Ngăn chặn cho được sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống
Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, về đạo đức và lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Chính sự suy thoái này đã ảnh hưởng rất lớn tới niềm tin của nhân dân vào các đảng viên và các tổ chức của Đảng.
Đây là vấn đề được đặt ra tại Hội thảo khoa học quốc gia “Những vấn đề lý luận và thực tiễn công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong giai đoạn mới”, do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Ninh Bình tổ chức hôm qua (13/10).
Phải xác định được giải pháp thực sự hiệu quả
Hội thảo là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, cơ quan tham mưu giúp việc của Đảng trao đổi, thảo luận xác định rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức. Các tham luận đã tập trung đánh giá thực trạng công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức qua 40 năm thực hiện đường lối đổi mới; làm rõ những kết quả nổi bật; chỉ ra những hạn chế, yếu kém, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, những cách làm hay, sáng tạo trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong thời gian tới.
Theo GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn, nguyên Viện trưởng Viện Triết học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức là những nhiệm vụ trọng đại, gắn bó chặt chẽ với nhau, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Thực hiện thật tốt ba mặt này sẽ góp phần đắc lực vào việc củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; góp phần đắc lực vào việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc.
Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là sự suy thoái về chính trị, về tư tưởng, về đạo đức và lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Chính sự suy thoái về ba mặt này đã ảnh hưởng rất lớn tới niềm tin của nhân dân vào các đảng viên và các tổ chức của Đảng; tác động xấu đến tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, nhiệm vụ cấp bách trong bối cảnh hiện nay là phải xác định được quan điểm và các giải pháp thực sự hiệu quả trong việc xây dựng Đảng về chính trị, về tư tưởng và về đạo đức, nhằm khôi phục lại niềm tin của nhân dân để tăng cường sức mạnh của Đảng và đưa đất nước tiếp tục đi lên. Trong điều kiện đất nước hiện nay, đó là tinh thần, là trách nhiệm tiết kiệm, kiên quyết chống nạn lợi dụng chức quyền để nhận hối lộ, tham nhũng, lãng phí; là xây dựng mối quan hệ hài hòa của đảng viên với tập thể, với cộng đồng dân cư và toàn xã hội...
Cho rằng vấn đề chính trị, tư tưởng, đạo đức là ba bộ phận hợp thành để làm nên vị thế, sức mạnh và uy tín của Đảng ta, TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đánh giá, trong thời điểm hiện nay khi chúng ta xử lý một loạt những vụ đại án lớn, vấn đề đạo đức đặt ra một cách hết sức cấp bách. Do đó, nếu sự suy thoái về đạo đức không được ngăn chặn, thì dứt khoát sẽ sai lệch về mặt chính trị; từ sự suy thoái về đạo đức, không ai không nhìn thấy sự suy thoái về tư tưởng và nhìn vĩ mô, thì không ai không lo ngại sự suy thoái về chính trị. Một con người không có đạo đức thì không lãnh đạo được ai cả.
Nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên
Phát biểu kết luận Hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận, đánh giá cao các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học đã cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn, tạo sự thống nhất nhận thức về khái niệm, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức. Qua các tham luận và ý kiến phát biểu, nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức đã được làm rõ, thống nhất.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị, thời gian tới, cần tăng cường xây dựng Đảng về chính trị với tinh thần kiên định; không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn cách mạng. Đồng thời, coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác tư tưởng; tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, thực hiện thường xuyên, sâu rộng, có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Ban Tổ chức cần nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, toàn diện, khách quan các ý kiến, tham luận của các đại biểu, nhà khoa học... để làm căn cứ trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư có những chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo trong giai đoạn mới cũng như tham gia xây dựng nội dung Văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng.