Ngăn chặn heo lậu tuồn qua biên giới Tây Nam
Thịt heo trong nước đang hút hàng do người chăn nuôi chưa kịp tái đàn, trong khi đó sự chênh lệch giá giữa Việt Nam so với Campuchia lại khá lớn. Vì vậy, lợi dụng đêm tối các đối tượng đã cấu kết vận chuyển heo qua biên giới.
Để các chuyến hàng được trót lọt, nhóm đối tượng này luôn cử một lực lượng hùng hậu để để canh đường, canh đồn, canh chốt.
Những thủ đoạn nhập lậu heo sống
An Phú là huyện đầu nguồn của tỉnh An Giang, có đường biên giới trên địa bàn dài 42,5km, với 2 cửa khẩu chính và 1 cửa khẩu phụ, địa hình đồng bằng, nhiều sông, kênh, đường mòn, lối mở qua biên giới. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận chuyển heo lậu.
Tối ngày 30-6, phóng viên đã có chuyến khảo sát nơi được cho là “điểm nóng” của heo lậu. Từ trung tâm TP.Châu Đốc, chúng tôi chạy xe máy dọc theo tỉnh lộ 957 về hướng xã Phú Hội (huyện An Phú). Vừa qua cầu Phú Hội, chúng tôi chạy về hướng kênh Ruột khi đồng hồ báo hiệu hơn 22 giờ. Nhìn xung quanh kênh này có một vài ánh đèn nhấp nháy trong màn đêm kèm theo tiếng ếch, nhái kêu râm ran.
Ngồi cạnh chân cầu Chùa Cô (bắc qua kênh Ruột) chừng 30 phút, chúng tôi thấy một chiếc vỏ lãi chạy xé nước từ sông Bình Di rẽ vào kênh Ruột hướng thẳng về biên giới Campuchia. Khoảng 15 phút sau, một chiếc xe gắn máy chở 2 thanh niên cũng xuất hiện ở khu vực gần chúng tôi “mật phục” như dò đường cho đồng bọn. Hồi sau những người này rút đi cũng là lúc chúng tôi nghe tiếng máy từ phía Campuchia vọng về, rồi chiếc vỏ lãi dần hiện ra giữa dòng kênh nhưng chẳng chở theo heo.
Biết rằng chuyến “mật phục” đã bị lực lượng canh đường của giới buôn heo lậu phát hiện nên chúng tôi đi bộ ra điểm lấy xe. Lúc này, chúng tôi gặp một thanh niên địa phương cho biết: Heo lậu qua tuyến kênh này thường tầm từ 1 – 4 giờ sáng. Thời gian gần đây thì diễn ra sớm hơn. Tuyến kênh Ruột thông qua Campuchia có chiều dài khoảng 7km gồm có 6 ngã nên việc kiểm soát rất khó.
Trở về TP.Châu Đốc, phóng viên ghi nhận có một số xe tải chuyên dùng chở heo đậu cạnh một số bến, bãi dọc tỉnh lộ 957. Đôi lần chứng kiến người dân biên giới vận chuyển heo lậu, anh H. (ngụ huyện An Phú) cho biết: “Việc vận chuyển heo lậu diễn ra từ 22 giờ tối hoặc 0 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau. Mỗi phương tiện chở trên chục con. Trước khi vận chuyển thường các đối tượng liên hệ thông báo tình hình, canh đường rất cẩn thận. Cách nay khoảng 1 tuần thì diễn ra thường xuyên, còn 2 ngày nay thì đã ngưng”.
Trong vai đầu mối mua heo, chúng tôi tìm gặp một đầu nậu tên N. Người này tiết lộ: “Heo lậu được chở ngõ vắng theo đường Bắc Đai, Phú Hội, rồi sẽ được dồn vô xe tải lớn để di chuyển đến TP.Châu Đốc trong thời gian chớp nhoáng chưa đến 40 phút”.
Trước tình hình heo lậu diễn biến phức tạp, ngày 18-6-2020, Phó chủ tịch UBND huyện An Phú Đoàn Bình Lâm đã ký công văn số 192/BC-UBND báo cáo về tình hình vận chuyển heo nhập lậu qua địa bàn. Hoạt động của các đối tượng vận chuyển rất tinh vi, đa dạng, thay đổi nhanh theo tình hình và bất chấp mọi hậu quả, răn đe của pháp luật.
