Ngăn chặn nguy cơ cháy nổ tại các điểm di tích
Từ đầu năm 2023 đến nay, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã phối hợp với các cơ quan truyền thông trung ương và địa phương đăng phát 130 lượt phóng sự, tin, bài trên các phương tiện truyền thông; phát 37.000 tờ rơi; tổ chức 884 cuộc tuyên truyền, tập huấn kiến thức PCCC&CNCH đến các cơ sở, tổ chức, cá nhân, trong đó có các di tích trên địa bàn tỉnh với hàng chục nghìn lượt người tham gia…
Trên địa bàn tỉnh hiện có 335 di tích trong danh mục kiểm kê, trong đó có 168 cơ sở tín ngưỡng. Các di tích này thường có đặc điểm kiến trúc theo lối cổ có nhiều cấu kiện gỗ và vật liệu dễ cháy như: vàng mã, hương, nến, vải… tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Trên địa bàn tỉnh cũng đã từng xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại về người và tài sản. Đơn cử, tại Đền Mẫu Đồng Đăng vào sáng 20/2/2018 (tức mùng 5 Tết) đã xảy ra cháy khiến 10 gian hàng bán đồ lễ, vàng mã bị thiêu rụi. Sau sự việc ấy, hằng năm công tác PCCC tại di tích được các cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh đặc biệt chú trọng.
Tại thành phố Lạng Sơn, công tác PCCC tại các di tích thường xuyên được đơn vị quan tâm chỉ đạo thực hiện. Ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin thành phố Lạng Sơn cho biết: Công tác PCCC tại các điểm di tích, lễ hội thường xuyên được chúng tôi quán triệt. Gần đây, ngày 22/9/2023, chúng tôi đã tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản tăng cường công tác tuyên truyền và thực hiện công tác PCCC tại các di tích tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn. Theo đó, phòng hướng dẫn các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, vận động các cơ sở di tích tôn giáo, tín ngưỡng thực hiện tốt công tác PCCC; phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các trưởng ban, bộ phận thường trực quản lý tại các di tích; trang bị bình chữa cháy tại các điểm di tích; đảm bảo an toàn và duy trì điều kiện an toàn về PCCC…
Tại di tích đền Bắc Lệ, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, nơi có lượng lớn du khách thập phương về tham quan, lễ bái, công tác đảm bảo an toàn PCCC cũng được triển khai đồng bộ. Ông Nguyễn Đăng Thái, Trưởng Ban Quản lý di tích đền Bắc Lệ cho biết: Cơ sở vật chất và nhân lực cho công tác PCCC tại di tích luôn được đảm bảo. Di tích hiện tại được trang bị 10 bình chữa cháy. Tiêu lệnh chữa cháy được chúng tôi bố trí đầy đủ. Lò hóa sớ, đồ mã được xây dựng cách đền thờ 20m có hệ thống thông gió, vách ngăn bụi, tàn hương và thường xuyên có người túc trực để nhắc nhở người dân, du khách… Chúng tôi thường xuyên kiểm tra thiết bị điện và thay mới khi có dấu hiệu xuống cấp. Đặc biệt, trong quy chế của Ban quản lý di tích, chúng tôi phân công nhiệm vụ trực tiếp cho 2 thành viên thường trực sẵn sàng xử lý các tình huống đột xuất, bất ngờ, đảm bảo công tác PCCC.
Không riêng hai đơn vị nêu trên, hiện nay, công tác PCCC đều được ban quản lý các di tích trên địa bàn tỉnh quan tâm và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên. Nhờ đó, trong hơn 3 năm gần đây (từ năm 2020 đến nay) chưa ghi nhận vụ hỏa hoạn nào xảy ra ở di tích trên địa bàn tỉnh.
Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Công tác PCCC tại di tích được xác định là một trong những nhiệm vụ của bảo tồn, phát huy giá trị di tích, không để hỏa hoạn biến di tích thành phế tích. Hằng năm, nhất là dịp chuẩn bị mùa lễ hội, ngành đều ban hành văn bản hướng dẫn các huyện, thành phố đôn đốc, nhắc nhở việc phòng cháy, chữa cháy đối với các ban quản lý, bộ phận quản lý di tích; đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ di tích, phòng ngừa hỏa hoạn của người dân thông qua việc tuyên truyền.
Cùng với ngành văn hóa, để tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy tại các di tích, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) đã phối hợp với các đơn vị chức năng, các địa phương thực hiện nhiều biện pháp công tác đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy.
Thượng tá Trần Văn Tương, Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh cho biết: Trong thời gian vừa qua, lực lượng đã tích cực triển khai, phối hợp với ban quản lý di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn các huyện, thành phố thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC&CNCH. Trong đó, chúng tôi tập trung việc hướng dẫn, kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC&CNCH tại các địa điểm tổ chức lễ hội, các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh; tổ chức tuyên truyền, phát tờ rơi và phát trên hệ thống loa nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, bảo đảm an toàn PCCC cho du khách; trang bị phương tiện PCCC&CNCH bảo đảm theo quy định. Đồng thời, phối hợp tổ chức tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ PCCC&CNCH cho người làm việc trong các cơ sở di tích, tăng ni của chùa để kịp thời xử lý các sự cố cháy, nổ, tai nạn không may xảy ra.
Được biết, hằng năm, vào dịp đầu xuân, lực lượng chức năng đều phối hợp thành lập các đoàn kiểm tra công tác PCCC tại các địa điểm tổ chức lễ hội. Cụ thể, từ năm 2022 đến nay, đã có trên 200 điểm di tích được kiểm tra công tác PCCC, trong quá trình kiểm tra lực lượng chức năng kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn và phát tờ rơi đến chủ các cơ sở di tích và các hộ kinh doanh trong khu vực di tích và các hộ kinh doanh gần khu vực tổ chức lễ hội. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các cơ sở đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật về PCCC.
Đặc biệt, thời gian gần đây khi xảy ra rất nhiều vụ cháy nổ nghiêm trọng trên toàn quốc, công tác PCCC được các cấp, ngành chức năng đặc biệt quan tâm thực hiện, tiêu biểu ngày 24/9, Công an thành phố Lạng Sơn đã phối hợp tổ chức hội nghị tuyên truyền PCCC&CNCH và hướng dẫn hơn 500 chư tăng, phật tử trên địa bàn cách sử dụng và thực hành dập tắt đám cháy bằng bình chữa cháy xách tay. Ngoài ra, Công an thành phố đã tặng 6 bình chữa cháy xách tay cho đại diện Chùa Thành và các phật tử trên địa bàn tỉnh.
Việc phòng chống nguy cơ cháy nổ tại các di tích trên địa bàn tỉnh là rất quan trọng. Đây không chỉ là trách nhiệm của cơ quan, lực lượng chức năng mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân. Do vậy, mỗi người dân cần chấp hành tốt các quy định, nâng cao ý thức tự phòng ngừa sự cố cháy, nổ tại các điểm di tích để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, du khách.