Ngăn chặn hành vi lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt

Theo thống kê, trên toàn mạng đường sắt quốc gia hiện còn tồn tại hơn 4.000 lối đi tự mở và khoảng 1.500 đường ngang hợp pháp. Ngay trên địa bàn TP Hà Nội và một số địa phương như Hà Nam, Nam Định, nhiều vị trí hành lang an toàn giao thông (ATGT) đang bị người dân và kể cả các cơ quan nhà nước lấn chiếm trái phép. Lỗi vi phạm phổ biến là xây dựng công trình ngay sát chân đường sắt. Tuy hành vi vi phạm này được phát hiện nhưng không xử lý được vì phụ thuộc vào chính quyền địa phương, trong khi những điểm lấn chiếm đang đe dọa trực tiếp an toàn chạy tàu.

Các cơ sở sản xuất đá cảnh tại phố Động, thôn Thống Nhất, xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm (Hà Nam) bày các sản phẩm non bộ sát đường ray, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn chạy tàu.

Các cơ sở sản xuất đá cảnh tại phố Động, thôn Thống Nhất, xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm (Hà Nam) bày các sản phẩm non bộ sát đường ray, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn chạy tàu.

Ngang nhiên vi phạm

Công ty cổ phần đường sắt Hà Ninh trực thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) được giao trách nhiệm quản lý 125 km đường sắt từ Ngọc Hồi (Hà Nội) đến Bỉm Sơn (Thanh Hóa). Đoạn tuyến này là một trong những “điểm nóng” nhức nhối nhất về tình trạng lấn chiếm trái phép hành lang ATGT đường sắt. Phó Trưởng phòng Kỹ thuật - an toàn Công ty Hà Ninh Hoàng Minh Mẫn dẫn chúng tôi đi thực tế các điểm vi phạm tại phố Động, thôn Thống Nhất, xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm (Hà Nam). Tại đây, các cơ sở sản xuất đá cảnh “vô tư” bày biện non bộ, tiểu cảnh nặng hàng tấn, chỉ cách đường ray tàu khoảng 2 m, trong khi theo quy định của Luật Đường sắt, phạm vi khoảng cách phải đạt 8,6 m. Ông Mẫn cho hay: “Dù lực lượng chức năng địa phương, Thanh tra Cục Đường sắt Việt Nam khi có đợt cao điểm kiểm tra, xử lý, cũng tiến hành xử phạt nhưng do thẩm quyền quy định, mức xử phạt cao nhất chỉ 500 nghìn đồng, trong khi đối với những cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh đá cảnh, mức xử phạt này là quá nhẹ nhàng”. Mỗi hòn non bộ, tiểu cảnh có giá vài chục đến vài trăm triệu đồng, các hộ kinh doanh sẵn sàng rút ví nộp phạt ngay tại chỗ và tiếp tục hành vi vi phạm, không có vấn đề gì, ông Mẫn ngao ngán. Trong phạm vi 125 km đường sắt do Công ty Hà Ninh quản lý, vẫn còn 664 lối đi tự mở và hàng nghìn điểm vi phạm hành lang ATGT đường sắt do người dân sinh sống gần đó lấn chiếm.

Có mặt tại vị trí Km19+530 tuyến đường sắt Bắc Hồng - Văn Điển (Hà Nội), theo quan sát của chúng tôi, ngay trên nền đường sắt khổ 1.435 mm đã “mọc” lên bãi trông giữ xe tự phát. Vị trí bị lấn chiếm làm bãi trông xe tự phát được cơ quan chức năng xác định do gia đình ông Trần Hữu Thạo, ở tổ 3, thôn Miêu Nha, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm tự ý đổ đất, san gạt, dựng hàng rào và đặt công-ten-nơ trên nền đường sắt, gây ảnh hưởng trực tiếp đến kết cấu hạ tầng và ATGT đường sắt. Tuyến đường sắt Bắc Hồng - Văn Điển theo thiết kế là đường đôi; trong đó đường khổ 1.000 mm đang được khai thác, đường khổ 1.435 mm chạy song song chưa hoàn thành, một số đoạn chỉ có nền đường. Điều đáng nói, từ tháng 6 đến tháng 9-2019, Công ty cổ phần Đường sắt Hà Thái, đơn vị quản lý tuyến đường sắt này đã nhiều lần kiểm tra và lập biên bản vi phạm đối với gia đình ông Thạo nhưng hành vi lấn chiếm vẫn ngang nhiên diễn ra. Đến nay, bãi trông xe lấn chiếm vẫn tiếp tục hoạt động, phớt lờ mọi yêu cầu tháo dỡ. Cũng tại tuyến này, tình trạng lấn chiếm diễn ra công khai ở vị trí Km11+950 đến Km12+150 thuộc phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm. Công ty cổ phần Xe điện Hà Nội (Bến xe buýt Nam Thăng Long) đã tự ý đổ đất, san gạt, quây hàng rào tôn, lợp lưới nhựa sát chân đường ray làm sân bãi tập kết ô-tô, xe máy ở ngay trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt và đường dây thông tin tín hiệu đường sắt, gây ảnh hưởng trực tiếp đến kết cấu hạ tầng cũng như an toàn chạy tàu. Hành vi vi phạm được phát hiện từ tháng 6-2018, qua nhiều lần kiểm tra của đơn vị quản lý tuyến đường sắt và chính quyền địa phương nhưng phần đất lấn chiếm vẫn ngang nhiên tồn tại.