Theo báo cáo của Đoàn kiểm tra liên ngành huyện An Phú, lượng heo nhập lậu đi qua địa bàn trung bình từ 200 – 300 con/ngày, đêm. “Thủ đoạn vận chuyển heo được tập kết tại các khu vực trên tuyến biên giới Campuchia, sau đó chờ điều kiện thuận lợi để thẩm lậu qua biên giới theo các kênh rạch, đường mòn. Trong suốt quá trình vận chuyển luôn tổ chức lực lượng canh coi để báo tin né tránh. Các đối tượng phần lớn là người địa phương và một phần từ nơi khác đến khu vực biên giới làm ăn, mua bán” – báo cáo cho biết.
Trước tình trạng trên, Phó chủ tịch UBND huyện An Phú đề nghị Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các đồn biên phòng đóng quân trên địa bàn huyện tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ, hạn chế thấp nhất việc nhập lậu heo qua biên giới. Đề nghị Chi cục Chăn nuôi và thú y thiết lập lại chốt kiểm soát trên Quốc lộ 91C (gần cầu Cồn Tiên) để kiểm soát từ An Phú qua TP.Châu Đốc.
Tương tự, tuyến biên giới Long An, việc vận chuyển heo không rõ nguồn gốc, nhập lậu từ bên kia biên giới Campuchia đưa vào nội địa tiêu thụ có dấu hiệu gia tăng. Điển hình là 1 giờ sáng ngày 1-6-2020, trên đường tỉnh 819 (thuộc ấp Kinh Mới, xã Hưng Điền B), Đội Cảnh sát kinh tế - ma túy Công an huyện Tân Hưng phát hiện ôtô tải BS: 71C-014.22 chạy từ hướng xã biên giới Hưng Điền về TT.Tân Hưng có dấu hiệu khả nghi nên ra hiệu dừng xe. Qua kiểm tra phát hiện có 25 con heo được dồn kín trong thùng xe. Tổng trọng lượng heo bắt được là 2,2 tấn, ước trị giá trên 171 triệu đồng.
Bước đầu, lái xe Nguyễn Văn Nhàn (49 tuổi) khai nhận được một người ở tỉnh Đồng Tháp thuê chở số heo trên. Lực lượng chức năng sau đó đã lập biên bản, đưa phương tiện và số heo trên về Công an huyện Tân Hưng.
Cách khu vực trên khoảng 30km, Công an TX.Kiến Tường tuần tra, kiểm soát trên đường tỉnh 819 (ấp Bàu Mua, xã Thạnh Hưng) kiểm tra 2 xe tải do tài xế Trần Lâm Hải Đảo (41 tuổi) và Nguyễn Minh Tân (23 tuổi, cùng ngụ tỉnh Long An) điều khiển, vận chuyển heo theo hướng từ biên giới đi vào nội địa. Qua kiểm đếm số heo là 104 con, với tổng trọng lượng trên 10,5 tấn. Số heo này không có nguồn gốc, giấy tờ hợp pháp.
Theo Sở NN&PTNT các tỉnh nhận định, việc buôn bán, vận chuyển heo trái phép tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả heo châu Phi.
Biên phòng An Giang nói gì?
Trước báo cáo của UBND huyện An Phú về tình hình heo lậu số lượng lớn ngày đêm ồ ạt qua biên giới, trao đổi với phóng viên, Đại tá Lý Kế Tùng – Phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) An Giang cho biết: Tình hình buôn lậu thời gian qua có chiều hướng giảm, thủ đoạn thực hiện tinh vi và nhỏ lẻ. Toàn tuyến biên giới có 136 chốt biên phòng, với hơn 800 cán bộ, chiến sĩ để ngăn chặn tình trạng buôn lậu, xuất cảnh trái phép…
“Việc heo vận chuyển qua biên giới số lượng lớn như thế là chưa có căn cứ” - Đại tá Tùng nhấn mạnh và cho biết 6 tháng đầu năm độc lập bắt 13 vụ vận chuyển heo lậu (176 con), với tổng trọng lượng hơn 12,3 tấn. Ngoài ra, còn phối hợp với Hải quan bắt 4 vụ heo lậu (75 con) với trọng lượng gần 7 tấn.
Cụ thể khoảng 20 giờ 30 phút ngày 31-5-2020, tổ công tác của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương phối hợp với Đội Đặc nhiệm phòng chống ma túy, tội phạm miền Nam và Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương tiến hành tuần tra, kiểm soát trên sông Tiền.
