Ngăn chặn dịch chồng dịch trên địa bàn TPHCM
Sáng 27-7, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TPHCM có buổi khảo sát về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết với Sở Y tế TPHCM. Nhiều khó khăn, bất cập trong công tác phòng chống dịch được các đại biểu đưa ra thảo luận để tìm giải pháp ngăn chặn dịch chồng dịch trên địa bàn thành phố.
TPHCM phát hiện trên 100 ổ dịch/tuần
Tại buổi khảo sát, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết, lũy tính hết ngày 26-7, thành phố ghi nhận 16 ca tử vong do sốt xuất huyết (SXH), tăng 13 ca so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, huyện Củ Chi là địa phương có số ca tử vong nhiều nhất với 4 trường hợp; quận Bình Tân và huyện Bình Chánh, mỗi địa phương có 2 ca. Các quận 6, 7, 8, 11, 12, Gò Vấp, huyện Hóc Môn và TP Thủ Đức có 1 ca. Bên cạnh số ca tử vong, tổng số ca mắc SXH trên địa bàn thành cũng tăng nhanh. Đến ngày 27-7, TPHCM có trên 32.000 ca mắc SXH tích lũy, tăng 293% so với cùng kỳ 2021 và tăng 122, 7% so với giai đoạn 2016-2020.
Từ số liệu trên, Sở Y tế TPHCM nhận định, năm 2020 số ca mắc SXH theo tuần tăng sớm hơn so với cùng kỳ năm 2021 và trung bình 5 năm (2016-2020). Số ca bắt đầu tăng liên tục từ tuần 13 đến nay, trong đó, 502 ca nặng (chiếm 1,57% trong tổng số ca mắc, cao hơn nhiều so với cùng kỳ những năm trước. Số ổ dịch tích lũy hơn 1.800 ổ.
Đáng quan ngại, từ tuần 21 đến nay, thành phố phát hiện trên 100 ổ dịch/tuần. Các quận, huyện có nhiều ổ dịch nhất gồm: quận 12, Tân Phú và huyện Củ Chi, Hóc Môn. Có 6 quận, huyện số ca mắc trên 100.000 dân cao nhất thành phố là quận 12, Bình Tân, Tân Phú, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi. Huyện Cần Giờ có số ca tuyệt đối ít nhất TPHCM, nhưng tính trên 100.000 dân rất cao, đứng thứ 7/22 quận, huyện.
“Đối với các ca tử vong do SXH, sở đã thành lập hội đồng chuyên môn họp rút kinh nghiệm từng trường hợp cụ thể. Sở đã họp các chuyên gia nhằm xây dựng phác đồ điều trị SXH trên thai phụ, có kế hoạch kiểm tra công tác chẩn đoán và điều trị SXH ở các cơ sở khám chữa bệnh công lập, ngoài công lập, đặc biệt là các phòng khám tư nhân”, ông Nguyễn Hữu Hưng nói rồi nhấn mạnh: “Để chủ động trong công các thu dung, điều trị SXH, ngành y tế thành phố đã xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác thu dung, điều trị SXH trên địa bàn theo 3 kịch bản: dưới 2.000 ca, từ 2.000-4.000 ca và từ 4.000-6.000 ca đang điều trị tại cơ sở y tế nhằm chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực tiếp nhận, chăm sóc điều trị, giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong so SXH.
Căn cứ theo kịch bản trên, TPHCM đang ở tình huống 2 (mỗi ngày có 2.000-4.000 ca mắc và từ 300-600 ca SXH nhập viện). Sở cũng đề nghị các bệnh viện được phân công sẵn sàng giường bệnh, nhân sự, thuốc, dịch truyền… để tiếp nhận, điều trị người bệnh…
Thách thức lớn
Qua khảo sát, kiểm tra thực tế tại cơ sở, đại biểu Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND TPHCM có cùng nhận định khi ghi nhận tới 20% hộ dân vẫn còn lăng quăng trong nhà, tỷ lệ có lăng quăng ở các địa điểm người quản lý và địa điểm không có người quản lý trực tiếp xấp xỉ 50%. Điều này cho thấy một bộ phận người dân và cả các cơ quan tổ chức vẫn chưa quan tâm đúng mức dịch SXH. “Việc xử lý lăng quăng chưa triệt để, trong khi đây là biện pháp quan trọng nhất để kìm hãm sự gia tăng của dịch bệnh, thực sự là bài toán khó khăn, thách thức lớn đối với công tác phòng chống dịch SXH”, đại biểu Phạm Đăng Khoa nói.
Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hữu Hưng kể, cách đây không lâu, khi ông cùng đoàn công tác đi kiểm tra công phòng chống dịch trên địa bàn quận Bình Tân đã bị bảo vệ một công trình xây dựng nhà ở dùng những ngôn từ không chấp nhận được, xua đuổi ông và các thành viên ra khỏi công trình, dù trước đó lãnh đạo địa phương đã liên hệ với chủ công trình và nhận được sự đồng ý của họ.
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội, HĐND TPHCM cho biết, việc này là không thể chấp nhận được. Ban sẽ tham mưu cho HĐND TPHCM để có văn bản đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo sở Xây dựng, Thanh tra xây dựng và các địa phương phối hợp cùng ngành y tế tổ chức đoàn kiểm tra nghiêm các khu đất qui hoạch bỏ hoang; công trình xây dựng… về công tác phòng chống dịch SXH. Đồng thời đề xuất địa phương xử phạt nghiêm nếu vi phạm hành chính về phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, để dịch không chồng dịch, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội, HĐND TPHCM đề xuất ngành y tế phải có thông tin phản hồi liên tục gửi tới các Thành ủy viên được Thành ủy, UBND TPHCM phân công phụ trách địa bàn để tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng chồng dịch; Rà soát lại các qui định pháp luật còn lúng túng hoặc chưa sát tình hình thực tế địa phương để tham mưu cho HĐND TPHCM ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ lực lượng cơ sở phòng chống dịch… có như vậy mới huy động được sức dân vào phòng chống dịch, còn nếu để một mình ngành y tế làm sẽ dẫn đến việc người dân thụ động, ỷ lại.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//ngan-chan-dich-chong-dich-tren-dia-ban-tphcm-830244.html