Ngăn chặn đường nhập lậu
Bài 1: Ðường lậu 'tìm lối' vượt biênDo có giá rẻ hơn nhiều so với giá đường trong nước, đường nhập lậu vẫn tràn vào Việt Nam với nhiều chiêu thức và thủ đoạn tinh vi.
Bài 1: Ðường lậu "tìm lối" vượt biên
Do có giá rẻ hơn nhiều so với giá đường trong nước, đường nhập lậu vẫn tràn vào Việt Nam với nhiều chiêu thức và thủ đoạn tinh vi.
Dù các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nhiều vụ việc, triệt phá nhiều đường dây buôn lậu đường cát nhưng đến nay, tình hình buôn lậu mặt hàng này qua biên giới vẫn diễn biến rất phức tạp. Ðường nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu xuất phát từ Thái-lan, qua Lào và Cam-pu-chia, vào nước ta qua biên giới các tỉnh phía tây nam và miền trung.
Nỗ lực ngăn đường lậu
Theo thống kê, năm 2020, cơ quan chức năng tỉnh Long An phát hiện và bắt giữ khoảng 38 tấn đường cát nhập lậu. Năm 2020, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) tỉnh Tây Ninh bắt giữ ba vụ với 500 kg đường nhập lậu. Ngoài ra, BÐBP tỉnh Tây Ninh còn phối hợp các cơ quan chức năng bắt giữ hai vụ buôn lậu đường với 2,2 tấn đường cát… Còn tại Bình Phước, ông Vũ Sao Sáng, Cục trưởng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh cho biết: "Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và của tỉnh Bình Phước, chúng tôi chỉ đạo các đội QLTT tăng cường tuần tra, kiểm soát, nắm tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, kịp thời phát hiện, đấu tranh, bắt giữ và xử lý nhiều vụ buôn lậu đường cát. Trong quý I-2021, chúng tôi đã bắt giữ và xử lý một vụ vận chuyển ba tấn đường cát". Cụ thể, ngày 18-1, Ðội QLTT số 5 đã khám ô-tô tải BKS 51A-385.53 tại khu vực ấp 5, xã Thiện Hưng, huyện Bù Ðốp, tỉnh Bình Phước. Thời điểm kiểm tra, trên ô-tô tải có chở 320 bao đường cát (loại 50 kg/bao), tổng trọng lượng 16 tấn. Qua quá trình làm việc xác định nguồn gốc số đường trên, Ðội QLTT số 5 đã xác định ông Tống Văn Thành kinh doanh ba tấn đường cát nhập lậu. Cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt 30 triệu đồng, tịch thu ba tấn đường cát.
Mới đây nhất, ngày 15-5, Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp Cục QLTT thành phố phát hiện gần 150 tấn đường không rõ nguồn gốc nằm trong các bãi xe trên địa bàn. Cụ thể, Ðội 7 Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố phối hợp Ðội 3, Cục QLTT phát hiện một xe tải đang đỗ trong bãi trên đường Nguyễn Thị Sóc, huyện Hóc Môn chở hơn 40 tấn đường nghi nhập lậu. Cùng thời điểm trên, đoàn liên ngành kiểm tra xe công-ten-nơ ở đường số 48 và một xe tải khác tại bãi xe 39, quốc lộ 1, quận Bình Tân, phát hiện thêm 100 tấn đường cùng loại. Tổng cộng hai lô hàng trên ước tính gần 150 tấn đều là đường nhập lậu không rõ nguồn gốc. Các lái xe khai nhận chở hàng từ Bình Dương, Ðồng Nai, sau đó tập kết bãi xe TP Hồ Chí Minh sẽ có người đến nhận, nhưng không xuất trình được nguồn gốc. Vụ việc đang tiếp tục được điều tra làm rõ.
Ðường cát nhập lậu, nếu lọt qua cửa khẩu sẽ được đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố, trong đó chủ yếu về là TP Hồ Chí Minh. Năm 2020, Cục QLTT thành phố Hồ Chí Minh phát hiện 13 vụ vi phạm, tịch thu hơn 15 tấn đường cát các loại. Lực lượng chức năng phải tiêu hủy hơn chín tấn đường cát các loại. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ... Cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính tổng cộng hơn 385,7 triệu đồng.
Nhiều chiêu thức "lách" luật
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, do tăng cường lực lượng siết chặt kiểm soát các cửa khẩu để phòng, chống dịch Covid-19, tình hình buôn lậu đường cát qua biên giới có giảm hơn so với thời điểm trước. Nhưng thực tế, đường lậu vẫn vào Việt Nam bằng nhiều cách thức khác nhau. Ðại diện Cục QLTT thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Tình hình buôn lậu đường ngày càng tinh vi. Các đối tượng buôn lậu thường vận chuyển hàng hóa vào ban đêm, ngụy trang bằng các xe tải chở phế liệu và tập kết vào các kho hàng gần cửa ngõ ra vào thành phố. Bên cạnh đó, các đối tượng dùng thủ đoạn tham gia đấu giá đường từ những đợt thanh lý hàng buôn lậu, sau đó sử dụng hồ sơ đó quay vòng cả năm cho các lô đường nhập lậu khác. Các đối tượng này sẵn sàng đưa giá rất cao để không ai có thể cạnh tranh được.
Ngoài ra các đối tượng buôn lậu còn dùng thủ đoạn đưa bao bì in trong nước, đem sang bao ở nước ngoài (thường là Cam-pu-chia). Ðường nhập lậu khi có nhãn mác Việt Nam, nếu không bắt được quả tang vận chuyển qua biên giới, đến khi đã đưa vào kho rồi thì rất khó chứng minh có phải đường lậu hay không. Vì vậy, các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát đường lậu. Ông Vũ Sao Sáng cho biết thêm: Hiện nay, các đối tượng dùng thủ đoạn, thường xé lẻ và trà trộn hàng thật hàng giả, ngụy trang giấu trong hàng hóa khác để qua mặt các cơ quan chức năng, thời gian hoạt động vào ban đêm, giờ nghỉ; vận chuyển trên các chuyến xe khách, xe tải hàng hóa từ các tỉnh khác đến...
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tháng 3-2021, tình hình nhập lậu đường gia tăng tần suất hoạt động khi giá đường trong nước phục hồi do tác động của hàng rào thuế quan chống bán phá giá và chống trợ cấp, bất chấp việc tăng cường kiểm soát biên giới để ngăn ngừa dịch Covid-19. Việc giao dịch được các đối tượng điều chỉnh quy trình kín đáo hơn trước. Thực chất, từ cuối tháng 3, đường nhập lậu từ Cam-pu-chia và Lào hoàn toàn làm chủ thị trường đường tự do. Người mua chỉ cần báo nhập số lượng bao nhiêu tấn, các đầu nậu đều có thể đáp ứng được. Nếu không tìm được giải pháp khắc chế được tình trạng đường nhập lậu, triển vọng hồi phục của ngành mía đường Việt Nam sẽ vô cùng khó khăn".
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/ngan-chan-duong-nhap-lau--649343/