Qua đó phát hiện 1 vỏ lãi có dấu hiệu nghi vấn. Tổ công tác lập tức phát tín hiệu, yêu cầu chiếc võ lãi dừng lại để kiểm tra. Tuy nhiên người điều khiển võ lãi không chấp hành, mà điều khiển vỏ lãi bỏ chạy hết tốc lực về phía hạ lưu. Lực lượng chức năng tiến hành truy đuổi quyết liệt. Đến khu vực bờ thuộc xã Vĩnh Xương, đối tượng bỏ lại phương tiện, nhảy lên bờ bỏ trốn.
Tiến hành kiểm tra phương tiện chở 9 con heo, tổng trọng lượng hơn 750kg. Lực lượng chức năng đã lập biên bản, đưa tang vật, phương tiện về Trạm kiểm soát Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương để tiếp tục xử lý theo quy định.
Khoảng 3 giờ 45 phút ngày 1-6-2020, tổ công tác của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương phối hợp với Đoàn 3 Cục Phòng chống ma túy và tội phạm tuần tra, mật phục chống buôn lậu trên sông Tiền. Qua đó phát hiện vỏ lãi đang chạy từ hướng Campuchia về Việt Nam có dấu hiệu nghi vấn. Tổ công tác liền phát tín hiệu yêu cầu chủ phương tiện dừng lại để kiểm tra, không chấp hành đối tượng tăng ga bỏ chạy về phía hạ lưu. Sau đó lợi dụng đêm tối đối tượng bỏ lại phương tiện nhảy lên bờ tẩu thoát. Qua kiểm tra vỏ lãi có 20 con heo (trọng lượng 50kg/con), với trị giá 90 triệu đồng.
Theo Phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP An Giang, các đối tượng buôn lậu heo bằng hình thức là vận chuyển bằng xuồng nhỏ, vỏ lãi ở các tuyến kênh hoặc ghe lớn trên sông Tiền, sau đó heo được đưa lên xe và hợp thức hóa giấy tờ trước khi vận chuyển vào nội địa tiêu thụ. “Có trường hợp vận chuyển heo bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền 35 triệu đồng nhưng tình trạng trên vẫn còn tái diễn” - Đại tá Tùng cho hay.
Dịch tả heo Châu Phi tái phát
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện, sau khi nhận được tin báo từ người chăn nuôi, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, thú ý và thủy sản (CNTYTS) phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cao Lãnh tiến hành xác minh tình hình dịch bệnh. Kết quả hộ ông Đoàn Văn Sấu (ngụ ấp Mỹ Đông 4, xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh) có tổng đàn heo 100 con.
Ngày 23-5, đã phát hiện heo chết 10 con. Đến ngày 9-6 lấy mẫu số heo ông Sấu nhưng đàn heo chết chỉ còn lại 20 con. Sau khi kiểm tra triệu chứng lâm sàn, Chi cục CNTYTS đã tiến hành lấy mẫu và hướng dẫn hộ chăn nuôi cách ly số heo bệnh, tiêu hủy số heo đã chết.
Đến chiều cùng ngày, Chi cục CNTYTS nhận được thông báo kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng VII đã phát hiện virus gây bệnh dịch tả heo Châu Phi trong mẫu xét nghiệm này. Ngày 10-6, Chi cục CNTYTS đã cử cán bộ phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Phòng NN&PTNT huyện Cao Lãnh tiến hành xử lý toàn bộ số heo còn lại đúng theo quy định.
Trước tình hình dịch tả heo Châu Phi xuất hiện trên địa bàn, ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã ký công văn sô 398/UBND-KT về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi tái phát và lây lan trên diện rộng gửi các sở, ban ngành, huyện, thị, thành phố.
Theo ông Hùng, dịch tả heo Châu Phi xảy ra trên địa bàn từ cuối tháng 5-2019 đến tháng 1-2020 ở 12/12 huyện, thị xã, thành phố, với số lượng heo mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 123.522 con.
Ngày 13-6-2020, Bộ NN&PTNT có công văn hỏa tốc gửi Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường kiểm soát vận chuyển heo, sản phẩm từ heo qua biên giới.
Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn thú y, thời gian qua hiện tượng buôn bán, vận chuyển trái phép heo qua biên giới giữa Việt Nam và các nước, đặc biệt là qua biên giới với Lào, Campuchia làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng từ các nước vào Việt Nam.
Để khẩn trương chấm dứt tình trạng trên, Bộ NN&PTNT đề nghị Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo, đôn đốc Ban chỉ đạo 389 các tỉnh biên giới trong việc ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép heo, sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam…