Bài toán bình ổn giá để việc tăng lương được thực chất

Từ ngày 1.7, lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng. Để việc tăng lương thực chất, công tác điều hành giá rất cần được chú trọng.

6 tháng đầu năm 2024 mặt bằng giá hàng hóa diễn biến theo quy luật hằng năm, tăng vào dịp lễ tết đầu năm và giảm dần và tương đối ổn định ở các tháng tiếp theo. Sang tháng 3, nhu cầu mua sắm của người dân giảm sau tết và yếu tố thời tiết ổn định thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nguồn cung rau, quả dồi dào khiến mặt bằng giá giảm.

Giá cả các mặt hàng cần được bình ổn trước tác động của việc tăng lương cơ sở, lương hưu - Ảnh: TN

Giá cả các mặt hàng cần được bình ổn trước tác động của việc tăng lương cơ sở, lương hưu - Ảnh: TN

Tháng 4 và tháng 5, mặt bằng giá tương đối ổn định, chỉ số CPI tăng nhẹ 0,05 - 0,07% so với tháng trước chủ yếu do một số yếu tố như thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến nguồn cung rau củ tại địa phương cũng như làm tăng nhu cầu sử dụng điện nước, mua sắm các mặt hàng điện lạnh và nhu cầu tiêu dùng đồ giải khát tăng, từ đó đẩy giá các nhóm hàng này tăng nhẹ.

Ở chiều ngược lại, giá xăng dầu trong nước có xu hướng giảm từ cuối tháng 4 đến nay góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá. Bình quân 5 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đón nhận tin vui khi tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng/tháng từ ngày 1.7.2024. Có thể thấy, đây là lần tăng lương cao nhất từ trước đến nay, là thông tin cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước rất trông đợi, nhưng không tránh khỏi những nỗi lo, bởi đi kèm theo đó là những các tác động tiềm tàng đối với người lao động và nền kinh tế xã hội. Vì vậy, cần phải có giải pháp thực tế phòng ngừa những rủi ro cho nền kinh tế, xã hội.

Giới chuyên gia cho rằng việc tăng lương cơ sở có thể dẫn đến lạm phát, đặc biệt khi mức tăng là 30%, cao nhất từ trước đến nay. Lương cơ sở tăng có thể làm tăng chi phí sản xuất và dịch vụ, dẫn đến việc giá cả hàng hóa tăng theo theo quy luật kinh tế nên vấn đề kiểm soát lạm phát cần được đặt ra.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, việc kiểm soát lạm phát cần được xem xét kỹ lưỡng. Nếu không được kiểm soát, lạm phát có thể làm mất đi phần lớn lợi ích từ việc tăng lương.

Đây cũng là bài toán đặt ra với cơ quan điều hành giá. Trao đổi với báo chí về vấn đề này, Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành để có biện pháp chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá thời gian tới để đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, bình ổn giá đi kèm ổn định kinh tế vĩ mô.

Cơ quan này cho biết sẽ giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường, các mặt hàng vẫn có biến động tăng giá để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành giá phù hợp, linh hoạt, kịp thời, nhất là với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá. Đặc biệt, điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tuy nhiên, các bộ ngành, địa phương cần chủ động chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, đánh giá kỹ tác động để thực hiện điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức độ điều chỉnh phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường.

Phải chú trọng theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có những giải pháp ứng phó phù hợp; sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá; cập nhật sát tình hình cung cầu trong nước để có chỉ đạo dự phòng tại địa phương đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, tránh tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Đối với các mặt hàng nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường như điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát các phương án, lộ trình giá do các bộ xây dựng, đề xuất để cập nhật kịch bản lạm phát làm cơ sở tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác quản lý, điều hành giá đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 theo mục tiêu Quốc hội đề ra từ 4 - 4,5%.

Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để điều hành giá xăng dầu theo quy định, bám sát diễn biến giá thế giới và phối hợp tham gia ý kiến góp ý để hoàn thiện cơ chế quản lý giá xăng dầu.

"Đồng thời, bộ cũng sẽ tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những điểm còn hạn chế, bất cập, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm", đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Cùng với đó, Chính phủ cần tiếp tục tìm kiếm các biện pháp khả thi kiểm soát lạm phát hiệu quả để đảm bảo việc tăng lương cơ sở không dẫn đến việc tăng giá hàng hóa và dịch vụ một cách quá mức. Đồng thời, cần tăng cường giám sát, điều tiết thị trường để đảm bảo sự ổn định của giá cả và kiểm soát tốt các yếu tố có thể gây ra lạm phát.

Điều quan trọng là Chính phủ cần đảm bảo nguồn ngân sách để thực hiện việc tăng lương là bền vững và không gây áp lực quá lớn lên các khoản chi khác. Cần có các biện pháp tăng cường quản lý thu, chi ngân sách và tối ưu hóa các khoản chi tiêu công, giảm sự lãng phí ngân sách công và sự thất thoát ngân sách công do tham nhũng tiêu cực.

Do vậy, cần tăng cường minh bạch, trách nhiệm giải trình trong việc sử dụng ngân sách để đảm bảo tính hiệu quả, công bằng của chính sách và vai trò kiểm toán nhà nước rất quan trọng để thực hiện nhiệm vụ này.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/bai-toan-binh-on-gia-de-viec-tang-luong-duoc-thuc-chat-219251.html