Ngăn chặn dịch bệnh tấn công bệnh viện
Đợt dịch thứ 4 đã lan tới 40 tỉnh, thành khiến hàng chục thành lũy chống dịch là các bệnh viện, cơ sở y tế phải phong tỏa, cách ly do phát hiện các chùm ca bệnh Covid-19
Làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 đã và đang gây ảnh hưởng nặng nề với những cơ sở y tế, trong đó có các bệnh viện tuyến cuối - nơi đang tiếp nhận, điều trị bệnh nhân với nhiều trường hợp nặng, nguy kịch. Đây là lời cảnh báo về việc cần có những giải pháp cấp bách để bảo vệ cơ sở y tế trong phòng chống dịch bệnh.
Dịch tấn công "thành lũy cuối cùng"
Tại Hà Nội, ngày 5-5, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 3 đã phải cách ly y tế sau khi phát hiện chùm ca bệnh là bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế mắc Covid-19. Cách đây 5 ngày, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 3 đã kết thúc thời gian cách ly y tế sau hơn 1 tháng thực hiện.
Hôm 7-5, đến lượt Bệnh viện K trung ương phải phong tỏa 3 cơ sở sau khi phát hiện tới 10 ca dương tính với SARS-CoV-2. Việc dịch Covid-19 xâm nhập Bệnh viện K trung ương đã khiến nhiều người lo lắng vì nơi đây có hàng ngàn bệnh nhân ung thư, đối tượng có nguy cơ cao bị bệnh nặng nếu như mắc thêm Covid-19. Ngay sau đó, TP Hà Nội và Bệnh viện K trung ương đã tổ chức các chốt phong tỏa, thực hiện quy định "nội bất xuất, ngoại bất nhập".
Trong khi Hà Nội đã tạm lắng thì những ngày qua, tại TP HCM liên tiếp ghi nhận nhiều trường hợp nhân viên y tế mắc Covid-19.
Mới nhất, chiều 13-6, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM) xác nhận có 2 nhân viên y tế dương tính với SARS-CoV-2, đều làm tại Khoa Vi sinh. Hai trường hợp này được phát hiện sau khi bệnh viện xét nghiệm nhân viên y tế liên quan đến chùm ca mắc Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM.
Cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) công bố thông tin: Qua xét nghiệm RT-PCR cho 887 nhân viên đang làm việc tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, đã xác định được chùm ca Covid-19 lên tới 53 người, đều là nhân viên làm việc ở khu vực hành chính. Hiện tại, bệnh viện này điều trị cho 88 trường hợp không phải bệnh nhân Covid-19 và 94 bệnh nhân Covid-19. Riêng 53 nhân viên y tế vừa mắc bệnh, sức khỏe ổn định, trong đó 52 người không có triệu chứng. Bệnh viện đã tạm phong tỏa để truy vết, khử khuẩn.
Ngay trong sáng 13-6, PGS-TS-BS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, đã dẫn đầu đoàn kiểm tra trực tiếp đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM. Ông Sơn đề nghị bệnh viện nâng cao công tác phòng chống dịch; đồng thời phối hợp với HCDC mở rộng truy vết, xử lý các trường hợp F1, F2... nhằm cắt đứt chuỗi lây sớm nhất.
Trong khi đó, bác sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Y khoa Medic - Hòa Hảo, cho biết ngày 13-6, Viện Pasteur TP HCM thông báo kết quả xét nghiệm của 2 bệnh nhân đến trung tâm này khám bệnh hôm 12-6 dương tính với SARS-CoV-2. Do đó, trung tâm tạm ngưng nhận bệnh nhân từ ngày 14-6 để khử khuẩn khu vực khám sàng lọc và các khu vực liên quan. Trước đó, từ ngày 20-5, trung tâm này phải tạm phong tỏa vì có ca nhiễm liên quan chùm bệnh hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 đến khám.
