Ngăn chặn gia tăng vi phạm trong lĩnh vực hóa chất
Nhận thức của doanh nghiệp về an toàn trong lĩnh vực hóa chất còn hạn chế là một trong những nguyên nhân chính khiến vi phạm trong lĩnh vực hóa chất gia tăng.
Quan tâm đến an toàn trong lĩnh vực hóa chất
Theo thông tin từ Cục Hóa chất - Bộ Công Thương, vi phạm trong lĩnh vực hóa chất đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng này đó là nhận thức của doanh nghiệp về vấn đề an toàn trong lĩnh vực hóa chất còn hạn chế. Bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh khiến một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hóa chất cắt giảm chi phí về an toàn cùng với việc không thường xuyên cập nhật các quy định pháp luật mới và năng lực quản lý còn yếu của một số doanh nghiệp cũng góp phần làm gia tăng tình trạng vi phạm.
Trong khi đó, hóa chất lại là một trong lĩnh vực quan trọng, hiện diện trong tất cả các mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Do đó, vấn đề an toàn trong lĩnh vực hóa chất cần được quan tâm.
Theo Phó Cục trưởng Cục Hóa chất Hoàng Quốc Lâm, để đảm bảo an toàn trong lĩnh vực hóa chất, công tác thanh tra, kiểm tra năm 2024 của Cục Hóa chất được triển khai theo Kế hoạch số 03/KH-HC của Cục Hóa chất và Quyết định số 3308/QĐ-BCT của Bộ Công Thương vào tháng 12/2023 về việc phê duyệt Kế hoạch kiểm tra năm 2024 và Quyết định số 521/QĐ-BCT của Bộ Công Thương.
“Theo đó, ngoài các hoạt động thanh tra theo kế hoạch, Cục Hóa chất cũng thực hiện kiểm tra đột xuất, đặc biệt là việc giám sát các hóa chất thuộc danh mục hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Chỉ thị số 10/CT-BCT ngày 5/11/2024” – ông Hoàng Quốc Lâm thông tin.
Kết quả cụ thể, về quy mô thanh tra, kiểm tra, năm 2024 có tổng số 44 đơn vị được thanh tra, kiểm tra, trong đó 35 đơn vị theo kế hoạch và 9 đơn vị kiểm tra đột xuất.
Về xử phạt vi phạm, Cục Hóa chất đã ban hành 27 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 2,6 tỷ đồng. Trong đó, phạt tiền trực tiếp là 1,34 tỷ đồng và số thu lợi bất hợp pháp là là gần 1,26 tỷ đồng. Có 4 trường hợp bị tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận.
Theo Cục Hóa chất, công tác thanh tra, kiểm tra còn phản ánh thực trạng cần lưu tâm khi số lượng hành vi vi phạm có xu hướng gia tăng. Phân tích chi tiết các hành vi vi phạm cho thấy những điểm yếu trong công tác quản lý an toàn hóa chất của doanh nghiệp; trong đó, vi phạm về huấn luyện an toàn chiếm tỷ lệ cao nhất với 22%, thể hiện qua việc không tổ chức huấn luyện định kỳ, nội dung huấn luyện không đầy đủ hay người huấn luyện không đạt tiêu chuẩn. Tiếp đến là các vi phạm về thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và kế hoạch/biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất (chiếm 20%). Các vấn đề về Phiếu an toàn hóa chất cũng chiếm tới 12% tổng số vi phạm được phát hiện.
Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra năm 2025
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết của Cục Hóa chất năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025 diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng đặc biệt lưu ý đến việc tăng cường thanh, kiểm tra trong lĩnh vực hóa chất. Bởi hóa chất là lĩnh vực nguy hiểm, liên quan đến tính mạng con người, do đó để an toàn trong lĩnh vực hóa chất đòi hỏi phải đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Để công tác thanh tra, kiểm tra đạt hiệu quả, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng yêu cầu Cục Hóa chất có sự phối hợp đồng bộ với các cơ quan liên quan, nhằm nâng cao về nghiệp vụ, nội dung công tác thanh tra, kiểm tra.
Theo đó, để nâng cao hiệu quả quản lý trong lĩnh vực hóa chất trong thời gian tới, đại diện Cục Hóa chất cho biết sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật song song với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia trong quản lý và giám sát. Cùng với đó tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tham gia công tác thanh tra, kiểm tra; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu về vi phạm được xem là những giải pháp then chốt để có để tăng cường hiệu quả công tác quản lý về hóa chất trong thời gian tới.
Cụ thể hơn về kế hoạch năm 2025, ông Hoàng Quốc Lâm cho biết, Cục Hóa chất sẽ quán triệt các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chị thị số 10/CT-BCT ngày 5/11/2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.
Với tinh thần xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2025 tăng 30% số lượng so với năm 2024, Cục Hóa chất đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc tăng cường công tác quản lý nhà nước. Thực hiện phương thức chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm là xu hướng tất yếu, nhưng điều này đòi hỏi công tác thanh tra, kiểm tra phải được thực hiện một cách thận trọng, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Đặc biệt, với những kinh nghiệm tích lũy được trong năm 2024 cùng sự chỉ đạo sát sao của tập thể lãnh đạo Bộ Công Thương, những nỗ lực không ngừng với định hướng rõ ràng, ông Hoàng Quốc Lâm cho rằng, công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực hóa chất được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần đảm bảo an toàn và phát triển bền vững của ngành.
Theo Bộ Công Thương, những năm gần đây, công tác quản lý hóa chất đã mang lại những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, xuất hiện tình trạng sử dụng hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp (hóa chất hạn chế) sai mục đích, cụ thể là việc sử dụng Xyanua gây ảnh hưởng đến tính mạng và an toàn sức khỏe con người gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội.
Trước thực trạng trên, để tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm soát hóa chất hạn chế, kịp thời ngăn ngừa việc lạm dụng hóa chất hạn chế sử dụng sai mục đích, Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ký ban hành Chỉ thị số 10/CT-BCT ngày 5/11/2024 về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.