Ngăn chặn nguy cơ tái bùng phát dịch

Trong những ngày qua, trên cả nước xuất hiện nhiều ổ dịch Covid-19 mới, với số lượng ca dương tính với SARS-CoV-2 tăng từng ngày, nguy cơ tái bùng phát dịch tại các địa phương rất cao.

Nhân viên y tế hướng dẫn kỹ thuật lấy mẫu test nhanh cho người dân tại quận 3, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: YẾN THƯ

Hơn một tháng qua, TP Hồ Chí Minh gần như trở lại nhịp sống bình thường. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, số ca dương tính với SARS-CoV-2 có chiều hướng tăng trở lại. Số ca F0 tăng nhiều nhất ở huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, quận 12 và TP Thủ Ðức. Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Lê Thụy Mỹ Châu cho biết: Từ ngày 22 đến 28/10, huyện có 346 ca nhiễm; từ ngày 29/10 đến 4/11 có 342 ca; riêng trong ngày 10/11, huyện ghi nhận 633 ca nhiễm...

Tại tỉnh An Giang, cuối tháng 9/2021, tỉnh chỉ có 5.127 ca nhiễm; từ đầu tháng 10 đến nay, số ca tăng cao 3,29 lần, riêng ngày 11/11 có 661 ca nhiễm. Hiện tỉnh An Giang ghi nhận 16.881 ca, đang điều trị 6.205 ca F0. Ổ dịch gần đây bùng phát tại TP Long Xuyên ghi nhận 1.932 ca, TP Châu Ðốc 1.338 ca; các huyện Tịnh Biên 1.395 ca, Tri Tôn 1.496 ca, Chợ Mới 2.296 ca.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 28/10 tới nay, số ca mắc tăng nhanh, riêng ngày 9/11, thành phố phát hiện 222 ca bệnh, trong đó có 105 ca ngoài cộng đồng. Ðây là số ca mắc cao nhất trong một ngày mà Hà Nội ghi nhận lần đầu tiên kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Hà Nội đang có 14 ổ dịch, chùm ca bệnh phức tạp và vẫn tiếp tục ghi nhận F0. Các ổ dịch xuất hiện ở nhiều quận, huyện, hầu hết đều chưa rõ nguồn lây…

TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, An Giang, Hà Nội là những địa phương có số ca nhiễm Covid-19 mới tăng nhanh trong những ngày qua. Theo số liệu của Bộ Y tế, từ 16 giờ ngày 12/11 đến 16 giờ ngày 13/11, Việt Nam ghi nhận 8.497 ca nhiễm mới tại 57 tỉnh, thành phố; trong đó, TP Hồ Chí Minh có 1.240 ca, Ðồng Nai 743 ca, An Giang 547 ca, Hà Nội 152 ca. Ðáng lưu ý, số ca nhiễm mới trong nhiều ngày gần đây vẫn ở mức cao, trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong bảy ngày qua là 8.176 ca/ngày, nguy cơ tái bùng phát dịch Covid-19 tại các địa phương rất cao.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Vĩnh lý giải: "Phần lớn ca nhiễm xuất phát từ công nhân đi làm tại các khu công nghiệp rồi nhiễm bệnh, trở về nhà lây lan cho gia đình, cộng đồng. Một số người dân chủ quan, lơ là sau khi thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, không tuân thủ nghiêm thông điệp 5K". Theo Giám đốc Sở Y tế An Giang Trần Quang Hiền, số ca mắc tại tỉnh tăng cao là do trước đó các ổ dịch chưa xử lý dứt điểm, lại thêm hơn 70.000 người từ các tỉnh, thành phố có dịch về địa phương và xảy ra tình trạng lây nhiễm dịch bệnh trong các khu cách ly tập trung. Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn nhận định, nguyên nhân là người dân đi lại, giao lưu sau khi thành phố nới lỏng giãn cách. Một bộ phận người dân chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh, nhất là sau khi tiêm đủ hai mũi vắc-xin. Người dân từ các tỉnh, thành phố có dịch về Hà Nội chưa thực hiện nghiêm việc theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà. Thậm chí, còn có hiện tượng giao lưu, tiếp xúc nhiều, nên đã có những ca lây nhiễm thứ phát...

