Ngăn chặn hiệu quả hành vi gian lận thương mại

Theo Cục Kiểm định hải quan (Tổng cục Hải quan), việc phân tích, phân loại kiểm định hàng hóa xuất nhập khẩu một mặt bảo đảm tính công bằng và minh bạch trong xác định mã số, mức thuế và chính sách mặt hàng; mặt khác nhằm phát hiện và ngăn chặn hiệu quả các hành vi gian lận thương mại.

Chú trọng công tác phân tích, phân loại

Để nâng cao hiệu quả công tác phân tích, phân loại, kiểm định hàng hóa xuất nhập khẩu, vừa qua, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các đơn vị hải quan địa phương chỉ đạo các chi cục trong quá trình thực hiện nghiệp vụ kiểm tra mã số khai báo hàng hóa xuất nhập khẩu, xác định đúng đối tượng hàng hóa để lấy mẫu gửi phân tích phân loại theo đúng quy định; tránh gửi mẫu hàng hóa không đúng, có độ rủi ro thấp hoặc bị trả lại do thuộc trường hợp không lấy mẫu phân tích để phân loại hoặc bỏ lọt các hàng hóa có rủi ro cao thuộc trường hợp lấy mẫu gửi phân tích, phân loại.

Bên cạnh đó, công chức kiểm tra hồ sơ cần yêu cầu doanh nghiệp khai báo đầy đủ các tiêu chí tên hàng, thành phần, cấu tạo, tính chất lý, hóa, công dụng… cung cấp tài liệu kỹ thuật và các tài liệu liên quan để làm cơ sở kiểm tra mã số hàng hóa khai báo. Theo thống kê, từ ngày 1.1.2024 đến 31.7.2024, Cục Kiểm định hải quan đã tiếp nhận và ban hành thông báo kết quả kèm mã số hàng hóa, thông báo kết quả phân tích phân loại cho gần 2.300 mẫu; trong đó, khoảng 51% mẫu thay đổi mã số so với mã số khai báo (20% mẫu tăng thuế, 30% mẫu giữ nguyên thuế suất, 1% mẫu giảm thuế).

 Trạm kiểm định di động mobilab của Cục Kiểm định hải quan tại Khu công nghiệp Formosa Vũng Áng - Hà Tĩnh. Ảnh: Ngọc Linh

Trạm kiểm định di động mobilab của Cục Kiểm định hải quan tại Khu công nghiệp Formosa Vũng Áng - Hà Tĩnh. Ảnh: Ngọc Linh

Điều này cho thấy, các cục hải quan tỉnh, thành phố đã kịp thời chỉ đạo, yêu cầu các chi cục hải quan trực thuộc thực hiện có hiệu quả công tác lấy mẫu gửi phân tích, phân loại, kiểm định, xác định mã số hàng hóa, chính sách mặt hàng, thông quan hàng hóa và các nghiệp vụ hải quan khác, trên cơ sở thông báo kết quả phân tích phân loại, thông báo kết quả kiểm định của Tổng cục Hải quan, đơn vị kiểm định hải quan và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Theo Cục Kiểm định hải quan, hàng hóa thực hiện kiểm định hải quan là hàng hóa có cơ sở nghi ngờ gian lận về các tiêu chí khai báo theo quy định chính sách mặt hàng hoặc thuộc các trường hợp không lấy mẫu yêu cầu phân tích để phân loại nhưng bị nghi ngờ về việc khai báo không chính xác thành phần, cấu tạo, tính chất lý, hóa, công dụng, dẫn đến khả năng gian lận về mã số hàng hóa.

Cục Kiểm định hải quan trên cơ sở kết quả theo dõi, phân tích, tổng hợp dữ liệu trên hệ thống chỉ ra được những vấn đề tồn tại trong công tác phân tích phân loại, kiểm định hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để hướng dẫn hoặc phối hợp hướng dẫn, nhằm thống nhất công tác phân tích, phân loại, kiểm định đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc lĩnh vực hải quan. Đồng thời, nghiên cứu ban hành bổ sung các hướng dẫn phương pháp lấy mẫu, bao bì, quy cách, niêm phong đối với các mặt hàng có yêu cầu phát sinh...

Nâng chất lượng kiểm định, phân tích phân loại

Theo Cục trưởng Cục Kiểm định hải quan Đỗ Văn Quang, Cục quản lý 11 đầu mối với 8 cơ sở hạ tầng trải dài trên cả nước; xây dựng 8/8 phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn VILAS, sẵn sàng đảm nhận thêm nhiệm vụ mới (kiểm tra phế liệu nhập khẩu, tham gia kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, tiền chất...). Khối lượng công việc chuyên môn của Cục Kiểm định hải quan không ngừng tăng mạnh trong thời gian qua. Số lượng mẫu từ những ngày đầu thành lập chỉ 124 mẫu đến tháng 9.2024, đã thực hiện 227.249 mẫu (gồm: 208.959 mẫu yêu cầu phân tích phân loại; 18.290 mẫu kiểm định, thực hiện 860 thông báo kết quả phân loại).

Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả, thời gian tới, Cục Kiểm định hải quan sẽ tập trung xây dựng hành lang pháp lý về hoạt động kiểm định; tuân thủ các khuyến nghị, cam kết và chuẩn mực quốc tế; quá trình thực thi nghiệp vụ luôn bảo đảm tính chính xác, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả. Công tác kiểm định sẽ tiếp tục phát triển trên cơ sở hiện đại hóa hệ thống quản lý chất lượng, điện tử hóa các khâu nghiệp vụ, qua đó góp phần giảm thời gian thông quan hàng hóa, giảm chi phí và tạo thuận lợi thương mại.

Theo đó, đơn vị sẽ tập trung triển khai hiệu quả Kế hoạch phát triển Cục Kiểm định Hải quan giai đoạn 2021 - 2025, định hướng chiến lược 2030 trên cơ sở mục tiêu của ngành; nâng cao năng lực quản lý, điều hành, bảo đảm tính thống nhất, chất lượng công tác kiểm định, phân tích, phân loại; tham gia thực hiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu; tham gia kiểm tra theo khuyến nghị của các Công ước quốc tế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Đồng thời, tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, thống nhất trong phân tích phân loại, kiểm định các chủng loại hàng hóa có độ rủi ro cao, dễ xảy ra gian lận về thuế suất, về chính sách mặt hàng; khai thác hiệu quả các trang thiết bị phân tích, đưa hệ thống các trạm kiểm định di động trực tiếp kiểm tra thực tế hàng hóa tại hiện trường; phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả với các đơn vị hải quan trong toàn ngành.

Đặc biệt, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, tập trung xây dựng lực lượng kiểm định hải quan chính quy, hiện đại, nâng cao kỹ năng, trình độ kỹ thuật theo từng lĩnh vực nghiệp vụ có chất lượng, gắn liền với công tác đào tạo, bồi dưỡng để đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đầu tư phát triển Cục Kiểm định Hải quan về cơ sở hạ tầng, phòng thí nghiệm, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học ứng dụng, xây dựng hải quan số, hải quan thông minh trong lĩnh vực kiểm định…

Dương Cầm

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/ngan-chan-hieu-qua-hanh-vi-gian-lan-thuong-mai-post390839.html