Ngăn chặn 'khủng bố' đòi nợ bằng tin nhắn, cuộc gọi
Chiều ngày 26/5, ông Từ Lương – Phó Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông TP HCM cho biết, thời gian qua Sở đã xử lý 3 trường hợp vi phạm với số tiền 27,5 triệu đồng. Đồng thời ngừng cung cấp dịch vụ đối với 23 thuê bao di động trên địa bàn thành phố.
Nguyên nhân các thuê bao bị xử lý vì có hành vi đòi nợ kiểu “khủng bố” trên mạng xã hội. Theo ông Từ Lương, đây là nội dung Sở Thông tin – Truyền thông và Công an TP HCM đang khẩn trương phối hợp để xử lý.
Vị này thông tin thêm, trong thời gian qua, tình trạng người dân thường xuyên nhận được cuộc điện thoại, tin nhắn đòi nợ với thông tin sai sự thật đã bị ảnh hưởng đến cuộc sống, uy tín, danh dự, nhân phẩm của công dân.
Phương thức, thủ đoạn các đối tượng xã hội đen chủ yếu sử dụng là xâm nhập dữ liệu số điện thoại, danh bạ của người vay tiền thông qua các App. Sau đó tổ chức điện thoại, nhắn tin đòi nợ một người khác có mối quan hệ với người vay tiền. Thậm chí, khai thác sử dụng cắt ghép hình ảnh cá nhân đó đưa lên mạng xã hội, tạo áp lực trả nợ thay.
Ông Từ Lương đề nghị, người dân khi bị đối tượng đòi nợ với phương thức thủ đoạn trên thì nên ghi âm cuộc gọi, lưu lại tin nhắn, hình ảnh cắt ghép sai sự thật cung cấp cho Sở Thông tin – Truyền thông, cơ quan công an làm cơ sở xử lý và can thiệp trong trường hợp cần thiết.
“Cần tránh tâm lý e ngại, thậm chí thỏa hiệp cho qua, vì như vậy vô hình chung tạo điều kiện cho các đối tượng tiếp tục hành vi phạm pháp luật”, ông Lương lưu ý để người dân không vướng vào việc tiếp tay cũng như thỏa hiệp với hành vi vi phạm pháp luật nêu trên.
Lãnh đạo Sở Thông tin – Truyền thông TP HCM thông tin thêm, trong năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2022, Sở chưa nhận được nhiều phản ánh của cá nhân, tổ chức bị điện thoại quấy rối, “khủng bố”.
Tuy nhiên, Sở đã xử lý 3 trường hợp vi phạm với số tiền 27,5 triệu đồng; đồng thời ngừng cung cấp dịch vụ đối với 23 thuê bao di động trên địa bàn TP HCM có hành vi vi phạm như trên.