Ngăn chặn dịch cúm gia cầm bùng phát

Từ đầu cuối tháng 12 -2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện 2 ổ dịch cúm gia cầm, nguy cơ lây lan, bùng phát bệnh là rất cao. Không để xảy ra hiện tượng 'dịch chồng dịch' trong thời điểm dịch Covid-19 lan rộng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thành phố thực hiện quyết liệt các biện pháp ngăn chặn, phòng, chống dịch cúm gia cầm.

Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, sau ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, một số hộ đã chuyển sang chăn nuôi gia cầm nên đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh tăng hơn so với những năm trước. Tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh hiện có trên 6 triệu con, tăng gần 1 triệu con so với cùng kỳ năm 2019.

Ông Vũ Thanh Nhất, thôn 6, xã Thái Bình (Yên Sơn) sau khi bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi đã chuyển sang nuôi gà thịt với quy mô 500 con/lứa. Theo ông Nhất, nuôi gà thịt chu kỳ nuôi ngắn, chuồng trại không phải đầu tư quá nhiều trong thời điểm nuôi lợn nhiều rủi ro, ông xoay sang nuôi gà để bảo đảm thu nhập.

Cũng từ lúc dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, chị Nguyễn Thị Nga, thôn Đồng Chùa 2, xã Bình Xa (Hàm Yên) cũng chuyển hướng sang nuôi gà. Để đảm bảo an toàn cho đàn gà 300 con gà/lứa, gia đình chị Nga luôn tuân thủ hướng dẫn của thú y cơ sở trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Chị Nga cho biết, mỗi tuần 2 lần chị phun khử trùng, rắc vôi bột vào chuồng trại, hạn chế người lạ vào khu vực chăn nuôi.

Người dân thôn Ngòi Khang, xã Minh Dân (Hàm Yên) phun thuốc khử trùng xung quanh khu vực chuồng trại chăn nuôi.

Ông Nguyễn Văn Công, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, trên thực tế, dịch cúm gia cầm đã từng xảy ra và đã gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi của tỉnh. Bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài khác nhau như gà, vịt, ngan... Hiện nay, bệnh dịch cúm gia cầm TypeA/H5N1 và H5N6 đang diễn biến rất phức tạp. Tình trạng tăng đàn gia cầm, trong khi một số hộ chưa có nhiều kinh nghiệm trong phòng, chống dịch cũng là một trong những nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm.

Ngăn chặn dịch cúm gia cầm bùng phát, kiên quyết không để xảy ra hiện tượng “dịch chồng dịch” trong bối cảnh bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, tập trung hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nhất là vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, nơi chăn thả gia cầm tập trung; khi tái nhập đàn con giống được mua tại những cơ sở có uy tín, rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo ông Nguyễn Văn Công, ngoài các biện pháp nêu trên, người chăn nuôi cần thực hiện đúng quy trình, lịch tiêm vắc xin, đây là biện pháp hữu hiệu nhất, tạo hệ miễn dịch chủ động cho đàn vật nuôi. Người chăn nuôi cũng thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, khi phát hiện có gia cầm ốm chết không rõ nguyên nhân phải báo ngay với thú y cơ sở để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm; tuyệt đối không giấu dịch, không bán chạy, bán tháo gia cầm.

Hỗ trợ người dân phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là đối với dịch cúm gia cầm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã thực hiện cấp phát 5.000 lít thuốc khử trùng, đồng thời tổ chức tiêm phòng vụ xuân hè 2020 đợt 1 cho đàn vật nuôi. Người chăn nuôi cần chủ động liên hệ với nhân viên thú y xã, phường, thị trấn để được hướng dẫn và tổ chức tiêm phòng, đặc biệt là tiêm vắc xin phòng chống cúm cho đàn gia cầm, thủy cầm.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/ngan-chan-dich-cum-gia-cam-bung-phat-130927.html