết rất rõ mình không thể đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định, đặc biệt là các tiêu chuẩn trung thành với Hiến pháp; gương mẫu chấp hành pháp luật. Đơn cử như những hành vi chống phá Đảng, không công nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chống phá Nhà nước mà họ thực hiện đã thể hiện rất rõ họ không trung thành với Hiến pháp và không chấp hành pháp luật.

Chính vì thế, hội nghị lấy ý kiến cử tri là nơi mà bộ mặt thật của những đối tượng này được vạch rõ nhất. Theo quy định, cử tri nơi cư trú hoặc cử tri nơi công tác sẽ nhận xét người ứng cử có đủ tiêu chuẩn ứng cử hay không và trực tiếp biểu quyết nhất trí hay không nhất trí để người đó ứng cử đại biểu Quốc hội/đại biểu HĐND. Kết quả hội nghị cử tri là một trong những căn cứ quan trọng để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiệp thương và quyết định điền tên người ứng cử vào danh sách người đủ tiêu chuẩn ứng cử. Đây là quy trình rất chặt chẽ nhằm sàng lọc và loại bỏ những người ứng cử không đủ tiêu chuẩn trước khi bầu cử.

Hơn ai hết, chính cử tri nơi những đối tượng chống phá này cư trú/công tác là những người hiểu rõ nhất về những người ứng cử đó, đặc biệt là về tư cách đạo đức, việc chấp hành pháp luật. Thực tế những kẻ đội lốt người “tự ứng cử” để chống phá Đảng, chống phá Nhà nước, phá hoại bầu cử thường rất tự tin trưng ra những bản tập hợp chữ ký ảo trên mạng để giới thiệu ứng cử, nhưng đứng trước cử tri thật ở nơi cư trú/công tác thì lại tỏ ra run sợ.

Cử tri luôn là những người sáng suốt, họ sẽ không bao giờ cho phép những kẻ chống phá, những đối tượng cơ hội chính trị có thể thực hiện mưu đồ thiếu tử tế của mình.

Hoàng Sơn

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ngan-chan-chieu-tro-cua-nhung-ke-nup-bong-tu-ung-cu-de-pha-hoai-bau-cu-post463515.antd