Ngăn chặn nạn làm giả, làm nhái thương hiệu được ưa chuộng: Đề cao nhận diện trực quan thật - giả
Tình trạng làm giả các thương hiệu được ưa chuộng hiện gia tăng tới mức báo động, làm tổn hại không nhỏ đến giá trị thương hiệu của doanh nghiệp.
Ngoài tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, việc truyền thông giúp người tiêu dùng nhận diện trực quan hàng thật - hàng giả đang được lực lượng quản lý thị trường tích cực triển khai nhằm ngăn chặn vấn nạn này.
Nhiều nhãn hàng bị làm giả, làm nhái
Theo bà Phạm Thị Bích Thủy - đại diện Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bình Tây (doanh nghiệp phân phối độc quyền máy tính học sinh, đồng hồ Casio tại thị trường Việt Nam), hiện nay, có rất nhiều sản phẩm của hãng bị làm giả và được bày bán công khai trên các sàn thương mại điện tử. "Máy tính chính hãng của Casio có giá 600.000 đồng trở lên, song hàng giả được bán trên sàn thương mại điện tử chỉ từ 300.000-350.000 đồng. Việc đánh vào tâm lý ham giá rẻ như vậy đã khiến không ít người tiêu dùng mua phải hàng giả", bà Thủy nói.
Tương tự, ông Đàm Hải Long - đại diện Công ty Panasonic Việt Nam cho biết, là sản phẩm gia dụng, thiết bị điện được ưa chuộng tại Việt Nam nên sản phẩm của Panasonic cũng bị làm giả tràn lan như máy sấy tóc, ấm siêu tốc, tăm nước, máy lọc nước, pin, ổ cắm điện… Như máy sấy tóc giả thương hiệu Panasonic được bán công khai trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử và cả ngoài chợ với giá 80.000-120.000 đồng/chiếc, trong khi hàng chính hãng thấp nhất từ 300.000 đồng.
Còn theo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), qua kiểm tra đã phát hiện các mặt hàng thương hiệu Uniqlo bị làm giả, bán với giá rất rẻ. Cụ thể, sản phẩm áo chống nắng chính hãng của Uniqlo có giá 699.000 đồng/chiếc nhưng tại nhiều nơi sản phẩm giả thương hiệu này có giá chỉ vài chục nghìn đồng/chiếc.
Trưởng phòng Thực thi Sở hữu trí tuệ Công ty Honda Việt Nam Bùi Văn Định cho biết, trung bình mỗi năm phát hiện từ 200-300 vụ liên quan tới làm giả các sản phẩm phụ tùng nhãn hiệu Honda Việt Nam, tương ứng với số lượng khoảng 100.000 phụ tùng giả. Trong đó, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều sản phẩm dầu nhớt (do Honda sản xuất) được các gian thương thu gom vỏ chai nhựa đã qua sử dụng, sau đó về thay thế bằng các sản phẩm không rõ chất lượng và đóng hộp để bán ra thị trường.
Hiện nay, nhu cầu của người dân Việt Nam đối với các mặt hàng có thương hiệu rất cao, cùng với đó xuất hiện tình trạng gian lận thương mại đối với các thương hiệu này. Thời gian qua, trên cả nước đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ các thương hiệu, nhãn hàng lớn với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Nâng ý thức của doanh nghiệp, người tiêu dùng
Theo Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Như Quỳnh, Việt Nam rất nỗ lực thực thi các quy định quốc tế về phòng, chống hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ. Nhưng thực tế, hàng giả giao dịch trên thương mại điện tử đang gây khó khăn cho việc kiểm tra, xác minh và xử lý vi phạm.
Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương) Nguyễn Đức Lê cho biết, thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ liên tục thay đổi. Cụ thể, kho hàng được lập ở vùng biên giới, sau đó chuyển phát nhanh đưa vào nội địa tiêu thụ. Các cơ sở sản xuất chia nhỏ công đoạn, khi có khách đặt thì gom lại để lắp ráp, đóng gói. Do vậy, các doanh nghiệp, chủ sở hữu các thương hiệu lớn có sản phẩm bán tại thị trường Việt Nam cần tăng cường phối hợp, cung cấp thông tin và cử đầu mối đại diện pháp lý để hỗ trợ lực lượng quản lý thị trường trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm…
Theo đại diện Công ty Panasonic Việt Nam, doanh nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý hàng giả, hàng nhái trên thị trường, đồng thời gia tăng hệ thống phân phối chính hãng để tiếp cận rộng rãi tới người tiêu dùng. Mặt khác, doanh nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng nhận diện rõ hàng thật - hàng giả thông qua các hoạt động của cơ quan quản lý thị trường. Tiêu biểu là tham gia trưng bày tại các gian hàng giới thiệu hàng thật - hàng giả của Tổng cục Quản lý thị trường. Các hoạt động này giúp người tiêu dùng nhận diện trực quan hàng thật - hàng giả, từ đó tăng cường nhận thức, không tiếp tay cho hàng nhái, hàng giả. Qua các lần tổ chức trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả, ý thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng trong phòng, chống hàng giả đã nâng lên rõ rệt.
Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường Nguyễn Đức Lê cho biết, lực lượng chức năng đang tập trung triển khai Kế hoạch đấu tranh phòng, chống hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025 của Tổng cục Quản lý thị trường. Mục tiêu là không cho phép rao bán công khai hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc trên sàn thương mại điện tử; không còn tình trạng công khai sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại các làng nghề…