Ngăn chặn 'ma men' bằng thiết bị cảnh báo tự động

Việt Nam cần học tập các nước trên thế giới, nghiên cứu và ứng dụng thiết bị cảnh báo tự động để ngăn chặn 'ma men' lái xe…

Cần lắp đặt thiết bị công nghệ trên xe ô tô để giám sát, phát hiện và cảnh báo người có định lái xe sau khi uống rượu, bia, ngăn chặn "ma men" gây tai nạn ngay từ ban đầu - Ảnh minh họa

Cần lắp đặt thiết bị công nghệ trên xe ô tô để giám sát, phát hiện và cảnh báo người có định lái xe sau khi uống rượu, bia, ngăn chặn "ma men" gây tai nạn ngay từ ban đầu - Ảnh minh họa

Xử phạt nặng, kể cả phạt tù cũng là "việc đã rồi”

Theo nghiên cứu, nguy cơ gây TNGT của người uống rượu, bia lái xe cao gấp 40 - 50 lần so với bình thường. Tại Việt Nam, số vụ TNGT liên quan đến ma men cũng chiếm tới 1/3 tổng số vụ TNGT. Trong đó, chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2019, chúng ta đã phải chứng kiến hàng TNGT thương tâm, cướp đi sinh mạng của rất nhiều người.

Có thể kể đến một số sự vụ điển hình như: vụ nữ tài xế lái xe taxi mang trong người có nồng độ cồn cao sau khi dự tiệc sinh nhật, trên đường chở bạn về nhà đã đâm vào xe máy lưu thông cùng chiều khiến 3 người trong ô tô tử vong tại chỗ ở Lâm Đồng (1/2019); Vụ xe Lexus biển tứ quý được điều khiển bởi “ma men” đâm vào đám tang tại TP. Quy Nhơn (4/2019). Mới đây nhất là 2 vụ “xe điên” cướp đi sinh mạng của 3 người tại đường Láng và hầm Kim Liên (Hà Nội).

Để ngăn chặn “ma men”, Việt Nam đã có khung hình phạt được quy định tại Nghị định 46/2016, tài xế vi phạm nồng độ cồn mức cao nhất sẽ bị phạt từ 16 - 18 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX từ 4 - 6 tháng. Còn với lái xe gây tai nạn chết người, theo quy định của Luật Hình sự hiện hành, mức phạt cao nhất có thể bị phạt tù đến 15 năm.

Tuy nhiên, xử phạt hành chính hay phạt tù chỉ là giải pháp cưỡng chế khi người uống rượu, bia đã tham gia giao thông hoặc đã gây tai nạn, tức là được áp dụng khi “việc đã rồi”. Vì vậy, vấn đề các cơ quan cần nghiên cứu là chúng ta phải tìm các giải pháp ngăn chặn nguy cơ người say xỉn lái xe gây nguy hiểm trên đường ngay từ đầu, nhất là đối với người điều khiển xe ô tô.

Tôi được biết, tại Pháp, để ngăn chặn “ma men”, cơ quan chức năng đã yêu cầu các nhà máy sản xuất xe ô tô phải thiết kế, lắp đặt thiết bị phát hiện và cưỡng chế người say rượu. Mỗi khi người lái có nồng độ cồn trong người bước vào xe, thiết bị này sẽ phát tín hiệu cảnh báo, tài xế khởi động xe, động cơ sẽ bị dừng ngay lập tức.

Sử dụng thiết bị độc lập với cấu tạo xe để giám sát tài xế

Tại châu Á, hiện một số nước áp dụng giải pháp “mềm” hơn. Họ thiết kế một thiết bị như hộp đen đặt trên cabin ô tô, thiết bị này sẽ được kết nối về đơn vị quản lý (nếu là xe kinh doanh vận tải). Trường hợp lái xe có nồng độ cồn trong người, thiết bị này sẽ phát chuông cảnh báo trên xe và truyền dữ liệu về cho đơn vị quản lý biết để kịp thời yêu cầu lái xe không được tham gia giao thông và lực lượng chức năng sẽ biết được để xử lý vi phạm.

Đối với Việt Nam, cách thức “cưỡng chế cứng” như ở Pháp sẽ khó khả thi bởi khi tích hợp tính năng phát hiện, ngăn chặn lái xe vào cấu tạo xe, giá thành của xe sẽ tăng lên rất cao, khiến người tiêu dùng không mặn mà và cảm thấy phiền phức cho bản thân.

Vì vậy, cơ quan chức năng cần nghiên cứu giải pháp như ở Hàn Quốc, sử dụng thiết bị độc lập với cấu tạo xe để giám sát tài xế. Đặc biệt, cần khuyến khích các doanh nghiệp vận tải sử dụng cách thức này để khi tài xế uống rượu, bia trước khi lái xe, thiết bị sẽ cảnh báo cho các hành khách trên xe được biết để yêu cầu tài xế dừng lái để bảo vệ sự an toàn cho mọi người trên đường và chính bản thân.

Để giải pháp có sự khả thi, phù hợp với điều kiện, môi trường giao thông Việt Nam, trước tiên, các cấp chức năng cần phối hợp với một số doanh nghiệp vận tải lắp thí điểm để người đứng đầu đơn vị có thể giám sát nhân viên của mình. Từ đó đánh giá hiệu quả và khuyến khích nhân rộng mô hình, kết nối dữ liệu rộng rãi trong ngành vận tải.

TS. Khương Kim Tạo

Nguồn ATGT: https://www.atgt.vn/ngan-chan-ma-men-bang-thiet-bi-canh-bao-tu-dong-d423823.html