Ngăn chặn nguy cơ bất ổn

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp trực tuyến khẩn cấp nhằm thảo luận về những diễn biến 'nóng' xảy ra tại Ma-li. Cộng đồng quốc tế khẳng định lập trường phản đối bất kỳ sự thay đổi chính phủ nào đi ngược lại Hiến pháp, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc giải quyết khủng hoảng thông qua đối thoại nhằm sớm khôi phục trật tự Hiến pháp để tránh cho quốc gia Tây Phi bị nhấn chìm trong làn sóng bạo lực, bất ổn và chia rẽ.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp trực tuyến khẩn cấp nhằm thảo luận về những diễn biến “nóng” xảy ra tại Ma-li. Cộng đồng quốc tế khẳng định lập trường phản đối bất kỳ sự thay đổi chính phủ nào đi ngược lại Hiến pháp, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc giải quyết khủng hoảng thông qua đối thoại nhằm sớm khôi phục trật tự Hiến pháp để tránh cho quốc gia Tây Phi bị nhấn chìm trong làn sóng bạo lực, bất ổn và chia rẽ.

Cuộc binh biến lật đổ Tổng thống và Chính phủ ở Ma-li gây lo ngại làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế, xã hội kéo dài ở nước này. Tình hình Ma-li trở nên căng thẳng từ đầu tháng 7 vừa qua, khi Phong trào đối lập tháng 5 (M5-RFP) tổ chức biểu tình diện rộng yêu cầu Tổng thống B.Cây-ta từ chức, coi đây là điều kiện tiên quyết cho mọi cuộc thương lượng giải quyết các khác biệt chính trị trong tương lai. Mặc dù các tổ chức khu vực và cộng đồng quốc tế đã nỗ lực triển khai các biện pháp trung gian hòa giải, song tình hình Ma-li tiếp tục diễn biến phức tạp và căng thẳng bị đẩy lên đỉnh điểm khi Tổng thống B.Cây-ta cùng thủ tướng và các quan chức chính phủ hàng đầu của Ma-li bị một nhóm binh sĩ bắt giữ. Nhóm binh sĩ tự xưng là Ủy ban quốc gia về bảo vệ người dân (CNSP) tuyên bố nắm quyền lãnh đạo Ma-li và sẽ tiến hành tổng tuyển cử trong thời gian tới. Đại tá quân đội A.Gôi-ta tự tuyên bố là thủ lĩnh cuộc binh biến, Chủ tịch CSNP. Mặc dù M5-RFP phủ nhận có bất kỳ mối liên hệ nào với nhóm binh sĩ tham gia cuộc lật đổ chính phủ, song phong trào đối lập này tuyên bố sẽ hợp tác với chính quyền quân sự thúc đẩy “một lộ trình” chuyển tiếp chính trị.

Các nhà lãnh đạo ở Tây Phi lo ngại về những nguy cơ đằng sau cuộc khủng hoảng chính trị tại Ma-li có thể làm nảy sinh mối đe dọa an ninh đối với khu vực. Quốc gia bán sa mạc và không có biển này đang bị các nhóm khủng bố có liên hệ với An Kê-đa và tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) sử dụng làm bàn đạp để tiến công các nước láng giềng. Các cường quốc trên thế giới lo ngại tình trạng hỗn loạn sau đảo chính tại Ma-li có thể làm suy yếu các chiến dịch quân sự chống phiến quân Hồi giáo ở khu vực Xa-hen, vốn đang được quân đội Pháp và đồng minh phối hợp với lực lượng G5 Xa-hen triển khai. Các tổng thống thuộc năm quốc gia Tây Phi gồm Ni-giê-ri-a, Cốt Đi-voa, Xê-nê-gan, Ga-na và Ni-giê đã thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Ma-li, tránh để nước này đi vào “vết xe đổ” của tình trạng bất ổn và chia rẽ như sau cuộc đảo chính hồi năm 2012.

Cuộc binh biến ở Ma-li đã vấp phải sự chỉ trích và phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Liên hợp quốc, Liên minh châu Phi (AU), Liên hiệp châu Âu (EU), Cộng đồng kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS), các cường quốc kêu gọi lực lượng tham gia cuộc binh biến tuân thủ trật tự Hiến pháp, trả tự do cho các nhà lãnh đạo Ma-li. ECOWAS tuyên bố sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để khôi phục trật tự Hiến pháp ở Ma-li, kể cả việc các quốc gia thành viên ECOWAS sẽ đóng cửa biên giới trên bộ và trên không với Ma-li cũng như áp đặt trừng phạt các đối tượng tham gia binh biến. Tổ chức khu vực này cũng cho biết sẽ tạm thời loại Ma-li khỏi các cơ quan hoạch định chính sách. Nhằm gây sức ép đối với lực lượng tham gia binh biến ở Ma-li, Chủ tịch AU, Tổng thống Nam Phi X.Ra-ma-phô-xa lên án sự thay đổi Chính phủ Ma-li một cách vi hiến, đồng thời kêu gọi cần ngay lập tức đưa Ma-li trở lại chế độ dân sự và quân đội phải trở về doanh trại. Chủ tịch AU đề nghị người dân Ma-li, các đảng phái chính trị và xã hội dân sự tuân thủ pháp quyền, cũng như tham gia đối thoại hòa bình nhằm giải quyết các thách thức hiện nay.

Sự ổn định của Ma-li cũng như cuộc chiến chống khủng bố là ưu tiên hàng đầu mà các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế thúc đẩy. Đất nước Ma-li sẽ rơi vào bạo loạn nếu không nhanh chóng ổn định được tình hình. Các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khôi phục trật tự Hiến pháp và tuân thủ Hiệp định Hòa bình năm 2015, đồng thời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh sử dụng vũ lực, thúc đẩy đối thoại để tìm kiếm các giải pháp chính trị hòa bình, phù hợp Hiến pháp và luật pháp Ma-li, nhằm tránh cho quốc gia Tây Phi này bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực mới.

THÁI AN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/ngan-chan-nguy-co-bat-on-613717/