Cần quy rõ trách nhiệm

Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Hà Thái Nguyễn Đức Tuấn cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay xuất phát từ việc công ty không có chế tài để xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm. Diện tích đất nằm trong hành lang đường sắt có phạm vi rộng, trải dài trên nhiều địa bàn, do quá trình đô thị hóa dọc hai bên đường sắt, nhiều vị trí có lợi thế về kinh doanh đã bị lấn chiếm. Khi phát hiện hành vi lấn chiếm, công ty đã nhiều lần ra văn bản thông báo với chính quyền địa phương và báo cáo cơ quan chức năng để tổ chức cưỡng chế, giải tỏa. Tuy nhiên, công ty không có chức năng cưỡng chế, giải tỏa vi phạm, việc này thuộc quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền địa phương. Tại vị trí vi phạm của Công ty cổ phần Xe điện Hà Nội, giữa tháng 6-2018, UBND phường Xuân Đỉnh đã làm việc với các bên liên quan, trong biên bản làm việc, UBND phường yêu cầu Công ty cổ phần Xe điện Hà Nội thực hiện đúng cam kết không xây dựng công trình kiên cố tại phần đất lưu không và có phương án bảo đảm an toàn hành lang đường sắt. Tuy nhiên sau đó, đơn vị này tiếp tục san gạt, quây tôn kín để làm nơi tập kết phương tiện.

Theo con số thống kê của VNR, trung bình cứ 1 km đường sắt có 1,85 đường ngang giao cắt và 70% số vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt xảy ra tại các điểm giao cắt. Theo đó, trên toàn quốc có 5.564 điểm giao cắt, trong đó, đường ngang hợp pháp 1.516 điểm, lối đi tự mở hơn 4.000 điểm (chiếm 74%); ngoài ra, còn có khoảng 14 nghìn vị trí vi phạm hành lang đường sắt. Tại hàng nghìn đường ngang, lối đi dân sinh này, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu chính quyền địa phương không vào cuộc quyết liệt và ý thức của lái xe, của người dân chưa được nâng cao. “70% số vụ TNGT xảy ra ở lối đi tự mở và đường ngang dân sinh. Đây là vấn đề cốt lõi và hết sức nan giải trong việc bảo đảm ATGT đường sắt”, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR Vũ Anh Minh nhìn nhận. Từ ngày 1-7-2018, Luật Đường sắt sửa đổi có hiệu lực thi hành, trong đó bàn giao tất cả các lối đi tự mở, đường ngang dân sinh và các công trình hạ tầng vi phạm cho địa phương xử lý. Tuy nhiên, ông Minh cũng thừa nhận vì thiếu nguồn kinh phí nên rất khó khăn trong việc lập lại trật tự ATGT đường sắt.

Thừa nhận công tác triển khai các đường gom, xóa bỏ đường ngang dân sinh, bảo đảm hành lang ATGT đường sắt gặp rất nhiều khó khăn, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, hiện chưa làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý đường ngang dân sinh qua đường sắt; thiếu kiên quyết trong xử lý những hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt. “Nếu không quy rõ trách nhiệm thì tai nạn đường sắt còn tiếp tục xảy ra. Ủy ban ATGT quốc gia chưa thấy có việc xử lý nghiêm khắc đối với hộ dân, cá nhân tổ chức, hoặc cán bộ có trách nhiệm theo quy định pháp luật về vi phạm hành lang an toàn đường sắt. Khi xảy ra tai nạn, sự cố, mới chỉ dừng ở mức phê bình mà chưa có hình thức nào thích đáng hơn,” ông Hùng nhấn mạnh.

Báo cáo của ngành đường sắt cho biết, tính riêng trong tháng 7-2019, cả nước xảy ra 27 vụ tai nạn giao thông đường sắt, khiến 17 người chết, 23 người bị thương. Hầu hết các vụ đều xảy ra ở các vị trí giao cắt, đường ngang. Hà Nội có sáu tuyến đường sắt chạy qua, tổng chiều dài hơn 162 km, là một trong những địa phương có tình trạng vi phạm hành lang an toàn đường sắt phức tạp nhất.

LƯƠNG TUẤN HÙNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/42428502-ngan-chan-hanh-vi-lan-chiem-hanh-lang-an-toan-duong-sat.html