Ngăn chặn hệ lụy từ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn tiếp tục âm thầm diễn ra, với những thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan thực thi pháp luật.

Quang cảnh Diễn đàn "Chống buôn lậu, gian lận thương mại, uy tín doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng".

Quang cảnh Diễn đàn "Chống buôn lậu, gian lận thương mại, uy tín doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng".

Điều này cũng khiến các doanh nghiệp làm ăn chính đáng gặp khó khăn cũng như người tiêu dùng đang phải bỏ tiền thật nhưng lại mua phải hàng giả, đi kèm với đó là bệnh tật và những hệ lụy khác,...

Đó là những nhận định được đưa ra tại Diễn đàn "Chống buôn lậu, gian lận thương mại, uy tín doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 11/1 tại Hà Nội.

Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, dự báo tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, hiện đại hơn trên tất cả các tuyến, lĩnh vực, nhất là tuyến biên giới đất liền, vùng biển, cảng hàng không quốc tế và địa bàn nội địa trọng điểm trên cả nước.

Theo con số thống kê, trong năm 2023, toàn ngành hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý hơn 14.600 vụ việc vi phạm với trị giá hàng hóa ước tính 11.520 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 35 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 166 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước là 474 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2023, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý 52.349 vụ vi phạm (tăng 16% so với năm 2022), thu nộp ngân sách gần 500 tỷ đồng (tăng 36% so với năm 2022), giá trị tang vật thu giữ gần 204 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 170 vụ có dấu hiệu hình sự (tăng 35% so với năm 2022).

Năm 2023, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý 52.349 vụ vi phạm (tăng 16% so năm 2022), thu nộp ngân sách gần 500 tỷ đồng (tăng 36% so năm 2022), giá trị tang vật thu giữ gần 204 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 170 vụ có dấu hiệu hình sự (tăng 35% so năm 2022).

Theo đó, các mặt hàng trọng tâm gồm thuốc lá điếu, đường cát, bia, rượu, thời trang, phụ kiện thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc tân dược, gỗ xây dựng và cả gia súc, gia cầm, thủy hải sản...

Ngoài ra, cũng có cả mặt hàng thuộc danh mục nhà nước cấm gồm ma túy, pháo nổ, động vật quý hiếm, hay một số mặt hàng mang tính chất đặc thù giá trị lớn như vàng và ngoại tệ. Nhìn chung các mặt hàng buôn lậu đều có giá trị cao và nhằm mục đích trốn thuế.

Song nhiều vụ việc, vụ án về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên cả nước thời gian qua cũng đã được các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, tạo sự răn đe, phòng ngừa.

Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, theo đánh giá của Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Bùi Trung Nghĩa, nguyên nhân của tình trạng trên trước hết là do chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và xã hội vào cuộc.

Một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, ý thức thực thi công vụ và các quy định pháp luật chưa cao, còn biểu hiện nể nang, bao che,... dẫn đến kết quả công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại chưa được như mong muốn.

Là cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, VCCI lên án những hoạt động kinh doanh trái phép, vi phạm pháp luật, những hành vi lừa đảo, lợi dụng nhằm lừa dối, khách hàng, người tiêu dùng để trục lợi. Bên cạnh việc tẩy chay những hoạt động kinh doanh trái pháp luật, VCCI luôn ủng hộ, đồng hành với việc đề cao và thúc đẩy việc kinh doanh tuân thủ pháp luật, có văn hóa, có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.

Một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, ý thức thực thi công vụ và các quy định pháp luật chưa cao, còn biểu hiện nể nang, bao che,... dẫn đến kết quả công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại chưa được như mong muốn.

Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch VCCI

Bàn về giải pháp phòng ngừa và từng bước ngăn chặn nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia Đỗ Hồng Chung cho rằng, cần đồng bộ các giải pháp và có sự phối hợp giữa các cơ quan, doanh nghiệp, người dân.

Trong đó, cần tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia triển khai các kế hoạch chuyên đề chống gian lận, buôn lậu hàng giả, hàng nhái.

Đặc biệt, phải nắm chắc tình hình tuyến đường, địa bàn, đối tượng; tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra các cấp, ngành một cách thường xuyên liên tục; kết hợp chia sẻ thông tin giữa các lực lượng chức năng liên tỉnh liên tuyến phối hợp chặt chẽ ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trên các tuyến biên giới, đường biển, đường bộ có cửa khẩu và đường hàng không.

Đồng thời, xử lý nghiêm túc những hành vi bao che, bảo kê tiếp tay cho các hoạt động gian lận thương mại, buôn lậu, tăng cường tuyên truyền đến người dân doanh nghiệp về tác hại của những vấn đề này.

Bên cạnh đó, người dân cũng cần nói không với hàng hóa gian lận, đây là một công tác hữu hiệu trong công tác chống buôn lậu, hàng nhái, hàng giả trong thời gian tới.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ngan-chan-he-luy-tu-buon-lau-gian-lan-thuong-mai-va-hang-gia-post791631.html