Công an phường Ðiện Biên (Ba Ðình, Hà Nội) kiểm tra việc quét mã QR tại một cửa hàng trên phố Nguyễn Thái Học. Ảnh: NAM NGUYỄN

Trước nguy cơ dịch Covid-19 tái bùng phát, các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn. CDC thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các quận, huyện phát hiện nhanh các ổ dịch kịp thời; kích hoạt các trạm y tế lưu động ở một số địa phương có số F0 điều trị tại nhà gia tăng để quản lý F0, kịp thời phát gói thuốc; phát hiện bệnh nhân chuyển nặng chuyển vào bệnh viện. Ngành y tế thành phố cũng kích hoạt lại mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" nhằm tăng cường tư vấn và hỗ trợ cho người bệnh Covid-19 đang có xu hướng tăng; thành lập đội đặc nhiệm kiểm dịch phòng, chống dịch Covid-19. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã xây dựng bốn kịch bản trong giai đoạn bình thường mới hiện nay để chủ động ứng phó diễn biến dịch Covid-19. Hiện thành phố đã trả lại công năng ban đầu của một số bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung điều trị nhưng vẫn giữ một số bệnh viện dã chiến để đáp ứng công tác điều trị khi số ca F0 tăng lên. Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố xây dựng mô hình bệnh viện 3 tầng, kết hợp với bệnh viện dã chiến cấp quận, huyện đang được thành lập để điều trị F0 đang tăng lên. Các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao cũng thành lập khu cách ly tập trung để điều trị cho công nhân nhiễm Covid-19. Thành phố đã sẵn sàng các kịch bản không để số ca F0 tăng mất kiểm soát.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Nai Nguyễn Sơn Hùng khẳng định: Cơ quan chức năng của tỉnh đang quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; trong đó, cùng với gấp rút thành lập trạm y tế lưu động trong tất cả khu công nghiệp, 100% xã, phường cũng thành lập trạm y tế lưu động để kịp thời hỗ trợ điều trị F0 cách ly tại nhà, không để bùng thành các ổ dịch lớn. Bí thư Tỉnh ủy Ðồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị cả hệ thống chính trị của tỉnh cần nỗ lực hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch. UBND tỉnh chấn chỉnh việc phối hợp kết nối thông tin, xử lý F0 trong cộng đồng giữa các phòng khám, địa phương, doanh nghiệp, phát huy hiệu quả hơn các đội phản ứng nhanh, trạm y tế lưu động.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, tỉnh thực hiện giới nghiêm người dân ra khỏi nhà trong đêm; hàng quán chỉ bán mang về không phục vụ tại chỗ; yêu cầu lực lượng công an tuần tra, xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang; test nhanh sàng lọc công nhân, tiểu thương định kỳ; phát phiếu cho người dân đi chợ 3 ngày/lần; các tiểu thương mua bán phải dựng màn che chắn; đẩy nhanh tiêm vắc-xin mũi 1 trong tháng 11 đạt 100% và kiến nghị Bộ Y tế cung cấp vắc-xin để tiêm mũi 2 đạt hơn 89% trong năm nay, hỗ trợ thuốc đặc trị Covid-19...

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, TP Hà Nội sẽ không giãn cách, phong tỏa diện rộng như trước đây mà xử lý các ổ dịch theo nguyên tắc "nguy cơ đến đâu, khoanh đến đấy". Phương châm là F1 ở quận, huyện, thị xã nào, thì cách ly tập trung tại quận, huyện, thị xã đó. Thành phố cũng đang thiết lập các trạm y tế lưu động để sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ, nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp trên quy mô lớn; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin cho người dân. Sở Y tế Hà Nội phối hợp Sở Giáo dục và Ðào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội vừa xây dựng kế hoạch liên ngành tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Dự kiến, thời gian triển khai là vào quý IV/2021 và quý I/2022, ngay khi tiếp nhận vắc-xin từ Bộ Y tế sẽ lần lượt tiêm cho toàn bộ trẻ đủ 12 đến 17 tuổi có chỉ định sử dụng vắc-xin của nhà sản xuất và Bộ Y tế. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã ban hành văn bản yêu cầu người dân Hà Nội rút ngắn thời gian tổ chức lễ cưới và không tập trung quá 30 người trong cùng một thời điểm...

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, tình hình dịch bệnh trên cả nước và Hà Nội hiện diễn biến phức tạp, số ca mắc gia tăng mạnh, đã có tình trạng chủ quan trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Do đó, hệ thống chính trị ở cơ sở phải tham gia vận động người về từ vùng dịch đi cách ly tập trung. Nếu cách ly tại nhà, phải kiểm tra cụ thể đến từng hộ gia đình bảo đảm đủ điều kiện an toàn. Ðối với các trường hợp không tuân thủ quy định để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, phải lập hồ sơ xử lý nghiêm, thậm chí xử lý hình sự. Chính quyền các địa phương phải có giải pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19, điều trị F0, cách ly F1; chăm lo an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/y-te/ngan-chan-nguy-co-tai-bung-phat-dich-673823/