Ngăn chặn nạn bạo hành cán bộ, nhân viên y tế
Theo bạn đọc phản ánh, hiện nay các cán bộ y tế ngoài nguy cơ bị phơi nhiễm, lây bệnh nguy hiểm còn phải đối mặt với tình trạng nhiều bệnh nhân, gia đình bệnh nhân đe dọa, thậm chí hành hung gây thương tích.
Để hạn chế tình trạng này, Bộ Y tế và các ngành chức năng đã có nhiều biện pháp tăng cường an ninh, trật tự bệnh viện, bảo vệ nhân viên y tế, nhưng đến nay chưa cải thiện.
Tòa án nhân dân quận Ba Đình (Hà Nội) vừa tuyên phạt bị cáo Đào Văn Thịnh (SN 1984, trú quận Ba Đình) 8 tháng tù về tội chống người thi hành công vụ. Trước đó, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các bệnh nhân cũng như người nhà đến khám, chăm sóc tại khoa cấp cứu đều phải xét nghiệm nhanh kháng nguyên vi-rút SARS-CoV-2. Khi có kết quả âm tính sẽ được khám và điều trị theo quy định; do Thịnh bị ngã xe gây thương tích vùng mặt cho nên phải vào Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (Ba Đình, Hà Nội) để chữa trị vết thương. Lúc này bác sĩ Nguyễn Thế Hiệp, y tá Hồ Thanh Hương và điều dưỡng Phạm Văn Minh trực tại khu vực sàng lọc test Covid-19 hướng dẫn Thịnh test Covid-19. Trong lúc đợi kết quả, Thịnh yêu cầu các bác sĩ phải sơ cứu vết thương.
Mặc dù, y tá Hương đã tận tình giải thích quy định nhưng Thịnh vẫn cố tình chửi bới, xúc phạm các cán bộ y tế, sau đó dùng chân đá bác sĩ Nguyễn Thế Hiệp; thúc khuỷu tay vào mặt điều dưỡng Minh. Sự việc chỉ dừng lại khi lực lượng bảo vệ khống chế Thịnh. Sau khi được sơ cứu vết thương vùng cằm, Thịnh bỏ về. Theo cáo trạng, anh Nguyễn Thế Hiệp không bị thương tích gì, anh Phạm Văn Minh có một vết sưng phù nề bên phía đầu bên phải. Cả 2 đều từ chối giám định thương tích và không yêu cầu về dân sự. Hội đồng xét xử cũng nhận định, vụ án có tính chất nghiêm trọng, hành vi phạm tội của bị cáo Thịnh nguy hiểm cho xã hội khi không chấp hành quy định của bệnh viện,...; đồng thời, xem xét các tình tiết giảm nhẹ tội cho bị cáo.
Hầu hết vụ hành hung cán bộ, nhân viên y tế đều do một số người nhà bệnh nhân, bệnh nhân không hiểu rõ quy định, thủ tục khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Ý thức chia sẻ, sự cảm thông cũng như xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa người nhà bệnh nhân đối với các y, bác sĩ chưa cao. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận những người công tác trong ngành y tế chưa làm tốt các quy định về giao tiếp ứng xử... Tuy nhiên, hậu quả các vụ hành hung các cán bộ y tế lại gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, tâm lý và cả tinh thần làm việc của các thầy thuốc. Người thầy thuốc chỉ có một tâm niệm duy nhất là mong muốn bệnh nhân được sống khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu tâm trí bị ám ảnh, sợ hãi bởi những lời nói, hành vi xúc phạm, thậm chí dọa đánh, dọa giết của người nhà bệnh nhân sẽ khiến các y, bác sĩ không thể yên tâm điều trị cho người thân của họ…”- bác sĩ CKII Trần Lan Anh, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái chia sẻ.
Về vấn đề này Ths, bác sĩ CKII Nguyễn Phương Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Phúc Thọ (thành phố Hà Nội) cho rằng, để hạn chế tình trạng này, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cần nâng cao nhận thức về công tác bảo đảm an ninh bệnh viện cho đội ngũ lãnh đạo và nhân viên y tế; xây dựng tốt môi trường thân thiện, nhân văn, ứng xử văn hóa tại các cơ sở y tế. Thực hiện nghiêm túc 22 điều y đức và quy chế ứng xử ban hành theo Thông tư 07/2014/TT-BYT ngày 25/2/2014 của Bộ trưởng Y tế; nâng cao khả năng giao tiếp, ứng xử của nhân viên y tế với người nhà bệnh nhân và bệnh nhân; lắp đặt đầy đủ hệ thống camera, chuông báo động trong các phòng khám, điều trị, hành lang, khuôn viên…; thiết lập đường dây nóng với đơn vị công an địa phương nơi bệnh viện đóng trụ sở; mở các lớp tập huấn xử lý tình huống an ninh phức tạp tại bệnh viện, để khi xảy ra sự việc, các nhân viên y tế biết cách xử trí, nhằm giảm hậu quả; tích cực tuyên truyền, phổ biến các nội quy, quy định của ngành y tế để người dân đến khám, chữa bệnh, trong đó nêu rõ chế tài xử lý nếu có hành vi xúc phạm, hành hung nhân viên y tế; xử lý nghiêm minh cán bộ, nhân viên y tế có hành vi thiếu tôn trọng, vòi vĩnh bệnh nhân, vi phạm quy chế chuyên môn.