Trước đó, trưa 11-6, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) công bố một nhân viên bảo mẫu Khoa Sơ sinh mắc Covid-19 sau khi tiếp xúc với người chị mắc bệnh. Bệnh viện đã nhanh chóng kích hoạt quy trình xử lý khi có ca nghi nhiễm, cách ly toàn bộ khu chuyên sâu sơ sinh...
Thắt chặt quy định phòng dịch
Nhận định về việc dịch Covid-19 tấn công các cơ sở y tế, nhiều chuyên gia cho rằng cần kiểm soát và củng cố "thành lũy cuối cùng" này. Bởi lẽ, nếu hệ thống bệnh viện suy yếu, thảm họa y tế vẫn có thể xảy ra, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã ghi nhận chủng SARS-CoV-2 của Ấn Độ có tốc độ lây lan nhanh.
Bộ Y tế cũng nhiều lần nhắc nhở các cơ sở y tế về việc tập trung ưu tiên giữ vững "thành lũy" chống dịch là các bệnh viện, cơ sở y tế. Mỗi bệnh viện phải có phương án sẵn sàng và quy trình tiếp nhận an toàn đối với người bệnh có biểu hiện nghi mắc Covid-19, cũng như quy trình vận chuyển, chăm sóc người bệnh có biểu hiện dương tính với SARS-CoV-2...
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, khuyến cáo cả nước có hàng ngàn bệnh viện và dù có nhiều nỗ lực nhưng nguy cơ lây nhiễm chéo vẫn có thể xảy ra. Điều này đặt ra nhiệm vụ tối quan trọng cho các bệnh viện là phải tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn.
"Với dịch Covid-19, chỉ cần lơ là một chút, bỏ qua khâu phòng hộ một chút... là có thể xảy ra nhiễm chéo giữa bệnh nhân với bệnh nhân, giữa bệnh nhân với nhân viên y tế, bệnh nhân với người nhà. Do đó, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện lúc nào cũng phải "lên dây cót" cho công tác phòng dịch trong bệnh viện, không thể để tình trạng đúng lúc bệnh nhân cần, dịch bệnh bùng phát thì các bác sĩ, các bệnh viện bị "khóa" - ông Khuê lưu ý.
Ngày 13-6: Thêm 297 ca mắc, số ca nhiễm ở TP HCM tăng nhanh
Bộ Y tế cho biết trong ngày 13-6, nước ta ghi nhận thêm 297 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc đến nay lên 10.538 trường hợp, trong đó 8.902 ca ghi nhận trong nước và 1.636 ca nhập cảnh. Trong 297 ca mắc mới (gồm 254 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa), có 4 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh; 293 ca ghi nhận trong nước. Bắc Giang tiếp tục là địa phương có nhiều ca mắc nhất, với 129 người; kế đến TP HCM 95 ca, Bắc Ninh 54 ca, Hà Tĩnh 9 ca...
Trong ngày, Việt Nam ghi nhận thêm một bệnh nhân mắc Covid-19 (nam, 76 tuổi, ở Bắc Ninh; có tiền sử viêm đa khớp) tử vong. Đây là bệnh nhân tử vong thứ 24 trong đợt dịch thứ 4, thứ 59 tính từ khi dịch xâm nhập Việt Nam đến nay.
Theo HCDC, trong số 95 trường hợp mắc Covid-19 của TP HCM như công bố ở trên, có 2 trường hợp liên quan điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng (đã được cách ly trước đó); 31 trường hợp là tiếp xúc gần của những bệnh nhân đã được công bố; 58 trường hợp từ chùm ca bệnh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP (gồm 53 nhân viên y tế và 5 trường hợp liên quan); 4 trường hợp mới được phát hiện qua sàng lọc đang được điều tra dịch tễ. Tính đến nay, TP HCM có 1.124 bệnh nhân Covid-19.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/ngan-chan-dich-benh-tan-cong-benh-vien-20210613231342121.htm