Ngăn chặn hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn trái phép

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh nổi lên tình trạng doanh nghiệp (DN) mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ và trốn thuế, không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước (NSNN) mà còn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh.

 Cơ quan thuế triển khai các giải pháp ngăn chặn hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn trái phép

Cơ quan thuế triển khai các giải pháp ngăn chặn hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn trái phép

Khi chuyển đổi số ngày càng tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, ngành thuế đã mạnh dạn triển khai áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) trên toàn quốc từ ngày 1/7/2022.

Tuy nhiên, qua thời gian sử dụng HĐĐT, tình hình mua bán trái phép hóa đơn có chiều hướng gia tăng, diễn biến hết sức phức tạp, quy mô ngày càng lớn.

Các đối tượng ngang nhiên chào bán hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) của nhiều ngành nghề, lĩnh vực, DN qua mạng xã hội hoặc tin nhắn điện thoại, tìm kiếm khách hàng thông qua các hội nhóm, nhất là hội nhóm kế toán của các DN để móc nối với nhau tạo nên mạng lưới môi giới bán hóa đơn rộng khắp.

Ông Nguyễn Đình Nguyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Hương Phú cho biết, về phương thức, đầu tiên có thể kể là nhóm đối tượng thành lập các công ty “ma”, không trực tiếp đứng tên các DN mà sử dụng chứng minh nhân dân, căn cước công dân của các cá nhân bị mất, đánh cắp… để thành lập các DN, chuỗi DN rồi đăng ký chữ ký với cơ quan chức năng và hoạt động chỉ một thời gian ngắn.

 Cơ quan thuế triển khai các giải pháp ngăn chặn hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn trái phép

Cơ quan thuế triển khai các giải pháp ngăn chặn hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn trái phép

Một phương thức khác để có được pháp nhân các công ty “ma” là các đối tượng mua lại các công ty tạm dừng hoạt động, nhưng có mã số thuế tồn tại trên hệ thống từ 3 năm trở lên rồi làm thủ tục đăng ký hoạt động trở lại để mua bán hóa đơn.

Các DN này thường không có tài sản cố định, thuê một địa điểm làm văn phòng, chỉ treo bảng hiệu nhưng không hoạt động và sử dụng giấy tờ, chữ ký giả để thực hiện tất cả giao dịch.

Một số DN thì có doanh thu bán hàng phát sinh lớn, nhưng kho hàng không tương xứng hoặc không có kho hàng. Một số DN khác lại kê khai khống hóa đơn đầu vào để hợp thức hóa, không phát sinh thuế GTGT, thuế thu nhập DN phải nộp. Đây là hành vi trái pháp luật, không chỉ gây thất thu cho NSNN mà còn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh.

Thực tế, với nền tảng công nghệ hiện đại và trình độ quản lý ngày một nâng cao hiện nay, cơ quan thuế có đủ công cụ truy lần sai phạm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, hóa đơn và chứng từ khống. Nhiều hình thức vi phạm của các đối tượng đã được nhận diện, ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Cụ thể, năm 2023, Chi cục Thuế khu vực Hương Phú đã xử lý 19 trường hợp, truy thu và xử phạt 466 triệu đồng. Về xử lý hóa đơn rủi ro, tính đến tháng 6/2024, có 60 DN, tổ chức, cá nhân cần xác minh với 187 trường hợp hóa đơn. Trước đó, năm 2023 là 369 DN, tổ chức, cá nhân với 1.266 hóa đơn.

Tổng giá trị trên hàng hóa rủi ro đã sử dụng 5 tháng đầu năm 2024 là 3,1 tỷ đồng và năm 2023 là 41,3 tỷ đồng. Điều chỉnh thuế GTGT đầu vào là 57,8 triệu đồng và năm 2023 là 845,7 triệu đồng.

Ông Tôn Thất Nhất Thành - Đội trưởng Đội Kiểm tra thuế, Chi cục Thuế khu vực Hương Phú cho biết, Chi cục Thuế khu vực Hương Phú đã chủ động phối hợp với Cục Thuế tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai nhằm phát hiện kịp thời các hành vi mua bán hóa đơn, trốn thuế, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.

Đối với các DN mới thành lập, tập trung nhận diện qua hình thức DN, ngành nghề kinh doanh, trụ sở giao dịch. Tiến hành kiểm tra, hậu kiểm, quản lý thực chất tình hình hoạt động kinh doanh của DN, phương thức thanh toán, số lượng DN được thành lập mới so với điền kiện kinh tế - xã hội của địa bàn.

Tiến hành thành lập tổ rà soát, quản lý rủi ro sử dụng hóa đơn, phân tích, đánh giá xác minh người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro cao về thuế, tiến hành khai thác, rà soát và đánh giá kết quả phân tích dữ liệu. Khai thác triệt để những công cụ, bộ chỉ số, tiêu chí, ứng dụng cảnh báo, phân tích dữ liệu để truy xuất, phát hiện các trường hợp có dấu hiệu rủi ro cao về hóa đơn.

Tổ chức thực hiện rà soát định kỳ, tần suất lớn để nhận diện dấu hiệu vi phạm, kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn, chứng từ giả, sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp, gian lận thuế, trốn thuế.

Nhằm tiến tới phòng ngừa việc xuất khống HĐĐT, từ ngày 15/5, ngành thuế đã nâng cấp chức năng cảnh báo sử dụng HĐĐT trên ứng dụng quản lý điện tử phiên bản 3.1.0, sẽ có cảnh báo tới người nộp thuế về sự bất thường hoặc đột biến so với hoạt động kinh doanh thông thường trong việc sử dụng hóa đơn ngay khi người nộp thuế thực hiện xuất hóa đơn.

Đơn vị thuế cũng đã tuyên truyền, phổ biến cho các DN, tổ chức cá nhân để tự bảo vệ mình khỏi các đối tượng gian lận về hóa đơn, khi mua hàng hóa, dịch vụ với những đối tác mới. Hướng dẫn DN chủ động vào website của Tổng cục Thuế để kiểm tra thông tin về người bán có đang hoạt động bình thường ở địa chỉ kinh doanh hay không. Đồng thời, kiểm tra thông tin xem DN bán hàng có thực hiện đầy đủ thủ tục đăng ký theo quy định của pháp luật hay không.

Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, việc mua bán trái phép hóa đơn với mục đích để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, giảm nghĩa vụ thuế, hợp thức hóa cho hàng hóa trôi nổi. Hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người phạm tội có thể bị phạt tù lên tới 7 năm, phạt tiền đến 10 tỷ đồng, hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn...

Bài, ảnh: HÀ NGUYỄN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/ngan-chan-hanh-vi-mua-ban-su-dung-hoa-don-trai-phep-142848.html